Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Sinh viên mang sách vở về quê 'cho có' chứ không có tâm trạng học

Những ngày cận Tết, sinh viên trở nên uể oải, mang sách vở về quê để học nhưng cuối cùng lại không học được chữ nào.

Sinh viên mang sách vở về quê nhưng không muốn học. Ảnh: Pexels.

“Mình mang theo giáo trình, sách luyện đề, vở luyện chữ, dự định là nghỉ Tết rảnh sẽ mang sách vở ra học cho đỡ ‘đần’ người. Nhưng về nhà mấy ngày rồi, sách vở mình vẫn để trong balo chưa mang ra. Mình không còn tí tinh thần học hành nào”.

Đây là tâm sự của Thùy Linh, sinh viên năm hai ngành Ngôn ngữ Trung tại một trường đại học ở TP.HCM. Những ngày cận Tết, dù đặt mục tiêu học tập chăm chỉ để ra Tết thi chứng chỉ HSK, nữ sinh vẫn không có tâm trạng để thực hiện kế hoạch đã đặt ra.

Nghỉ Tết là hết động lực học

Về quê sau nhiều tháng lên TP.HCM học đại học, điều đầu tiên Thùy Linh làm khi vừa về đến nhà và vứt balo ra một góc rồi lăn ra ngủ. Hết ngủ, Linh lại dậy ăn, rồi lại ngủ. Chuỗi ngày về quê đón Tết của nữ sinh chỉ lặp lại trong vòng tuần hoàn ăn - ngủ, thỉnh thoảng lại dậy giúp bố mẹ dọn nhà.

lich nghi tet dai hoc anh 1

Không riêng sinh viên, học sinh cũng rất chán nản trong những ngày cận Tết. Ảnh: Pexels.

Mang sách vở về nhà để ôn luyện thêm trong dịp Tết nhưng đến nay Linh vẫn chưa học được chữ nào. Mỗi lần nhìn balo sách vở đặt trong góc phòng, nữ sinh lại tặc lưỡi cho qua, tự nhủ là “để mai học”, nhưng “mai” là ngày nào thì cô không biết.

“Mình định ra Tết đăng ký thi HSK 5 nhưng với tình trạng lười học như bây giờ, mình cũng không biết mình có thi nổi không”, Linh nói với Tri thức - Znews.

Đây không phải lần đầu tiên Thùy Linh rơi vào tình trạng uể oải, chán học trong kỳ nghỉ Tết. Từ năm nhất đại học, nữ sinh đã gặp tình trạng vừa từ TP.HCM về quê là chỉ muốn buông hết sách vở, không còn tâm trạng nghĩ đến chuyện học hành.

Trước Tết, trong Tết chán học, ra Tết mọi chuyện lại càng tệ hơn. Linh nhớ đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023, sau khi từ quê trở lại TP.HCM đi học, tinh thần của cô giảm hẳn, thậm chí trốn học 1-2 buổi vì không có hứng thú với bài vở. Nhiều lần, nữ sinh cứ nằm một mình trong phòng trọ rồi thở dài chán nản, bạn rủ đi chơi cũng không muốn, đi học lại càng không.

Sinh viên chán nản vì ngày Tết cận kề, học sinh cũng mất động lực không kém gì sinh viên. Minh Ngọc, học sinh lớp 12 tại Hà Nội, cho biết những ngày này, em và bạn bè trong lớp không còn thiết tha học hành mà chỉ mong ngóng đến ngày nghỉ Tết. Thầy cô của Ngọc hiểu học sinh mong Tết nên cũng không ép học nhiều, chỉ dặn các bạn học bài làm bài đầy đủ để tránh quên kiến thức.

Theo lịch công bố, học sinh Hà Nội sẽ nghỉ Tết từ ngày 7 đến ngày 14/2 (tức ngày 28 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng). Lý thuyết là vậy, nhưng bản thân Ngọc và nhiều bạn trong lớp đã tự cho mình “nghỉ Tết sớm” từ vài ngày trước. Hàng ngày, nữ sinh vẫn đi học đều đặn, nhưng “tâm hồn” đã sớm bay về với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Là học sinh cuối cấp, chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và đợt tuyển sinh đại học, nhưng những học sinh như Minh Ngọc vẫn không thể cưỡng lại sự hấp dẫn của kỳ nghỉ Tết. Nhiều lần, nữ sinh tự dặn mình phải học liên tục, không được chểnh mảng, nhưng cứ cận Tết, em không muốn học hành gì thêm, chỉ muốn Tết đến thật nhanh để được ở nhà “cày” phim và ngủ nướng.

“Năm nào cũng vậy, sát Tết là em học không nổi. Không riêng em mà các bạn khác cũng vậy, ngày thường chăm học đến mấy nhưng cứ đến gần kỳ nghỉ Tết là bọn em thấy chán, không còn động lực học hành gì”, Minh Ngọc tâm sự.

Chán học trong dịp Tết là chuyện bình thường

Trao đổi với Tri thức - Znews về tình trạng học sinh, sinh viên uể oải trước Tết, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh chuyên ngành Tâm lý học (Đại học Sư phạm TP.HCM) nói rằng đây là một hiện tượng bình thường, phổ biến vào các dịp lễ, Tết, nhất là vào dịp lễ dài ngày như Tết Nguyên đán.

Anh Tâm An nói rằng cảm giác các bạn bị mất động lực trước kỳ nghỉ Tết cũng giống như việc đang trên một chuyến xe đã gần đến nơi dừng chân, đồng nghĩa với việc các bạn bắt đầu thấy cảnh vật xung quanh thay đổi. Điều đó làm cho các bạn trở nên bồn chồn và các bạn không thể tập trung vào công việc chính đang làm.

lich nghi tet dai hoc anh 2

Chuyên viên tư vấn tâm lý Đào Lê Tâm An cho rằng việc học sinh, sinh viên chán học trong dịp Tết là chuyện bình thường. Ảnh: Ngọc Nhung.

Đối với học sinh, sinh viên hay thậm chí là người đi làm, kỳ nghỉ cận kề cũng kéo theo việc rất nhiều điều bị đảo lộn so với quỹ đạo thông thường. Các bạn về quê gặp họ hàng, phải làm những chuyện ít khi làm như dọn dẹp đồ đạc, di chuyển xa, khi gặp gỡ họ hàng thì phải trả lời những câu hỏi “khó đỡ” vì thế cảm xúc sẽ trở nên lẫn lộn.

Nói thêm về tình trạng chán học, mất động lực học tập sau kỳ nghỉ Tết, anh Tâm An cho biết điều này liên quan đến sự thay đổi về mặt thói quen của con người. Nhất là với học sinh, sinh viên, các bạn có kỳ nghỉ Tết kéo dài 2-4 tuần - khoảng thời gian đủ dài để các bạn hình thành thói quen mới trong kỳ nghỉ.

Sau nghỉ Tết, các bạn phải từ bỏ thói quen đó để bắt đầu với nhịp học tập mới nên trong lòng sẽ cảm thấy hụt hẫng và không còn hứng thú với việc học ngay khi vừa hết Tết.

Nếu vẫn muốn vui chơi thỏa thích mà không bị mất đi thói quen và động lực học tập, anh Tâm An khuyên các học sinh, sinh viên phân bố một số thời gian trong ngày để duy trì hoạt động đó. Ví dụ, trong dịp Tết Nguyên đán, các bạn có thể dành ra một giờ mỗi ngày để ngồi vào bàn học, hoặc làm một điều gì đó liên quan việc học.

Cách này sẽ giúp não bộ và cơ thể “hiểu” rằng dù đang trong kỳ nghỉ, chúng ta vẫn không nghỉ 100% mà sẽ dành chút năng lượng để duy trì những thói quen thường ngày.

Càng đến gần ngày sắp đi học, các bạn nên dành 1-2 ngày để sinh hoạt lại theo thời khóa biểu cũ để khi hết kỳ nghỉ lễ, chúng ta sẽ không cảm thấy hụt hẫng và mất phương hướng.

“Giai đoạn chuyển tiếp giữa kỳ nghỉ lễ và kỳ học mới cũng giống như việc chúng ta bắt đầu chạy. Chúng ta sẽ cần khoảng thời gian tạo đà để chạy nhanh hơn. Những bạn chuẩn bị trước 1-2 ngày cũng giống như việc tạo đà trước khi chạy nên quá trình thực hiện của các bạn sẽ thuận lợi hơn so với những bạn chờ đến hết kỳ nghỉ mới bắt đầu khởi động lại chu kỳ học tập của mình”, anh Tâm An khuyên.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2024 của học sinh 48 địa phương

Hải Phòng cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán 2024 trong 8 ngày. Trong khi đó, Hải Dương, Bắc Ninh cho học sinh nghỉ Tết 12 ngày.

Thái An

Bạn có thể quan tâm