Quy định đóng cổng đầu giờ học của nhiều bạn sinh viên thuộc các trường đại học khác cũng bày tỏ nhiều góc nhìn khác nhau. Phần lớn các bạn cảm thấy không thoải mái.
Các bạn sinh viên Y dược chia sẻ hiện tượng đi trễ ở trường mình phụ thuộc vào độ khó của giảng viên. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Sinh viên dùng giờ cao su lâu rồi
Bạn Đỗ Thị Nhung, sinh viên năm tư khoa Văn học - Ngôn ngữ, ĐH KHXH&NV TP HCM - cho biết: “Sinh viên hiện giờ đã có thói quen sử dụng “giờ cao su” lâu rồi, muốn thay đổi một sớm một chiều là không thể mà cần có thời gian".
Theo Nhung, quy định này khá hiệu quả nhưng nhà trường làm quá gấp, trường nên thông báo trước để sinh viên chuẩn bị. "Hay mình nghĩ đơn giản là thông báo trước với sinh viên nếu trễ sẽ nghỉ luôn hai tiết đầu để không ảnh hưởng người khác. Trong thời gian đó, các bạn vẫn có thể đợi ở khuôn viên trường để chuẩn bị cho tiết học” - Nhung nói.
Cũng vậy, bạn Lê Phương Bảo Ngọc, sinh viên năm tư trường ĐH KHXH&NV TP HCM ý kiến rằng, “Trên lý thuyết, quy định này là hợp lý. Vì giờ sinh viên đi học khá thoải mái đâm ra hiện tượng đi trễ gây nhiều phiền phức, ảnh hưởng việc dạy và học của người khác. Quy định này sẽ giúp các bạn chấn chỉnh lại nề nếp tốt hơn. Tuy nhiên, cần có thời gian để ban giám hiệu thông báo trước khi chính thức áp dụng, điều này giúp sinh viên chuẩn bị tâm lí trước để sắp xếp, chấp hành quy định tốt hơn”.
Bạn Văn Phương Thúy, sinh viên năm tư trường ĐH KHXH&NV TP HCM chia sẻ: “Về mục đích thì quy định này rất tốt vì hiện tượng các bạn sinh viên đi trễ đã rất phổ biến, cần phải chấn chỉnh lại. Tuy nhiên, thực tế thì cũng có lý do chính đáng nhưng vì trễ vài phút mà mất cả buổi học thì rất đáng tiếc. Thay vào đó, mình nghĩ là nên sử dụng các biện pháp nhẹ nhàng, cụ thể hơn như, điểm danh đầu giờ, trừ điểm rèn luyện các bạn đi trễ”.
Theo Huỳnh Thanh Tùng, sinh viên khoa Quan hệ quốc tế, nhân văn, trong môi trường giáo dục, áp dụng quy định đó là bình thường vì cần phải có kỷ luật rõ ràng.
"Tuy nhiên, trường cũng cần thông báo trước cho các bạn chứ làm bất ngờ rồi bắt các bạn đứng ngoài nắng ở cổng như thế là không phải. Nếu trường mình cũng áp dụng quy định tương tự thì mình cũng thấy ổn nếu thông báo trước với mình. Lúc ấy, nếu mình đi trễ quá mình nghỉ học luôn cũng được” - Tùng đề xuất.
Đúng giờ hay không là "canh" theo độ khó của giảng viên
Theo lời kể của bạn Nguyễn Thị Thu Trang, sinh viên năm nhất ĐH Y dược TP HCM, các sinh viên ở đây khi đi học sẽ tùy theo tính giảng viên mà có cách đi trễ khác nhau.
"Đối với giảng viên dễ thì các bạn chỉ việc lẳng lặng vào cửa sau. Còn đối với giảng viên khó tính, nếu có ai đi trễ thì các bạn sẽ ở ngoài lớp luôn" - Trang nói.
Tuy nhiên, theo Thu Trang, sinh viên giờ tự học là chính, người nào muốn đi học thì đã đến đúng giờ rồi. Làm sinh viên phải thoải mái một chút, trễ vài phút cũng không sao, lẳng lặng vào lớp không làm ảnh hưởng người khác là được rồi.
Nguyễn Trọng Hương, sinh viên năm nhất ĐH Y dược TP HCM cho biết: "Nếu bạn sinh viên đó nhận thức việc học quan trọng thì bạn ấy sẽ cố gắng đi học đầy đủ. Còn trường hợp đôi khi vì bận chuyện gì đó đến trễ và phải chịu ở ngoài cổng thế này thì cũng phải chấp nhận thôi. Cuộc sống mà khi đã chọn cái này thì phải chấp nhận mất cái kia”.
Theo bạn Lê Huỳnh Nhật Minh (23 tuổi) - hiện học cao học, đi học là quyền của sinh viên. "Nếu sinh viên thấy việc đến muộn như vậy không ảnh hưởng gì đến việc học của họ thì trường cũng không nên ra quy định đóng cửa cấm sinh viên vào học. Điều này vô tình ảnh hưởng đến quyền được đi học của họ. Họ đã đóng tiền để đi học chứ không phải đóng tiền để đến đúng giờ”, Minh nói.