Tháng 8 vừa qua, trong số 19 thí sinh Việt Nam tham dự kỳ thi tay nghề thế giới diễn ra ở Kazan, Nga, Cao đẳng Cơ điện Hà Nội (HCEM) có 3 em. Kết quả, hai em đoạt hai chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc thế giới.
Trước đó, tháng 10/2017, tại kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 ở Abudabi thuộc các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, trường cũng có hai thí sinh tham gia ở hai nghề và đạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc thế giới.
Hai trong số ba thí sinh từ Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc thế giới năm 2019. |
Không chỉ đạt thành tích nổi bật tài các kỳ thi, HCEM còn cam kết việc làm cho sinh viên. Theo Hiệu trưởng Đồng Văn Ngọc, lương trung bình của sinh viên HCEM ngay sau khi tốt nghiệp ra trường khoảng 6-7 triệu đồng. Đặc biệt một số nghề, sinh viên về doanh nghiệp học được trả lương khoảng 9 triệu đồng/tháng.
“HCEM thực hiện chính sách cam kết việc làm, nếu sinh viên thất nghiệp, chúng tôi trả lại học phí tất cả nghề trọng điểm. Làm được việc này là thành quả của việc nhà trường hợp tác với doanh nghiệp”, ông Ngọc chia sẻ.
Trường cũng hướng tới đào tạo nhân lực theo chất lượng quốc tế. Năm 2019, HCEM bắt đầu chương trình đào tạo cho Cộng hòa Liên bang Đức chuyển giao. Sinh viên học tập tại HCEM và được Đức công nhận bằng tốt nghiệp tương đương. Khi tốt nghiệp, các em có nhiều cơ hội việc làm trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, HCEM phối hợp Học viện Box Hill của Australia để đào tạo giảng viên đạt chuẩn Australia cho trường và các trường khác.
Trường cam kết trả lại học phí nếu sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm. |
Bên cạnh đó, nhằm nắm bắt thực tế, hàng năm, HCEM thực hiện hai khảo sát điều tra lần vết. Một cuộc từ doanh nghiệp để nhận thông tin về sự hài lòng và đóng góp của doanh nghiệp với nhà trường.
Trường khảo sát cựu sinh viên để biết về độ hài lòng, mức thu nhập và sự thay đổi việc làm của họ. Cựu sinh viên cũng đóng góp nhiều ý kiến giúp trường cải thiện.
Khi nói về các lứa sinh viên theo học tại đây, ông Đồng Văn Ngọc tự hào nhắc đến những em rất thành công, nhiều người mua nhà, ôtô, có gia đình hạnh phúc trong vòng 5 năm sau khi ra trường.
Vị hiệu trưởng nói thêm nhiều sinh viên khởi nghiệp ngay khi tốt nghiệp, làm chủ doanh nghiệp.
Nhằm đảm bảo tốt nhất cho tương lai người học, HCEM đầu tư đồng bộ, hiện đại và thay đổi quản trị chất lượng theo hướng thực chất. Theo ông Ngọc, để đào tạo được nhân lực chất lượng cao, trường phải đầu tư vào đội ngũ giảng viên.
Ông cũng như tập thể HCEM quan niệm nếu thầy không giỏi không thể có trò giỏi. Vì vậy, giảng viên của trường thường xuyên được đào tạo và đến doanh nghiệp để nâng cao năng lực hàng năm.
Là hiệu trưởng ngôi trường đào tạo nghề, ông Đồng Văn Ngọc vẫn còn nhiều trăn trở về nâng cao chất lượng đào tạo. |
Tuy nhiên, Hiệu trưởng Đồng Văn Ngọc vẫn còn nhiều trăn trở về việc nâng cao chất lượng đào tạo của HCEM nói riêng và giáo dục nghề nghiệp nói chung.
Ông cho rằng lương nhà giáo hiện nay rất thấp, ảnh hưởng điều kiện sống và cống hiến. Hơn nữa, người Việt làm việc tốt tại doanh nghiệp nước ngoài nhưng lại không được vậy khi làm việc trong nước. Nguyên nhân nằm ở tính chuyên nghiệp, văn hóa lao động và tính tuân thủ của thế hệ trẻ chưa cao.
“Để cải thiện việc này, khâu đào tạo phải thay đổi, phải đào tạo ngay từ nhỏ và liên tục. Chính các trường trong hệ thống giáo dục quốc gia phải thay đổi để có nguồn nhân lực chuyên nghiệp như các nước phát triển”, ông Ngọc nói.