Nguyễn Xuân Bách - sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa Hà Nội - chưa tốt nghiệp đã được nhận vào làm tại một công ty của Nhật Bản ở Việt Nam với mức lương gần 3.000 USD/tháng.
Tới đây, 60 sinh viên khác cùng lớp của Bách cũng có thể đạt mức lương này. Tuy nhiên, các sinh viên được trả mức lương cao này đang "nhấp nhổm" ra nước ngoài.
Mức lương 3.000 USD chưa phải là cao nhất
Một năm về trước, một sinh viên mơ ước và đưa ra câu hỏi: Học thế nào để ra trường nhận mức lương khởi điểm 2.000 USD. Nhiều người đã chỉ trích, cho đó là ước mơ viển vông.
Tuy nhiên, Nguyễn Xuân Bách (sinh viên năm cuối Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội) mới đây được công ty Rakuten (Nhật Bản) tuyển dụng với mức lương gần 3.000 USD/tháng, dù chưa ra trường.
Những ngày này, Bách bận rộn đêm ngày để hoàn thành đồ án tốt nghiệp cũng như tích cực chuẩn bị các kỹ năng cần thiết để đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Nguyễn Xuân Bách thuyết trình bằng tiếng Nhật tại nhà máy sản xuất đồ uống Asahi, tỉnh Shizuoka, Nhật Bản. |
Chàng trai quê Thái Nguyên khiêm tốn nhận mình không quá xuất sắc, cũng không có bí quyết gì đặc biệt. Bởi theo Bách, mức lương cậu nhận được chưa phải quá cao so với thị trường quốc tế. Ngoài ra, nhiều sinh viên khóa trước Bách cũng có được mức lương này.
Mặc dù vậy, phương pháp học tập của Bách vẫn có nhiều điểm khác biệt với phần đông sinh viên ở Việt Nam hiện nay.
“Khi mới thi đỗ Đại học Bách khoa, em đã định hướng trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin, đưa ra kế hoạch dài hơi để thực hiện điều này.
Ngoài việc học ở trường, trang bị các kiến thức cơ bản từ thầy cô, em học thêm ngoại ngữ bên ngoài. Đến năm 3, em đã có thể sử dụng thành thạo cả tiếng Anh và tiếng Nhật.
Lên năm 4, trường em tổ chức Jobfair (ngày hội việc làm) và các công ty Nhật Bản đến phỏng vấn, tuyển dụng. Lần đầu thất bại, em đăng ký đi học ngay một khóa về kỹ năng phỏng vấn. Lần thứ thứ 2 tham gia Jobfair, em đã tìm được công việc theo đúng mong muốn của mình”, Bách chia sẻ.
Tân kỹ sư của công ty Rakuten cho hay điểm yếu của sinh viên Việt Nam hiện nay là “chỉ biết học, nhưng không xác định được học để làm gì, sẽ làm gì”.
Bách cũng đưa ra lời khuyên dành cho các bạn sinh viên có cách học thụ động. Đó là cố gắng định hướng nghề nghiệp càng sớm càng tốt để có thời gian chuẩn bị dài hơn, trang bị các kỹ năng cần thiết ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường.
'Chất xám' chảy đi đâu?
Tháng 10 tới, Bách sẽ sang trụ sở chính của công ty bên Nhật Bản làm việc. “Công việc chủ yếu của em tại đây là phát triển các sản phẩm mới (startup) cho công ty”, nam sinh viên hào hứng nói.
Bách cho biết thêm lớp của cậu có hơn 100 sinh viên, trong đó, trên 60 người sẽ đi Nhật Bản làm việc sau khi tốt nghiệp.
Bảng thống kê việc làm của sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội 6 tháng đầu năm 2016.
|
“Biết mức lương 2.000-3.000 USD nếu sống ở Nhật sẽ không để ra được là bao, nhưng em vẫn chấp nhận. Em muốn ở nước ngoài một vài năm để có thêm kinh nghiệm làm việc ở môi trường quốc tế", Bách tâm sự.
Đây là một câu chuyện không mới nhưng đáng suy ngẫm. Lâu nay, dư luận đã nhắc nhiều đến tình trạng “chảy máu chất xám” khi các học sinh, sinh viên xuất sắc đi du học nước ngoài và không quay trở về Việt Nam làm việc.
Bây giờ, chúng ta lại tiếp tục đối mặt với câu chuyện “chảy máu nguồn nhân lực”, khi mỗi năm, hàng vạn người chuyển ra nước ngoài sinh sống và làm việc.
Đáng tiếc nhất là trong đó có rất nhiều bạn trẻ, được đào tạo ở một trường đại học chính quy trong nước, được kỳ vọng là nguồn nhân lực đưa Việt Nam tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Song, họ lại có xu hướng tìm kiếm cơ hội làm việc ở nước ngoài.
Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản đều khá khó khăn trong tìm kiếm nhân sự, bởi họ phải đối mặt với tình trạng dân số già. Vì thế, xứ sở hoa anh đào đang chuyển dịch sang “mỏ vàng” về nhân sự ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
3.000 USD chỉ là mức lương tối thiểu trả cho một sinh viên mới ra trường ở Nhật Bản nhưng lại là con số hấp dẫn đối với nhiều tài năng trẻ của Việt Nam.
Chúng ta không nên trách các bạn trẻ, bởi đó là lựa chọn cho họ, mà phải đặt ra câu hỏi: Tại sao doanh nghiệp và cơ quan trong nước lại không giữ chân người tài? “Chất xám” vẫn tiếp tục chảy. Song hơn thế, đó còn là sự lãng phí tài năng.