Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh viên lòng như lửa đốt, ngóng tin từ quê nhà đang lũ lụt

Bố mẹ thông báo quê nhà ngập sâu trong lũ, nhiều sinh viên bất lực vì không thể về nhà hỗ trợ gia đình, chỉ có thể ở lại Hà Nội chờ mọi người báo tin bình an.

Nhà của Diễm Trang bị ngập đến ngang đầu gối. Ảnh: NVCC.

"3h rồi mà mình không ngủ được vì quê nhà Thái Nguyên đang ngập lụt ghê lắm, từ tối tới giờ, mình không gọi được cho người nhà, mình muốn về quá".

Đây là tâm sự của một sinh viên quê ở Thái Nguyên khi nghe tin quê nhà ngập sâu do ảnh hưởng của mưa bão. Bài viết của sinh viên này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người, các sinh viên khác đang sống tại Hà Nội cũng vào chia sẻ rằng nhà ở quê bị ngập nước, cắt điện, giao thông tê liệt... nhưng không thể về vì đường đi nguy hiểm.

Mất ngủ khi nghe tin nhà ngập

2h30 sáng 10/9, Diễm Trang, quê ở tỉnh Bắc Giang, hiện học đại học tại Hà Nội, thao thức không ngủ nổi vì lo cho bố mẹ ở quê nhà.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Trang cho biết nhà của em ở thị xã Việt Yên (tỉnh Bắc Giang). Xã nằm ở ven sông Cầu nên mỗi lần lũ về, đường đi, nhà cửa và trường học đều bị nhấn chìm trong nước.

Sau bão số 3, quê nhà của Trang bắt đầu mưa lớn và ngập trên diện rộng. Tính đến trưa 10/9, nữ sinh được bố mẹ báo tin nước vẫn đang dâng cao. Nhà của nữ sinh xây cao nên chỉ bị ngập nước đến ngang đầu gối. Nhưng ở những vùng trũng, thấp hơn, nước đã ngập đến ngang cổ của một người trưởng thành.

"Nước vào đến nhà nên bố mẹ em đang ở tạm trên tầng 2. Năm 2013, nước lũ cũng về thị xã em cao như vậy, thậm chí nước đến mông. Em sợ mùa lũ năm 2013 có thể lặp lại", nữ sinh lo lắng nói.

Nói thêm về tình hình mưa lũ ở quê nhà, Trang cho biết toàn bộ thị xã Việt Yên gần như ngập trong nước nên chợ cũng phải đóng cửa. Rất may người dân chuẩn bị từ trước nên có thức ăn dự trữ trong những ngày lũ về.

Trong ngày 10/9, thị xã vẫn cắt điện để đảm bảo an toàn cho người dân. Nhà của Trang dùng bếp ga nên bố mẹ em vẫn có thể nấu nướng bình thường.

Nước chưa vào nhà nhưng vẫn lo cho bố mẹ ở quê

Nhà của Thanh Hà (sinh viên Học viện Dân tộc) may mắn hơn nhà của Diễm Trang vì chưa ngập, nước chưa vào đến nhà. Tuy nhiên, những khu vực lân cận nhà nữ sinh đã ngập trong nước, thậm chí một số huyện bị ngập sâu.

Hà cho biết quê em ở xã Phú Bình (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang). Nhà của nữ sinh được xây ở vị trí cao nên may mắn không bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Nhưng trên các đoạn đường trung tâm, nước đã ngập và một số khu vực khác của huyện Chiêm Hóa bị ngập sâu.

Chia sẻ bức ảnh nước lũ chạm sát cầu Chiêm Hóa, Hà lo lắng nói: "Cây cầu này cao lắm nhưng sắp ngập hết rồi, nhiều chỗ khác còn bị ngập ngang nóc nhà, em sốt ruột lắm".

mua lu thai nguyen anh 3

Thanh Hà lướt Facebook và thấy bức ảnh nước lũ sắp chạm cầu Chiêm Hóa. Ảnh: Minh Phụng.

Dù nhà chưa bị ảnh hưởng, nữ sinh vẫn không thể yên tâm khi thấy cảnh quê hương bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa bão. Trong lòng như lửa đốt, nhưng Hà không dám về với bố mẹ vì giao thông bị ảnh hưởng khá nhiều. Gia đình cũng khuyên nữ sinh nên ở lại Hà Nội để đảm bảo an toàn và tiếp tục việc học.

Giống như Thanh Hà, Thu Giang (sinh viên Đại học Phenikaa) cũng nóng ruột khi nghe tin quê nhà Thái Nguyên bị ngập sâu trong mưa lũ.

Nhà của nữ sinh ở thành phố Sông Công (tỉnh Thái Nguyên), may mắn chưa bị ảnh hưởng của mưa lũ. Tuy nhiên, anh trai của nữ sinh đang học ở Đại học Công nghiệp Thái Nguyên (TP Thái Nguyên) lại bị ảnh hưởng nhẹ.

Một người bạn của Giang đang học tại Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) bị ảnh hưởng khá nặng vì trường ngập sâu. Rất may là người bạn này đã kịp về nhà an toàn.

Từ hôm qua tới nay, Giang luôn cầm điện thoại trên tay để chờ gia đình báo tin. Học ở Hà Nội, nữ sinh cứ thấp thỏm nước lũ vào nhà. Tới trưa 10/9, gia đình báo vẫn ổn nên nữ sinh mới thấy nhẹ lòng hơn đôi chút.

"Từ khi lũ về, em cứ liên tục đọc tin và chia sẻ các bài viết liên quan mưa lũ với hy vọng có thể giúp mọi người ở quê. Khu vực nhà em may mắn hơn nhưng ở thành phố Thái Nguyên ngập sâu quá, đọc thấy thương lắm", nữ sinh chia sẻ.

Mắc kẹt khi đến Thái Nguyên nhập học

Nghe tin lũ đổ về thành phố Thái Nguyên, Quỳnh Trang (quê ở Lào Cai, hiện sống tại Hà Nội) cũng thấp thỏm vì gia đình dì ruột đưa con đến thành phố này nhập học thì bị mắc kẹt, không thể trở về Lào Cai.

mua lu thai nguyen anh 4

Nhà của Quỳnh Trang bị ngập trong lũ, người thân lại đang mắc kẹt ở Thái Nguyên chưa thể về. Ảnh: NVCC.

Thông tin với Tri Thức - Znews, Quỳnh Trang cho biết em họ của cô đến Thái Nguyên nhập học Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) từ hôm 8/9. Đến ngày 9/9, nước lũ bất ngờ đổ về làm giao thông tê liệt, mọi người đành phải ở yên tại chỗ.

Hiện, gia đình dì ruột của Trang vẫn đang ở lại nhà trọ tại Thái Nguyên, rất may nước lũ mới chỉ ngập ngang tầng 1, tầng 2 không bị ảnh hưởng.

Trước khi lũ lớn đổ về, dì và em họ của Trang đã kịp mua đồ ăn dự trữ. Nhưng lúc đó, việc mua thực phẩm cũng khá khó khăn vì cả chợ không còn đồ để mua.

"Lào Cai quê mình đang ngập khá sâu, nhà mình nước cũng vào đến tầng 1. Hiện tại, dì và em bị mắc kẹt, gia đình mình cũng không thể xuống Thái Nguyên đón vì giao thông tê liệt. Dì mình nhiều lần tìm cách về Lào Cai nhưng cũng không được", Trang tâm sự.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Nhiều trường đại học tiếp tục điều chỉnh kế hoạch học tập vì mưa lũ

Do ảnh hưởng của mưa lũ, các trường đại học quyết định cho sinh viên tạm nghỉ hoặc chuyển qua học online cho đến khi tình hình ổn định hơn.

Thái An

Bạn có thể quan tâm