Theo PGS.TS Lê Khắc Cường, trưởng khoa VN học, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM), các trường ĐH trên thế giới đang thay đổi vì thế hệ sinh viên hiện nay là “thế hệ i” (i-generation) hay “công dân kỹ thuật số” (digital citizen), thế hệ sống, làm việc, sinh hoạt với iPhone, iPad, smartphone, tablet, email, Facebook…
Nhiều giảng viên, sinh viên ĐH cho rằng, lớp sinh viên "thế hệ i” đã hình thành ở VN từ mấy năm nay.
I là Internet, Information hay iPhone, iPad?
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM, cho rằng, khoảng năm năm trở lại đây, lứa sinh viên vào trường ĐH có năm sinh từ 1992-1997, là thế hệ khi vừa ra đời đã bắt đầu có Internet và lớn lên cùng với các thiết bị công nghệ ngày càng gia tăng.
"Trẻ con ngày nay khi chưa vào lớp 1 đã thành thạo máy tính bảng, smart phone, biết tìm kiếm trên Google... Do trưởng thành từ môi trường như vậy cộng với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, văn hóa sống và làm việc, học tập của sinh viên những năm gần đây đã có sự thay đổi lớn. Cuộc sống sinh viên gắn liền với Internet và mạng. Đó là thế hệ sinh viên i” - ông Dũng nói.
TS Hồ Thu Hiền, giảng viên khoa xây dựng ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM), cũng cho rằng: “Sự thật hiển nhiên là hiện nay đã có một thế hệ sinh viên mới đã khác, rất khác và đang khác biệt từng ngày theo sự chuyển động chung của xã hội. Còn cách gọi là “sinh viên thế hệ mới”, “sinh viên thế hệ i” hay “sinh viên thời @” là do chủ ý dùng từ của mỗi người”.
Theo bà Hiền, sinh viên “thế hệ i” có thể là một cách ví von cho một lớp sinh viên mới có nhiều điều kiện tiếp xúc với công nghệ (Internet, email, mạng xã hội…), chứ không chỉ đơn thuần là có điều kiện hơn về vật chất (smartphone, tablet…).
Theo ThS Nguyễn Văn Toàn, giảng viên khoa khoa học máy tính ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP HCM), ngày nay sinh viên có thể học với một giáo sư nổi tiếng ở một trường nơi xa. Sinh viên có thể làm việc nhóm không phải gặp nhau trực tiếp mà qua các công cụ trên mạng.
“Tóm lại là sinh viên ngày nay được trang bị công cụ/phương tiện rất tốt dựa trên nền tảng Internet. Điều này dẫn đến xu thế trong xã hội gọi đối tượng này là đối tượng sinh viên "thế hệ i". Tôi nghĩ chữ i là Internet” - ông Toàn chia sẻ.
Trong khi đó, Đặng Quang Nhật Minh, sinh viên năm 2, ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP HCM), cho rằng “thế hệ i” là một thế hệ sinh viên với thông tin (i = information).
“Mọi thông tin có thể dễ dàng tìm hiểu được thông qua công nghệ. Chúng ta không cần nhất thiết phải đi ra hiệu sách để mua những cuốn sách chúng ta muốn tìm đọc mà hiện nay công nghệ đã hỗ trợ tất cả. Các ứng dụng sách điện tử có thể giúp ta tìm chúng dễ dàng mà không cần phải đi đâu xa. Chỉ cần một chiếc iPhone, iPad, smartphone, tablet là ta có thể có tài liệu dễ dàng” - Minh nói.
Hiện nay, hầu hết sinh viên đều sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ thông minh. Trong ảnh, sunh viên ĐH Kinh tế - luật chụp ảnh bằng smartphone với gậy selfie. |
Dùng "i" để giao lưu chứ chưa dùng cho học tập
Trong khi đó, tiếp xúc với chúng tôi, hầu hết các sinh viên đều tự nhận “chúng tôi là sinh viên thế hệ i”.
Nguyễn Thị Phương, sinh viên năm cuối khoa báo chí - truyền thông ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM), cho rằng sinh viên "thế hệ i" có xu hướng ham học hỏi, giao lưu quốc tế và muốn đón đầu những thông tin, kiến thức mới của nhân loại.
Tuy nhiên, Phương cho rằng, ở Việt Nam thật sự đã có sinh viên "thế hệ i" nhưng con số không nhiều, thường tập trung vào các ngành công nghệ thông tin, điện tử… Rất nhiều sinh viên sử dụng các thiết bị thông minh cùng với email, mạng xã hội nhưng chủ yếu là sử dụng để giao lưu, chứ chưa sử dụng nhiều cho mục đích học tập.
"Ví dụ, bạn bè xung quanh tôi có thể dành hàng giờ mỗi ngày cho Facebook nhưng không bao giờ vào các thư viện điện tử để đọc hay tìm kiếm tài liệu. Đối với việc đọc hay tìm kiếm tài liệu chính thống thì các bạn thường coi việc đến thư viện thực là lựa chọn duy nhất” - Phương nói.
Trần Hoàng Hữu Đạt, sinh viên năm nhất ngành cơ điện tử chất lượng cao ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM), chia sẻ: “Tôi nghĩ sinh viên thế hệ i nghĩa là học tập, trao đổi, giao tiếp với bạn bè và thầy cô hay tiếp nhận thông tin thêm trên mạng Internet. Ở VN hiện nay sinh viên thế hệ i đã có và đang tăng rất nhiều do sự phát triển của mạng Internet và các thiết bị tiên tiến như smartphone hoặc tablet”.
Theo Đạt, để trở thành sinh viên “thế hệ i” không khó nhưng mỗi người cần không bị phụ thuộc vào một số giải trí hay kênh thông tin như Facebook, zalo, viber... Vì nếu bị phụ thuộc vào đó sẽ mất khá nhiều thời gian, có khi bị “nghiện".
“Thế hệ i là một cuộc cách mạng đổi mới trong xã hội vì tôi nghĩ nó đã thay đổi rất nhiều, tiện ích rất lớn trong học tập lẫn làm việc, giải trí” - Đạt bày tỏ.
"I" trong mắt các chuyên gia nước ngoài
Theo tiến sĩ Larry Rosen - nguyên chủ tịch và giáo sư tâm lý tại Đại học California, Dominguez Hills, những nghiên cứu, thế hệ riêng biệt gọi là “iGeneration”, trong đó chữ “i” đại diện cho các loại công nghệ di động được cả trẻ em lẫn thanh thiếu niên sử dụng.
"Chúng tôi cảm thấy rằng thế hệ mới này bao gồm những trẻ em và thanh thiếu niên sinh ra trong thiên niên kỷ mới và được xác định bởi công nghệ. Trẻ em và thanh thiếu niên sử dụng nhiều phương tiện truyền thông, yêu thích cách liên lạc qua thông tin điện tử. Cho nên, nhu cầu của họ về công nghệ là rất cao", ông Larry nói.
Theo Zack Whittaker - nhà văn - biên tập viên cho ZDNet và các trang web cùng CNET và CBS News, từ "iGeneration" có nguồn gốc từ các dòng sản phẩm nổi tiếng của Apple.
"Thế hệ i" đã được chủ yếu phát triển từ trường học và học viện. Ví dụ, bài phát biểu có vẻ không còn quan trọng trong một thế giới mà các email có thể được gửi đi với chỉ một cú "click chuột", thậm chí bạn bè có thể cập nhật được tâm trạng, trạng thái của bạn ngay tại nhà.
Vì thế, hiệu quả từ sử dụng công nghệ hiện đại đã trở thành nhu cầu tất yếu trong cuộc sống hiện nay. Thậm chí là trong tuyển dụng, "thế hệ i" sẽ thu hút nhà tuyển dụng hơn nếu họ biết cách sử dụng và phát huy ưu thế của công nghệ" - Zack phân tích.