Theo học ngành Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Biên dịch tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tuy nhiên, Như Quỳnh (sinh viên năm cuối) lại dự định theo đuổi công việc liên quan đến tiếng Trung sau khi ra trường.
Quỳnh cho biết gần 4 năm trước, khi đặt bút đăng ký nguyện vọng, cô nghĩ rằng với lợi thế tiếng Anh cùng một số kỹ năng mềm, cơ hội việc làm chắc chắn sẽ cao ngay cả khi không làm đúng ngành học.
Tuy nhiên, năm 3 đại học, sau một lần đi phỏng vấn vị trí nhân viên Marketing, Quỳnh nhận ra có bằng đại học ngành Ngôn ngữ Anh là chưa đủ. Nếu làm công việc ngoài lĩnh vực biên dịch, Quỳnh không thể cạnh tranh với những ứng viên vừa giỏi tiếng Anh, lại có kiến thức ở lĩnh vực khác.
“Mình biết ngoại ngữ, nhưng khi nhà tuyển dụng hỏi về kiến thức đơn giản của Marketing như bài viết chuẩn SEO, các dạng title, mình lại không biết và trượt phỏng vấn. Nói thật sau lần đó, mình sợ chỉ với bằng cử nhân Ngôn ngữ Anh, mình sẽ thất nghiệp sau khi ra trường. Nếu có công việc, mình cũng không thể đề xuất mức lương như mong muốn", Quỳnh chia sẻ.
Như Quỳnh học Ngôn ngữ Anh nhưng dự định theo đuổi công việc liên quan đến tiếng Trung. Ảnh: NVCC. |
Nỗi lo thất nghiệp
Buồn và thất vọng về bản thân, lại lo thất nghiệp, Quỳnh bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về định hướng công việc sau khi ra trường. Theo nữ sinh, ở thời điểm hiện tại, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ phổ biến. Khi nhiều người coi đó là công cụ và có chứng chỉ IELTS, TOEIC cao, bằng đại học ngành Ngôn ngữ Anh sẽ không còn là lợi thế.
Bên cạnh đó, nếu làm công việc biên dịch, Quỳnh phải đạt trình độ ngôn ngữ ở mức xuất sắc mới đủ cạnh tranh, tuy nhiên, cô lại khó làm được điều đó. Chưa kể hiện nay, các công cụ dịch thuật phát triển, cánh cửa nghề nghiệp người làm biên dịch dần thu hẹp.
Tương tự, An Thái (sinh viên năm 3 ngành Ngôn ngữ Anh tại một trường đại học ở TP.HCM) cũng chung nỗi lo học ngành ngôn ngữ dễ bị đào thải.
Thời điểm nộp hồ sơ vào đại học, Thái không biết mình thích gì, lại có thế mạnh là học sinh chuyên Anh nên nhắm mắt chọn đại ngành Ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, khi lên đại học, cậu vỡ mộng vì ngành này không như cậu tưởng tượng.
“Bình thường, tiếng Anh với mình là nghe - nói - đọc - viết, là luyện cấu trúc, ngữ pháp. Mình chưa bao giờ nghĩ mình sẽ học chuyên sâu tiếng Anh như khi lên đại học”, Thái cho hay.
Mặc dù hứng thú với chuyên ngành và chương trình học, Thái nhận ra kiến thức mình được dạy khó ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày. Thêm vào đó, việc được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin như “học Ngôn ngữ Anh vô dụng”, “nên học chứng chỉ ngoại ngữ thay vì học chuyên sâu”... khiến cậu càng hoang mang hơn.
Chọn học thêm ngôn ngữ hoặc ngành mới
Biết mình không hứng thú gì khác ngoài ngôn ngữ, An Thái quyết định đầu tư hơn cho việc học thêm tiếng Pháp. Hiện tại, cậu đang ôn chứng chỉ B1 tiếng Pháp song song với việc học tiếng Anh tại trường.
Thái lựa chọn tiếng Pháp đầu tiên vì nhà trường yêu cầu sinh viên phải có ngoại ngữ 2 để tốt nghiệp. Tiếng Pháp lại có tương đồng với tiếng Anh, việc học lại từ đầu không khó.
Ngoài ra, cậu cho rằng số lượng quốc gia sử dụng tiếng Pháp không hề nhỏ. Việc biết thêm ngoại ngữ này có thể giúp cậu mở rộng cơ hội công việc trong tương lai.
“Thêm nữa, nhiều bạn hiện nay có xu hướng chọn tiếng Trung, Nhật, Hàn. Nếu mình chọn tiếng Pháp, tỷ lệ cạnh tranh cơ hội việc làm sẽ ít hơn”, Thái giải thích.
Thái bắt đầu học tiếng Pháp từ năm nhất đại học, đến nay đã 3 năm. Cậu chủ yếu học tại trường, về nhà mua sách cũng như ứng dụng trả phí để tự ôn tập thêm.
Thái dự định sau khi ôn thi xong chứng chỉ B1 tiếng Pháp sẽ xin vào làm thực tập sinh truyền thông tại một công ty Pháp đặt trụ sở tại Việt Nam. Việc này sẽ giúp cậu có nhiều cơ hội sử dụng thành thạo ngôn ngữ.
Tương tự, xác định chỉ học Ngôn ngữ Anh là chưa đủ, Như Quỳnh đăng ký học một khóa Marketing online trong vòng 3 tháng, đồng thời ứng tuyển vị trí nhân viên Content ở một công ty khác để học hỏi trực tiếp.
Song song với đó, thay vì học tiếng Trung chỉ để đủ điều kiện ra trường, Quỳnh nghiêm túc coi đó là ngôn ngữ thứ 2, sẽ là lợi thế trong quá trình tìm việc.
Tuy nhiên, càng học, Quỳnh lại có nhiều hứng thú hơn với ngôn ngữ này. Cô cũng chủ động tìm hiểu cơ hội việc làm liên quan đến tiếng Trung và nhận thêm các công việc làm thêm liên quan.
“Có tiếng Anh, lại biết thêm tiếng Trung, mình có lợi thế hơn hẳn. Học tập, thực tập, nghiên cứu ở trường thuận tiện. Các công việc dù làm thêm, mức lương cũng cao hơn trước, cơ hội cũng nhiều hơn so với việc chỉ biết tiếng Anh. Quan trọng, mình cảm thấy phù hợp với ngôn ngữ này và dần vạch ra kế hoạch theo đuổi", Quỳnh chia sẻ.
Tháng 6 tới, Quỳnh sẽ tốt nghiệp đại học, cô dự định du học thạc sĩ tại Trung Quốc và làm các công việc liên quan đến ngôn ngữ này.
Hiện tại, bên cạnh học đại học, Mỹ Anh đăng ký học thêm chứng chỉ về du lịch để mở rộng cơ hội việc làm. Ảnh: NVCC. |
Không học thêm ngôn ngữ mới, Mỹ Anh (sinh viên năm cuối ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) chọn học thêm chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch quốc tế để mở rộng cơ hội nghề nghiệp cũng như thỏa mãn sở thích cá nhân.
Theo cô, nếu theo đuổi việc biên phiên dịch hoặc giảng dạy, sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc chỉ cần hoàn thành việc học đại học chính quy. Tuy nhiên, nếu muốn theo đuổi công việc trái với ngành học, Mỹ Anh cần lên kế hoạch học tập hoặc tìm hiểu thêm ngành nghề khác.
Nữ sinh cho rằng giai đoạn hiện tại, nhiều quốc gia đã mở cửa biên giới, việc di chuyển, du lịch đã trở nên dễ dàng, Việt Nam cũng đón thêm nhiều lượt khách từ Trung Quốc. Cùng với bằng đại học ngành ngôn ngữ, việc có thêm chứng chỉ hướng dẫn du lịch sẽ giúp cô cạnh tranh trong thị trường lao động.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.