Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh viên ra đề thi thử THPT quốc gia tư vấn làm bài Ngữ Văn

Nguyễn Thế Hưng - á khoa Khối C năm 2012 của Đại học Sư phạm, đồng thời là trưởng nhóm tác giả cuốn sách về đề thi thử THPT quốc gia, lưu ý thí sinh làm bài môn Ngữ Văn.

Nguyễn Thế Hưng - sinh viên lớp Tài năng, K62, Đại học Sư phạm Hà Nội - á khoa Khối C năm 2012 - là trưởng nhóm tác giả cuốn sách Tuyển tập 90 đề thi thử quốc gia THPT môn Ngữ văn tập 2 (nhà sách Lovebook).

Hưng có những chia sẻ về phần đọc - hiểu khi làm bài thi THPT quốc gia môn Ngữ văn. Đây là một trong những phần quan trọng vì có sự đổi mới rõ rệt (chiếm 3 điểm), nếu căn cứ theo đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT.

Theo đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, phần đọc hiểu sẽ thay đổi từ 3 câu hỏi nhỏ như trước thành 8 câu. Số câu này được chia thành hai phần, mỗi phần 4 câu hỏi. 

Trong đó, câu 1-4, yêu cầu các em thực hiện đọc - hiểu một đoạn trích văn bản thông tin. Câu 5-8 yêu cầu thực hiện đọc - hiểu một đoạn trích văn bản nghệ thuật.

 

Tác giả Nguyễn Thế Hưng.
Nguyễn Thế Hưng.

Các câu hỏi trong phần này có thang điểm 0,25 hoặc 0,5 mỗi câu. Học sinh chú ý các kiến thức liên quan đọc - hiểu một văn bản văn học, bao gồm: Phương thức liên kết, biện pháp nghệ thuật, câu chủ đề, phương thức xây dựng đoạn văn, thao tác lập luận…, hoặc các câu hỏi yêu cầu mở rộng vấn đề, liên hệ đời sống thực tế.

Các câu hỏi vừa hướng đến cung cấp kiến thức về tiếng Việt, vừa hướng tới khả năng tạo lập đoạn văn. Đề bài được chọn từ các tác phẩm không có trong chương trình sách giáo khoa, nhưng có thể vẫn hướng đến tác giả có tác phẩm trong chương trình sách giáo khoa. 

Để làm tốt dạng đề, học sinh cần nắm vững kiến thức tổng hợp về phân môn Tiếng Việt, cũng như tập làm văn trong việc tìm hiểu nội dung chính của đoạn trích và vận dụng tốt trong quá trình làm bài thi.

Thứ nhất, trong quá trình ôn luyện, các em tiến hành chia đơn vị kiến thức ra để ôn luyện và luyện tập thật nhiều để làm tốt nhất dạng đề này.

Chẳng hạn đối với phần tiếng Việt, các em cần hệ thống lại kiến thức về các phương thức lập luận (diễn dịch, quy nạp, song hành, móc xích, tổng – phân – hợp, nêu phản đề, so sánh tương đồng và tương phản, nhân quả…), các phương thức liên kết của đoạn văn (phương thức lặp, phương thức thế, phương thức nối, phương thức liên tưởng, phương thức tuyến tính, phương thức đối, phương thức tỉnh lược,…), các phong cách ngôn ngữ (phong cách chính luận, phong cách báo chí, phong cách khoa học, phong cách sinh hoạt, phong các hành chính - công vụ, phong cách nghệ thuật…) và các đơn vị kiến thức khác các em tổn hợp được trong quá trình làm đề.

Đối với phần tập làm văn, để tìm được câu chủ đề hay nội dung chính của đoạn văn, đoạn thơ, các em cần đọc đoạn trích một cách tổng quát để nắm được tinh thần của cả đoạn, sau đó mới tiến hành làm bài. Cần trình bày ngắn gọn, đảm bảo nội dung chắt lọc, chính xác.

Thứ hai, đối với quá trình làm bài thi, các em cần phân bố thời gian hợp lý và làm một cách cẩn thận, tránh nhầm lẫn. Không được coi nhẹ phần này, dù là phần có dung lượng làm bài yêu cầu ngắn nhất để tránh những sai lầm đáng tiếc. 

Học sinh có thể trao đổi với bạn bè, thầy cô bài làm của mình để tránh những sai lầm thường mắc phải và cần phải ghi lại những lưu ý đó vào một cuốn sổ tay để tiện cho việc xem lại.

Một đề thi phần đọc - hiểu được Thế Hưng biên soạn:

"Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:

Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường
Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhòa trong trời lửa
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn 
Em vẫy tay cười đôi mắt trong

(Lá đỏ, Nguyễn Đình Thi, Trường Sơn, 12/1974)

Câu 5. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ?  (0.25 điểm)

Câu 6. Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ Em đứng bên đường như quê hương. (0.25 điểm)  

Câu 7.  Không khí hành quân hào hùng, thần tốc được gợi lên qua hình ảnh nào? 

Từ hình ảnh này, anh/chị có thể liên tưởng đến hình ảnh nào trong một bài thơ đã học? (0,5 điểm)

 Câu 8.  Hình ảnh “em gái tiền phương” được khắc họa như thế nào? Hình ảnh đó gợi lên cho anh/chị suy nghĩ gì về sự góp mặt của những người phụ nữ trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc? (0,5 điểm)".

10 'tuyệt chiêu' làm bài thi Hóa học đạt điểm cao

Thầy Vũ Khắc Ngọc tư vấn nhanh cho học sinh cách làm bài môn Hóa học đạt điểm cao trước giờ thi THPT quốc gia năm 2015.

Quyên Quyên (ghi)

Bạn có thể quan tâm