Cách làm này được ông Trương Văn Kính, giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ tại hội nghị đào tạo nhân lực y tế ĐBSCL do ĐH Y dược Cần Thơ tổ chức ngày 14/8, như một cách để “kéo” bác sĩ về làm việc.
Người dân khám bệnh tại Trung tâm Chẩn đoán y khoa TP Cần Thơ - Ảnh: Chí Quốc. |
Dù là câu chuyện của 13 tỉnh, thành ĐBSCL nhưng đại diện ngành y tế các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Dương và Bình Thuận cũng tham gia hội nghị. Các địa phương này đang đặt hàng ĐH Y dược Cần Thơ đào tạo theo địa chỉ sử dụng bởi TP.HCM không đào tạo cho các tỉnh Đông Nam bộ theo hình thức này.
Trả lương tháng, đóng toàn bộ học phí
Sinh viên tỉnh nào về tỉnh đó công tác
Ông Lê Thanh Liêm - giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An - đề xuất trung ương cần điều chỉnh chính sách theo hướng sinh viên tỉnh nào cho về tỉnh đó công tác.
“Nếu ngày trước không có cơ chế này thì giờ chúng ta không ở đây, lúc đó chúng tôi bị bắt về tỉnh hết. Tất nhiên bây giờ chỗ nào cũng thiếu nhưng ở đâu thu nhập tốt thì anh em chạy về thì đâu trách người ta được” - ông Liêm nói.
Theo ông Trương Văn Kính, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 5,3 bác sĩ/vạn dân và đang thiếu khoảng 163 bác sĩ vì tỉnh sắp khánh thành bệnh viện 700 giường.
Ông Kính nêu một thực trạng lạc quan là ĐH Y dược Cần Thơ có đào tạo một số bác sĩ cho tỉnh và “các em này về tỉnh, không đi đâu hết”.
Ông Kính cho biết để thu hút được sinh viên mới ra trường, tỉnh đã thực hiện chính sách ưu đãi đặc biệt là sẽ đóng toàn bộ học phí và trả lương hằng tháng cho sinh viên theo lương của bác sĩ mới ra trường.
Theo đó, sinh viên học chương trình đào tạo theo địa chỉ sẽ được nhận hệ số lương 1,3, còn sinh viên học chính quy là 3,34.
Với chính sách này, đến nay tỉnh đã thu hút được 60 bác sĩ về làm việc. Năm nay có 90 thí sinh của tỉnh thi ngành y dược tại Cần Thơ và 600 thí sinh thi tại TP.HCM.
Tỉnh sẽ áp dụng chính sách này cho toàn bộ thí sinh trúng tuyển ở hai khu vực trên nếu họ tự nguyện tham gia.
Trong khi đó, tỉnh Sóc Trăng cũng có hẳn một đề án đào tạo nhân lực ngành y với nhiều đãi ngộ nhưng kết quả chưa được như mong muốn.
Ông Quách Việt Tùng - phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết tỉnh đã áp dụng các chế độ hỗ trợ sinh viên như tiền, nhà công vụ, được ký hợp đồng chính thức ngay... nhưng bốn năm qua không thu hút được bác sĩ nào về làm việc. Nguyên nhân, theo ông Tùng, có thể do điều kiện làm việc tại tỉnh không bằng những nơi khác.
“Sinh viên ra trường đi đâu hết”
Ông Võ Trọng Hữu - Vụ trưởng Văn hóa xã hội ban chỉ đạo Tây Nam bộ - nêu băn khoăn về nhân lực y tế của vùng, đáng chú ý số lượng bác sĩ, dược sĩ thấp (4,8 bác sĩ/vạn dân và 0,41 dược sĩ/vạn dân) trong khi số sinh viên ra trường về địa phương phục vụ quá ít.
Theo ông Hữu, chỉ có 18,64% dược sĩ, 33% bác sĩ răng hàm mặt, 42,43% cử nhân y tế cộng đồng và cao nhất là cử nhân điều dưỡng cũng chỉ chiếm 50% số sinh viên ra trường chịu về địa phương công tác. Ông Hữu cho rằng nếu không cải thiện thì đến năm 2020, vùng ĐBSCL không thể đạt chỉ tiêu 9 bác sĩ và 2,2 dược sĩ/vạn dân theo chủ trương của chính phủ.
Ông Trương Hoài Phong, giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, nêu thực tế có năm ĐH Y dược Cần Thơ có 39 sinh viên của tỉnh tốt nghiệp nhưng “không em nào chịu về, bị thành phố Cần Thơ “bắt” lại hay đi các tỉnh khác”. Trước thực trạng này, ông Phong cho rằng nếu không có hình thức đào tạo theo địa chỉ sử dụng thì ngành y các tỉnh ĐBSCL sẽ “chết”.
Đại diện sở y tế các tỉnh Đông Nam bộ cũng lên tiếng chia sẻ tình trạng tương tự. Ông Trần Văn Bé - giám đốc Sở Y tế tỉnh Tây Ninh - cho hay tỉnh hiện có 4,7 bác sĩ/10.000 dân, đặc biệt dù đang xây dựng bệnh viện tâm thần mà hiện cả tỉnh chỉ có... một bác sĩ về tâm thần. Bệnh viện lao “đỡ” hơn cũng có bảy bác sĩ nhưng năm nay sẽ về hưu ba người.
“Chuyên ngành giải phẫu bệnh thì Tây Ninh cũng chỉ có một bác sĩ, tình hình rất bi đát” - ông Bé than. Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cũng cho biết thực trạng sinh viên chính quy về công tác tại tỉnh rất ít và để phấn đấu đầu năm 2015 tỉnh này lên đô thị loại 1 thì còn thiếu khoảng 100 bác sĩ chuyên khoa.
Chưa tin tưởng trường ngoài công lập
Theo ông Quách Việt Tùng, nhiều trường đại học ngoài công lập tại ĐBSCL đã mở ngành y, dược và lấy điểm thấp (khoảng 15 điểm) để đào tạo. “Tôi biết hiện nay có ba trường ngoài công lập ở ĐBSCL lấy điểm thấp đào tạo, nhưng chúng tôi chưa tin tưởng chuyển hướng qua lấy nhân lực ở những trường này vì lo ngại chất lượng không đạt” - ông Tùng nói.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Anh - giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang - cho rằng tỉnh tuyển nhân viên ngành y không phân biệt người đó học trường công hay trường tư, miễn là khi tuyển dụng người đó chứng minh được năng lực thật sự.
GS.TS Phạm Văn Lình, hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Cần Thơ, nói dù các tỉnh đều xin thêm chỉ tiêu, đề nghị hạ điểm để lấy thêm sinh viên nhưng trường sẽ không hạ điểm dưới 21 vì đầu vào quá thấp sẽ không đảm bảo chất lượng.