Có lẽ người dân ở bản Nà Lằn (xã Đông Quan, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) vẫn chưa thể quên được hình ảnh một cô bé mới hơn 10 tuổi, dáng người nhỏ thó, quần áo rách rưới hằng ngày lên núi chặt củi đổi gạo cho cả mấy anh chị em lấy cái ăn qua ngày...
Tàng Thị Kim bên ngôi nhà của ba chị em trước đây. |
Cô bé trong câu chuyện là Tàng Thị Kim, nay đã là sinh viên năm nhất ngành quản lý nhà nước, Học viện Hành chính quốc gia.
Nhắm mắt, mường tượng hình ảnh cha mẹ
Kim chia sẻ rằng mỗi khi có tiết học ngoại khóa, cô giáo hỏi mọi người có ước mơ gì, Kim chỉ có một ước mơ đó là có cha mẹ, có được một gia đình hạnh phúc như những bạn cùng lớp khác.
“Ngày đó em còn nhớ lắm. Năm em học lớp 4 và anh, chị chỉ hơn em mấy lớp thôi. Tối đến không thấy mẹ về. Em hỏi anh: mẹ ở đâu? Hôm nay không về à anh? Anh em nói mẹ đi Trung Quốc rồi, không về nữa. Vậy là ba anh chị em lại ôm nhau khóc rưng rức...” - Kim gạt nước mắt kể lại.
Trước đây, ngày cha Kim còn khỏe, đi làm lụng được gia đình em sống trên một quả đồi nhỏ. Nhưng sau ngày cha mất ba chị em cùng mẹ về ở một ngôi nhà chỉ khoảng 10 m2 cạnh ông bà nội. Cứ tưởng từ mất mát của người cha, mẹ con em sẽ cố gắng vượt qua hoàn cảnh đau thương.
“Nhưng rồi mẹ em đi không quay lại nữa. Đến bây giờ mấy anh chị em không thấy giận mẹ mà chỉ thương cũng vì nhiều lý do mà mẹ mới ra đi. Những ngày tháng đó thiếu vắng hình ảnh cha mẹ bọn em tủi lắm” - Kim sụt sùi kể.
Trước đây dù đã bán đi rất nhiều tài sản để chữa bệnh cho cha cuộc sống đã thấm nhiều khổ cực thì giờ đây không có mẹ mọi chuyện trong gia đình đều chỉ mình chị em Kim gánh vác. Để có tiền đổi gạo thì ba chị em mỗi người một việc, Kim được giao nhiệm vụ hàng ngày lên rừng hái củi. Nhiều hôm dù hái đau cả tay, chảy cả máu nhưng đến chợ chỉ được khoảng 10.000 đồng đong được vài bát gạo, ít mắm muối.
“Ngày đó mình là anh cả nhưng cũng chỉ đang là học sinh cấp 2 nên không thể gánh vác chuyện gia đình được vậy nên mấy anh em phải khổ, phải chịu đói, chịu rét...” - anh Tàng Văn Thịnh (anh trai Kim) nhớ lại.
Kim lớn lên được người thân nói lại rằng khuôn mặt anh trai em rất giống cha, còn em thì có khuôn mặt tương tự mẹ. Lúc nào nhớ cha, mẹ, Kim nhắm mắt lại rồi mường tượng ra khuôn mặt của họ...
Tân sinh viên Tàng Thị Kim đang tăng gia sản xuất tại Trung tâm Hy vọng Lộc Bình (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn). |
Không ngừng vượt khó
Thu nhập chính từ những bó củi vậy nên cả ba chị em nhiều hôm phải nhịn đói đến trường là “chuyện như cơm bữa”. Cũng vì không có tiền đi học anh trai Kim đã phải nghỉ học từ năm lớp 8 để đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Kim kể, nhiều hôm đến bữa nấu ăn nhưng vào thùng gạo thấy trơ đáy vậy là đành để bụng đói tới lớp. Để tiết kiệm cho sinh hoạt hàng ngày bà nội Kim thường nấu một nồi cháo trắng để chị em lấy cái húp sau những giờ học ở trường.
Bữa cơm của ba chị em Kim ngày đó chủ yếu là cơm và rau trồng quanh nhà. Có nhiều hôm thèm thịt, thèm cá nhưng cũng chỉ dám ăn rau. Vì nếu ăn thịt cá sẽ không còn gạo để nấu cho ngày hôm sau.
Bà Triệu Thị Gái (bác ruột Kim) tâm sự: “Ngày mấy đứa nhỏ bơ vơ chúng tôi là những người thân nhưng đành bất lực vì cuộc sống khốn khó không thể chăm sóc, lo toan các cháu thay bố mẹ được. Thấy bọn trẻ phải ăn những bữa cơm chỉ có bát canh rau làm thức ăn. Rồi nhiều hôm biết cháu nhịn đói đi học ai cũng buồn tủi...”.
Đang trong giai đoạn tưởng chừng như khó vượt qua thì một cơ may đã đến với Kim. Em được UBND xã Đông Quan xác nhận, giới thiệu đến Trung tâm Hy vọng Lộc Bình (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn). Khi đến trung tâm này em không cần phải lo chuyện “cơm áo gạo tiền”. Trung tâm Hy vọng Lộc Bình là một cơ sở nuôi dạy những em nhỏ có hoàn cảnh cơ nhỡ, mồ côi cha mẹ...
Đến đây ngoài được dạy dỗ từ những thầy cô trong trung tâm em còn được đến trường đi học như bao học sinh khác.
Nhận được học bổng lần này không chỉ em mà người thân mừng lắm. Em sẽ cố gắng học tập để sau này trở về phục vụ quê hương
Bà Vũ Thị Tươm - phó giám đốc Trung tâm Hy vọng Lộc Bình - nhận xét: “Tôi là người trực tiếp đón bé Kim về trung tâm. Thời gian đầu con hay mặc cảm về số phận nhưng dần dần hòa đồng, chia sẻ với các bạn khác. Con là người không ngừng vượt khó và biết quan tâm tới những bạn có hoàn cảnh trớ trêu như mình. Trong thời gian con ở đây được giao nhiệm vụ bảo ban năm em nhỏ khác. Nay con đậu đại học là một niềm vui cho chúng tôi”.