Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuyển sinh lớp 6: Thi đánh giá năng lực khác kiểm tra kiến thức

Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng đánh giá năng lực là kiểm tra khả năng sử dụng kiến thức của học sinh có được trong học tập để giải quyết những vấn đề cụ thể.

Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo thông tư về quy chế tuyển sinh THCS và THPT, nhận được sự quan tâm của dư luận.

Trong dự thảo của Bộ GD&ĐT, ở cấp THCS, trường nào có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực.

Thế nào là 'đánh giá năng lực'?

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, thông tư 11 năm 2014 quy định phương thức tuyển sinh vào THCS là xét tuyển. Tuy nhiên, một số trường có số hồ sơ đăng ký vào học nhiều hơn so với chỉ tiêu nên gặp khó khăn trong tuyển sinh.

thi tuyen vao lop 6 anh 1
PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành. Ảnh: Bộ GD&ĐT.

Năm 2015, bộ có công văn 1258 giao cho cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học đông hơn so với chỉ tiêu thì được quyền xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện. Dự thảo thông tư này nhằm cụ thể hóa quy định của bộ trước đó.

Ông Nguyễn Xuân Thành lý giải: "Chúng ta đang đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Đánh giá năng lực học sinh khác với đánh giá kiến thức vì kiến thức là nguyên liệu để hình thành nên năng lực. Đánh giá năng lực học sinh là đánh giá khả năng sử dụng kiến thức mà học sinh có được trong quá trình học tập để giải quyết những vấn đề cụ thể".

Theo ông Thành, hiện nay, chúng ta đang có định hướng sẽ phát triển 10 năng lực cho học sinh bao gồm: Tự chủ - tự học, giao tiếp - hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo; toán học; ngôn ngữ; tìm hiểu tự nhiên và xã hội; công nghệ; tin học; nghệ thuật; thể chất. Tùy mục tiêu, yêu cầu, nhà trường có thể lựa chọn để đánh giá năng lực nào đó của học sinh. 

Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học ký giải nếu kiểm tra kiến thức ở môn Toán học có thể giao cho học sinh một phương trình hay nội dung nào đó dùng kiến thức để giải. Còn khi đánh giá năng lực, giáo viên sẽ giao cho học sinh vận dụng kiến  thức mình làm để giải quyết vấn đề cụ thể. Học sinh phải lập phương trình để giải chứ không phải chỉ là giải phương trình cho sẵn. 

“Việc thi và kiểm tra đánh giá sẽ có tác động trở lại đối với quá trình dạy học. Các thầy cô không chỉ trang bị kiến thức, mà con phải làm sao cho học sinh biết vận dụng kiến thức đó để giải quyết tình huống phù hợp”, ông Nguyễn Xuân Thành nói.

Với học sinh tiểu học, việc hình thành năng lực phải kéo dài từ lớp 1 đến lớp 5 chứ không phải trong một giai đoạn ngắn.

TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, lý giải một số trường như THCS Nguyễn Siêu (Hà Nội) xây dựng phương án xét tuyển lớp 6 bằng cách dựa vào học bạ 5 năm tiểu học, kèm tiêu chí phụ là kết quả của các cuộc thi.

Ngoài ra, trường này cho học sinh làm bài đánh giá năng lực bằng cách viết bài luận tổng hợp bằng tiếng Anh. Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng bài luận này không phụ thuộc kiến thức học sinh có đi học thêm hay không.

Phương án hợp lý

Thầy Phạm Trung Dũng - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - chia sẻ nhà trường ủng hộ dự thảo này vì sẽ đảm bảo tính chính xác và công bằng hơn khi tuyển sinh vào các trường có hồ sơ nhiều hơn so với chỉ tiêu.

Những năm vừa qua, trường Lương Thế Vinh có nhiều học sinh ứng tuyển, dẫn đến việc "làm đẹp" hồ sơ. 

Theo thầy Dũng, với bài thi đánh giá năng lực, dù hiện tại chưa có hướng dẫn chính thức, nhà trường có thể sử dụng phương thức cũ từng áp dụng như  phỏng vấn, kiểm tra trắc nghiệm hay khảo sát. Các trường phải theo hướng dẫn cụ thể từ sở GD&ĐT để tổ chức thi sao cho không vi phạm quy định.

“Chúng ta có thể khảo sát học sinh thông qua bài thuyết minh với những kiến thức mà các em không phải học thêm, ví dụ như các kiến thức vệ tinh mà học trò đã học ở tiểu học. Những hiểu biết về Lịch sử - Địa lý, Luật giao thông... để các em có thể tiếp cận được ở cả gia đình nữa để đánh giá học sinh”, thầy Dũng nói.

Tuyển sinh lớp 6 bằng kiểm tra năng lực: Luyện thi sẽ 'bùng nổ'?

Một số ý kiến cho rằng nếu áp dụng hình thức thi tuyển vào lớp 6 mà có các môn văn hóa, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng phụ huynh luyện thi cho con từ hồi lớp 3, lớp 4.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm