Những câu chuyện cổ tích dân gian, khung cảnh sinh hoạt làng quê được chuyển tải đến người xem bằng hình thức hoàn toàn mới. Không còn cảnh những nghệ nhân phải ngâm mình hàng giờ liền dưới nước để điều khiển con rối. Thay vào đó, những chú robot được điều khiển một cách linh hoạt.
Nhiều người thấy thú vị khi biết đây là bài tập kết thúc môn Robot công nghiệp của sinh viên ngành Cơ điện tử, khoa Cơ khí chế tạo máy, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Tiết mục Bích thủy song lân. Ảnh: Minh Nhật. |
Các bạn sinh viên đã mượn những câu chuyện quen thuộc, gần gũi trong cuộc sống, biến tấu độc đáo hơn để trong thời gian 3 phút trình diễn có thể phô bày các tính năng ưu việt nhất của người máy.
Bạn Trịnh Thanh Linh, sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết yêu cầu khó nhất khi chế tạo robot là ở dưới nước mà không bị chập điện.
"Có những đêm, chúng mình phải thức đến 3h sáng tìm cách để các động cơ hoạt động trơn tru khi xuống nước. Sau một tháng vất vả, chúng mình cũng đã có được màn trình diễn khá trọn vẹn”, nam sinh nói.
Với điều kiện kinh phí khó khăn, phải bỏ tiền túi để tự nghiên cứu chế tạo robot, các bạn sinh viên đều cố gắng tận dụng những vật liệu, động cơ từ máy móc cũ. Chính những khó khăn đó đã khuyến khích bạn trẻ vừa làm, sáng tạo, vừa học hỏi giữa các nhóm.
Trái với suy nghĩ của nhiều người khi nghĩ robot múa rối nước sẽ không được linh hoạt, thuần thục, màn trình diễn khá ấn tượng. Những con rối xoay mình điệu nghệ, phun nước, đốt pháo…, động tác rất uyển chuyển. Câu chuyện được chuyển tải qua "nghệ nhân robot" nhận được sự hưởng ứng, hò reo của khán giả.
Sinh viên đang điều khiển robot múa rối nước. Ảnh: Minh Nhật. |
TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, chia sẻ: “Thông qua việc chế tạo robot múa rối nước lần này, sinh viên biết vận dụng những gì đã học vào cuộc sống, giúp ích cho cộng đồng. Nó cũng giúp giới trẻ gắn bó với nét đẹp văn hóa dân tộc”.
Không chỉ dừng lại là bài tập kết thúc môn, trong tương lai, khả năng ứng dụng thực tế của những chú robot này rất cao.
TS Nguyễn Trường Thịnh cho rằng trong bối cảnh nghệ nhân múa rối nước đang dần mai một, con người không thể xử lý mức độ phức tạp của những cách biểu diễn mới và điều kiện sức khỏe hạn chế, robot hoàn toàn "có đất dụng võ".