Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh viên quê vùng bão trào nước mắt lo cho gia đình

Cơn bão số 12 đi qua để lại sự hoang tàn, đổ nát và nỗi lo lắng cho sinh viên quê ở vùng chịu ảnh hưởng của bão.

“Lần đầu tiên đi học xa nhà, nghe tin bão ập đến, gia đình mất hết tài sản, mình chỉ muốn về để ôm lấy ba mẹ ngay lập tức", Nguyễn Ngọc Quỳnh Như, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), quê huyện Diên Khánh, Khánh Hòa, không cầm được nước mắt, nói.

Nữ sinh nghẹn ngào kể lại lời của mẹ, mọi thứ cứ như cơn ác mộng kéo dài suốt 4 tiếng. Cả gia đình đã cố gắng căng dây với hy vọng níu giữ được phần nào ngôi nhà, nhưng rồi vô vọng. Mọi thứ bị càn quét hết theo dòng nước.

sinh vien vung bao anh 1
Căn nhà cấp bốn của bà Nguyễn Thị Kim Phượng (52 tuổi, ngụ xã Phước Thủy, Khánh Hòa) bị bão thổi sập. Ảnh: Tây Nguyên.

Như nói giờ đây, ba mẹ và em gái cô chỉ biết ôm nhau động viên “làm lại từ đầu, còn người là còn của”. Cơn bão đã đi qua, để lại sự tàn hoang đổ vỡ, điện cúp, nước yếu, giờ cả gia đình của Như chỉ biết trông chờ và hy vọng mọi thứ sớm ổn định.

“Mong mọi người cố giữ gìn sức khỏe để vượt qua khoảng thời gian khó khăn này”, cô gái nhắn nhủ.

Cùng chung cảnh ngộ, Trần Hoài Phương (quê Đắk Lắk), sinh viên ĐH Kinh tế Luật TP.HCM, bùi ngùi tâm sự biết tin bão đến, nam sinh gọi điện về nhà nhưng không ai nghe máy. Đến khuya, mẹ mới gọi lại, giọng sụt sùi báo tin nhà bị tốc mái, cây trong vườn đổ, đàn gà chết sạch.

Phương cho biết đã đến lúc phải đóng tiền học phí cho trường. Biết gia đình đang rất khó khăn, Phương không nhắc đến tiền bạc vì sợ ba mẹ thêm nặng lòng. Phương nói rằng mình sẽ cố tìm việc làm thêm để trả nợ khoản học phí này vào học kỳ sau.

sinh vien vung bao anh 2
Cây ở trường THPT Nguyễn Trãi (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) bị thổi bay gốc. Ảnh: Minh Trương.

Nguyễn Minh Tú (quê huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), sinh viên ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), bảo gia đình cô phụ thuộc vào mấy hồ nuôi tôm, nhưng giờ bị bão mang đi cả.

Tú kể rằng ba mẹ hàng ngày phải nhịn ăn, nhịn uống để mua yến sào trộn vào cá loại một cho tôm ăn, vất vả chăm sóc chúng để kiếm tiền lo cho bốn đứa con đang tuổi ăn, tuổi học.

“Nhưng giờ đây mất hết rồi. Chiều qua, ông ngoại mình gọi lên cho hay bè tôm đã bị bão đánh chìm, hơn 1.500 con tôm thịt chuẩn bị xuất bán cũng bị trôi đi hết”, nữ sinh bần thần nói.

sinh vien vung bao anh 3
Một thuyền cá của người dân tại xã Ninh Hải, tỉnh Khánh Hòa bị chìm do bão. Ảnh: Tây Nguyên.  

Tú nói rằng giọng của ông ngoại cô vẫn rất bình tĩnh. Có lẽ, khi nhìn thấy những người xung quanh cũng mất mát như mình, ông cũng xem nỗi đau của bản thân không phải là quá lớn.

Cả gia đình Tú mấy đời sống nhờ con tôm. Hết tôm rồi, họ không biết sống bằng nghề nào khác nữa, cũng không dám nghĩ đến chuyện sẽ mưu sinh bằng nghề nào đó trên bờ.

Dù rất thương ba mẹ, Tú cũng chỉ biết gọi điện về nhà thường xuyên để hỏi thăm tình hình và an ủi người thân. Tú nói rằng cô không dám khóc vì sợ càng làm ba mẹ buồn thêm.

“Việc mình cần làm bây giờ là cố gắng học tập và làm thêm. Khi tích góp được một số tiền kha khá, mình sẽ gửi về nhà để phụ ba mẹ lo cho các em, gầy lại hồ tôm của gia đình...”, cô gái bộc bạch.

Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai, đến 17h30 ngày 4/11, bão số 12 (tên quốc tế là Damrey - Con voi) khiến 20 người thiệt mạng.

Càn quét nhiều giờ tại các tỉnh Nam Trung Bộ trong sáng 4/11, bão số 12 làm 531 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn và 23.755 nhà bị tốc mái, hư hỏng.


Nha Trang tan hoang chưa từng thấy sau hơn 20 năm

Người dân thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) đều thừa nhận kể từ năm 1993 tới nay mới có một trận bão mạnh như vậy, tàn phá nhiều mái nhà, cây cối, biển quảng cáo...

Kỳ Hoa

Bạn có thể quan tâm