Trong một lần kiến tập tại nhà máy của một doanh nghiệp nước ngoài, cả ba đã bị cuốn hút bởi sự chuyển động linh hoạt của những chiếc máy công cụ CNC (Computer Numerical Control). Sau một thời gian tìm hiểu, từ việc giải đáp những tò mò của bản thân, nhóm SV nung nấu ý tưởng tạo ra chiếc máy CNC cho phép du khách sở hữu những món đồ lưu niệm khắc hình của chính mình, bạn bè, người thân.
Không chùn bước trước khó khăn, trở ngại
Thời gian đầu, khi bắt tay vào nghiên cứu, Diễn, Thắng và Chương gặp rất nhiều khó khăn khi cả ba đều là SV chuyên ngành điện, trong khi để chế tạo máy công cụ còn cần những kiến thức liên quan tới cơ khí. Nhận thấy nguồn tài liệu về máy công cụ CNC trên mạng và sách vở rất hạn chế, nhóm chủ động đề xuất ý tưởng nghiên cứu của mình với các thầy cô trong khoa điện-điện tử để được tư vấn, tiếp cận những tài liệu cần thiết.
Mai Đăng Diễn và Phạm Thiết Chương thuyết trình về máy CNC tại Hội nghị khoa học ứng dụng SV ĐH Đông Á. |
Sau hơn 4 tháng nghiên cứu, nhóm đã bắt tay vào lắp ráp và cho ra đời chiếc máy CNC phiên bản thử nghiệm đầu tiên. Ở phiên bản này, các em sử dụng khung máy bằng gỗ vì dễ gia công và tiết kiệm chi phí. Không như các máy CNC dùng các bo mạch cũ, máy CNC này sử dụng bo mạch mới là arduiino giúp máy hoạt động linh hoạt hơn. Vận hành máy là các phần mềm Inkscape hay UniversalGcodeSender có kết nối đơn giản, giúp các thao tác nạp dữ liệu trở nên dễ dàng, rút ngắn thời gian tạo thành phẩm.
Nhìn thấy tính khả quan với phiên bản gỗ, nhóm tìm mua đầu laser cho máy ở tận TP HCM. Quá trình thí nghiệm gặp rất nhiều trục trặc do khung máy cần độ chính xác cao. Hơn nữa, vì thiết bị không chỉ khan hiếm mà giá thành rất cao, nhóm phải tận dụng nguyên liệu và gia công tự chế một số bộ phận tương thích.
Những sản phẩm máy CNC chạm, khắc laser lên gỗ. |
Đầu laser có giá thành cao, chẳng may trong quá trình thử nghiệm có hai chiếc bị cháy. Nhưng hình ảnh chiếc máy CNC do chính mình tạo ra lại thôi thúc các em. Nhóm tự dặn lòng vượt qua khó khăn, trở ngại. “Vậy là ba anh em chúng tôi lại tìm cách chắt chiu, vun vén để tiếp tục với niềm đam mê”, Chương tâm sự.
Diễn, Thắng và Chương đã thay đổi chất liệu vỏ máy CNC bằng nhôm để tăng độ bền và tính thẩm mỹ. Với mục tiêu ban đầu là tạo ra sản phẩm phục vụ du lịch, ngoài chiếc máy CNC phiên bản chính thức có kích thước 50x80 cm, các em còn cho ra đời một phiên bản nhỏ hơn với kích thước 45x45 cm để khắc lên những đồ vật có kích thước nhỏ như chiếc ốp lưng điện thoại.
Phục vụ ngành du lịch các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên
Với máy CNC khắc sản phẩm bằng laser này, các doanh nghiệp kinh doanh hàng lưu niệm ở Đà Nẵng, Hội An dễ dàng thực hiện việc khắc hình ảnh chụp các công trình biểu tượng của địa phương như cầu Rồng, đèn lồng Hội An, Vòng xoay mặt trời… lên các vật liệu bằng gỗ, giấy, vải, da, nhựa để phục vụ du khách.
Đinh Xuân Thắng và Phạm Thiết Chương bên chiếc máy CNC. |
Chiếc máy do SV ĐH Đông Á chế tạo mang lại lợi ích thiết thực phục vụ ngành du lịch, tạo nét phong phú, đa dạng cho sản phẩm lưu niệm. Không những thế, khi thay thế đầu laser bằng bút, khoan, kim... máy có thể vẽ tranh, tiện và thêu, in 3D. Sản phẩm có giá trị ứng dụng trong các ngành công nghiệp chạm khắc gỗ, trang trí nội thất, may mặc.
Tại Hội nghị khoa học ứng dụng SV trường ĐH Đông Á diễn ra ngày 8/6, công trình Lắp ráp, điều khiển máy CNC mini khắc sản phẩm bằng laser được chọn trao giải Nhất. Chia vui cùng thành tựu ban đầu của học trò, thầy Nguyễn Lê Hoàng - Trưởng khoa điện - điện tử nhận xét: “Công trình này có tính ứng dụng cao, gắn với nhu cầu thực tế. Đây là kết quả sinh động của quá trình học tập, rèn luyện và niềm say mê nghiên cứu của SV theo tôn chỉ học đi đôi với hành, gắn liền với đời sống thực tiễn mà ĐH Đông Á từ lâu theo đuổi”.