Những ngày qua, hàng loạt cuộc biểu tình đòi thay đổi chính sách giáo dục đã diễn ra tại nhiều thành phố ở Pháp, sau khi một sinh viên 22 tuổi ở thành phố Lyon tên Anas K tự thiêu vào ngày 8/11 vì không chịu nổi áp lực tài chính.
Sinh viên này hiện trong tình trạng nguy kịch vì bị bỏng tới 90% cơ thể.
Trước đó, trên trang cá nhân, Anas K cho biết cuộc sống của mình trở nên khó khăn và bế tắc khi bị mất khoản hỗ trợ 450 euro (khoảng 495 USD) mỗi tháng vì phải học lại năm thứ hai.
"Năm nay, tôi học lại năm 2 đại học lần thứ 3 rồi. Tôi không có trợ cấp. Kể cả khi tôi được nhận cũng chỉ là 450 euro/tháng. Làm sao một người có thể sống với từng đó tiền? Sau khi tốt nghiệp, chúng tôi phải làm việc bao lâu để trả hết các khoản phí xã hội và có lương hưu?", nam sinh viên viết.
Anas K cáo buộc 3 tổng thống Pháp gần nhất là ông Emmanuel Macron, Francois Hollande, Nicolas Sarkozy và Liên minh châu Âu đã "giết" mình khi tạo ra một tương lai bất ổn cho mọi người.
Mong muốn cuối cùng của Anas K là các sinh viên tiếp tục đấu tranh để chấm dứt tình trạng này.
Hàng trăm sinh viên biểu tình ở Lyon, Paris và Lille đòi chính phủ Pháp thay đổi chính sách giáo dục. Ảnh: AFP. |
Theo AFP, sau hành động tự thiêu của Anas K, các cuộc biểu tình đã diễn ra tại các thành phố Lyon, Paris và Lille. Nhiều người viết dòng chữ "kẻ giết người" lên tường và kêu gọi Bộ trưởng Frédérique Vidal từ chức.
Những người biểu tình cũng đòi chính phủ phải tăng cường các khoản hỗ trợ sinh viên, giúp đỡ họ về chỗ ở, chấm dứt tình trạng sinh viên phải làm thêm để kiếm sống...
Số liệu của chính phủ Pháp năm 2015 cho thấy hơn 1/3 sinh viên nước này nhận được trợ cấp nhưng đến năm 2017, Hội sinh viên quốc gia Pháp ước tính có khoảng 20% sinh viên sống dưới mức nghèo khổ.
Một cuộc khảo sát năm 2018 cũng cho thấy có 46% sinh viên Pháp có kế hoạch đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều người không vượt qua các kỳ thi và phải học lại, chỉ có khoảng 28,4% lấy được bằng sau 3 năm.
Những người biểu tình cho biết sẽ tiếp diễn hành động đến khi chính phủ Pháp có giải pháp phù hợp. Ảnh: AFP. |
Chính phủ Pháp hiện thận trọng theo dõi diễn biến các cuộc biểu tình vì lo ngại nó có thể nhập vào cuộc biểu tình của phe "áo vàng" diễn ra đầu tháng 12.
Trong phát biểu ngày 13/11, phát ngôn viên chính phủ Sibeth Ndiaye bày tỏ sự cảm thông với Anas K song khẳng định đây không phải là cái cớ để biểu tình do số lượng học bổng cho sinh viên khó khăn đã tăng 1,1% cho năm học 2019-2020.
Cựu tổng thống Hollande cũng phát biểu xoa dịu tình hình song cho biết các cuộc biểu tình đã làm mất đi cơ hội đối thoại của hơn 1.000 sinh viên với ông về dân chủ.
Bastien Pereira Besteiro - một nhà hoạt động và giáo viên tại Đại học Lyon 2 - khẳng định các cuộc biểu tình sẽ tiếp diễn đến khi chính phủ Pháp đưa ra được giải pháp phù hợp.