Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh viên chế tạo xe năng lượng mặt trời 130 triệu

Trong ba ngày 5, 6 và 7/10, nhiều sản phẩm sáng tạo của sinh viên, học sinh được triển lãm, giới thiệu đến các doanh nghiệp tại Nhà Văn hóa Thanh niên nhân Liên hoan tuổi trẻ sáng tạo TP.HCM.

Sinh viên chế tạo xe năng lượng mặt trời 130 triệu

Trong ba ngày 5, 6 và 7/10, nhiều sản phẩm sáng tạo của sinh viên, học sinh được triển lãm, giới thiệu đến các doanh nghiệp tại Nhà Văn hóa Thanh niên nhân Liên hoan tuổi trẻ sáng tạo TP.HCM.

Xe năng lượng mặt trời giá 130 triệu

Một nhóm sinh viên 6 người dưới sự hướng dẫn của thạc sĩ Đoàn Tất Linh (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) đã trình làng chiếc xe chạy bằng năng lượng mặt trời vừa hoàn thành.

Thạc sĩ Linh, thành viên của nhóm, cho biết hiện nay, ở Việt Nam, các công viên, khu giải trí thường sử dụng xe điện nhập chủ yếu từ Trung Quốc, giá thành dao động từ 200 - 400 triệu đồng/chiếc. Xe thông thường được sử dụng giá vào khoảng 300 triệu đồng.

Trong khi đó, theo anh Linh, những chiếc xe điện này tốn nhiên liệu trong khi nếu chạy bằng năng lượng mặt trời sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Chưa kể là pin mặt trời có tuổi thọ hơn 10 năm so với pin điện chỉ dùng được khoảng 3 năm.

Xe chạy bằng năng lượng mặt trời của thầy và trò Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM với tấm thu năng lượng mặt trời trên trần xe

Bùi Như Nỉ, sinh viên trong nhóm nghiên cứu, cho biết xe có khả năng chở tối đa 8 người, vận tốc tối đa 40km/giờ, xe chạy được 40 - 70km/ngày tùy thuộc vào ánh sáng mặt trời.

“Cả nhóm mong muốn mang đến sản phẩm sử dụng nguồn năng lượng sẵn có, gần gũi với con người nên đã nghĩ đến việc tạo nên chiếc xe này để ứng dụng trong các khu vui chơi, giải trí” - Nỉ giải thích thêm.

Theo Nỉ, xe có khả năng chạy bằng nguồn năng lượng mặt trời cũng như bằng điện trong những ngày thiếu nắng.

“Do nhóm nghiên cứu xuất thân từ khoa cơ khí nên hình dáng của xe chưa được đẹp lắm. Mong là có doanh nghiệp hỗ trợ để tạo dáng cho xe đẹp hơn” - thạc sĩ Linh hy vọng.

Được biết, toàn bộ khung xe được thầy và trò làm bằng tay và phải mất gần nửa năm mới có thể cho ra đời chiếc xe hoàn thiện. Giá thành cuối cùng sau khi làm xong ước tính khoảng 130 triệu đồng.

Sắp tới, xe chạy bằng năng lượng mặt trời này sẽ được kiểm nghiệm tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

Thu về gần 50 triệu từ máy bắn tăm nhang

Với chiếc máy bắn tăm nhang, sinh viên Nguyễn Văn Quốc Vương (khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM) tự hào “khoe” cùng mọi người sau những tháng ngày mày mò vất vả.

Nguyễn Văn Quốc Vương trình diễn máy bắn tăm nhang của mình

Chiếc máy, thoạt nhìn không đẹp mắt lắm, kiểu dáng đơn giản. Vì thế, cũng ít người biết nó lại vô cùng tiện ích đối với người lao động và nó đã được doanh nghiệp chào mua.

Về quá trình tạo nên chiếc mày này, Vương kể: trong một lần được tham quan một công ty làm nhang, Vương nhìn thấy những người lao động phải dùng tay đút từng cây tăm qua máy ép bột nhang rất mất thời gian. Từ đó, Vương ngày đêm trằn trọc tìm ra chiếc máy giúp người lao động không phải làm công việc tỉ mỉ đó.

Sau nửa năm nghiên cứu, chiếc máy bắn tăm nhang tự động ra đời. Chỉ cần gom một bó tăm nhang bỏ vào khung máy, máy sẽ tự động đẩy từng que nhang sang máy ép bột để cho ra đời que nhang hoàn thiện.

Theo Vương, do người chế tạo ra sản phẩm không được học về cơ khí nên chiếc máy này vẫn chưa hoàn hảo lắm. Chưa kể hình dáng chiếc máy do tạo tác bằng tay nên trông còn thô, không bắt mắt.

Mặc dù còn nhiều điểm chưa hoàn thiện - theo lời chủ nhân chiếc máy - nhưng một doanh nghiệp khi biết đến đã mua cùng lúc đến... 10 chiếc. Giá thành mỗi chiếc máy là 4,5 triệu đồng.

Được biết, với mỗi chiếc máy, Vương mất khoảng 1 tuần để lắp ráp và cài đặt.

“Trước mắt, mình chỉ mới bán máy do mình tự làm thủ công chứ chưa bán ý tưởng công nghệ. Hy vọng sắp tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp đặt mua chiếc máy này” - Vương nói thêm.

Giấc mơ sáng tạo máy móc “made in Viet Nam”

Nhóm sinh viên gồm 4 người của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM khiến nhiều bạn trẻ hào hứng tại buổi triển lãm với sản phẩm máy quay rotor trinh thám.

Phạm Hữu Nhân, thành viên của nhóm, cho biết máy quay rotor với 4 cánh quạt ở 4 bên và camera gắn bên dưới sẽ đảm nhận chức năng bay đến những vùng như vực sâu, vùng nguy hiểm, vùng nhiễm phóng xạ… để truyền hình ảnh về.

Nhiều bạn trẻ hào hứng với máy quay trinh thám rotor

Đây là máy quay phiên bản thứ 4, hoàn thiện nhất, được nhóm thực hiện trong vòng một năm rưỡi. Theo Nhân, phiên bản này mang tính ổn định hơn trong quá trình bay cũng như quá trình điều khiển, vật liệu tốt hơn, bền hơn và có tích hợp camera.

Ngoài ra, chiếc máy còn được trang bị đèn LED ở phía dưới để sử dụng vào ban đêm.

Nhân chia sẻ: “Hiện nay, sản phẩm này đã được sử dụng phổ biến ở nước ngoài. Nhưng ở Việt Nam, theo mình được biết, thì chưa có. Mình mong muốn nhiều người Việt Nam sẽ sử dụng những sản phẩm do chính người Việt tạo ra trong tương lai không xa”.

Xe có khả năng di chuyển trong nhiều điều kiện địa hình khác nhau - Ảnh: Sinh viên Võ Anh Khoa cung cấp

Cùng chung ý tưởng với Nhân, Hai sinh viên Võ Anh Khoa và Lưu Văn Tề, đến từ Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, mang đến sản phẩm xe do thám địa hình.

Khoa cho biết, với chiếc xe này, hy vọng người công nhân sẽ không phải đến những vùng nguy hiểm, những địa hình hiểm trở để quan sát và làm việc.

Xe này còn có thể quan sát các sự vật, hoạt động tại những vị trí thấp và khó quan sát như gầm xe hơi, quan sát được trong đêm tối và truyền hình ảnh về. Hai bánh trước của xe có thể thay đổi, khung xe có thể nâng lên, hạ xuống trong quá trình di chuyển trong nhiều điều kiện địa hình khác nhau.

Hiện nhóm sinh viên này đang thử nghiệm khả năng đẩy vật nặng của xe trong quá trình trinh thám.

“Có những đêm liền thức đến 3 - 4 giờ sáng để nghiên cứu khả năng trinh thám trong đêm của xe, có những ngày vật lộn làm lại từ đầu vì thất bại. Nhưng cuối cùng, sau 2 tháng sản phẩm như mơ ước đã hoàn thành” - Tề chia sẻ.

Sản phẩm này cũng là đồ án tốt nghiệp của hai bạn Khoa và Tề. Theo hai bạn, chi phí ước tính thực hiện sản phẩm này vào khoảng 6 triệu đồng, trong khi sản phẩm tương tự ở nước ngoài nhập về Việt Nam giá sẽ không dưới 15 triệu.

Liên hoan tuổi trẻ sáng tạo TP.HCM lần thứ 3, năm 2012 được tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên (Q.1, TP.HCM) từ ngày 5 - 7.10 do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ (thuộc Thành Đoàn TP.HCM) tổ chức.

Tại liên hoan, nhiều sản phẩm sáng tạo mang tính ứng dụng cao của học sinh, sinh viên được mang ra trình diễn như: Xe lăn điện thông minh điều khiển bằng cử động đầu; máy phun tăm nhang; robot ứng dụng giúp việc nhà; robot nhảy múa giúp giải trí; máy quay rotor; xe đạp cho người khuyết tật tay, robot trinh sát địa hình; xe chạy bằng năng lượng mặt trời; máy đo huyết áp; bộ kết nối kính hiển vi với máy vi tính dành cho học sinh; bảng điều khiển thiết bị điện từ xa…

Cũng tại liên hoan, kỹ thuật trồng hoa lan của thầy trò Trường ĐH Nông lâm TP.HCM được chuyển giao cho xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Trước đó, kỹ thuật này đã được triển khai ở một số tỉnh Nam Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, huyện Bình Chánh (TP.HCM)…

Theo Thanh Niên

Theo Thanh Niên

Bạn có thể quan tâm