Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh viên tìm bạn F0 ở cùng để tiết kiệm chi phí

Trong thời gian nhiễm bệnh, nhiều sinh viên ở trọ một mình đã tìm bạn cùng là F0 để chăm sóc nhau vượt qua bệnh tật.

Khi phát hiện bản thân dương tính với nCoV, Trần Xuân Hòa, sinh viên năm thứ ba, ĐH Kinh tế Quốc dân lo lắng. Ở Hà Nội, Xuân Hòa thuê trọ và sống với một nữ sinh viên năm nhất. Thời điểm Hòa nhiễm bệnh, bạn cùng phòng đi học quân sự, nữ sinh viên đã đăng tải trên mạng xã hội bài viết tìm bạn là F0 để cùng chăm sóc nhau.

"Tôi hiểu cảm giác của những sinh đang sống một mình ở Hà Nội khi dương tính với nCoV. Tôi tìm bạn cùng phòng là F0 để cả hai cùng nhau vượt qua bệnh tật, đặc biệt là những lúc sốt cao vào ban đêm", Hòa nói.

F0 chăm sóc F0

Xuân Hòa bày tỏ khó khăn lớn nhất khi bản thân mắc Covid-19 là những lần lên cơn sốt cao vào ban đêm. Một mình trong phòng, Hòa căng thẳng và suy nghĩ nhiều hơn. Có đêm 1 giờ sáng, đang trong cơn sốt, nữ sinh viên vẫn cố gắng đi nấu cháo ăn để hồi lại sức và uống thuốc.

Sinh vien o tro mac Covid-19 anh 1

Bài viết tìm bạn cùng phòng để chăm sóc nhau vượt qua thời gian dương tính với nCoV của Xuân Hòa.

Giai đoạn điều trị Covid-19, thực phẩm chủ yếu trong phòng trọ của Hòa là cháo ăn liền. Nữ sinh viên cho biết các triệu chứng khi nhiễm bệnh đã làm bản thân mệt mỏi và lựa chọn thực phẩm này để tiện ăn uống. Thi thoảng, Hòa cũng đặt đồ ăn bên ngoài.

"Mấy đêm lên cơn sốt, tôi không gọi điện thoại về cho gia đình vì sợ bố mẹ ở xa lo lắng. Tôi khá tự tin về tính tự lập của bản thân nên một mình chữa bệnh và làm theo lời tư vấn của bác sĩ. Sau khi đỡ bệnh, tôi mới gọi về nhà", Hòa nói.

Khi đang điều trị bệnh, Hòa vui mừng vì tìm được một nhóm bạn ở chung trường (đã quen biết từ trước), đang dương tính với nCoV, để ở cùng nhau. Nữ sinh đã tranh thủ sang nhà các bạn trong 2 ngày bản thân xuất hiện các triệu chứng nặng.

"Tôi còn nhớ lúc 0h đêm, bạn qua đón về phòng. Lúc đó, các bạn trong phòng đều đã sắp xếp chỗ ngủ để tôi yên tâm nghỉ ngơi. Những bạn ở đây luôn hướng dẫn tôi các biện pháp chữa trị và thuốc uống cần thiết. Ở một mình cũng lâu nên khi có các bạn trò chuyện tôi đã vui vẻ hơn để chiến đấu với bệnh tình", Hòa chia sẻ.

Nhớ lại thời gian điều trị Covid-19, Như Quỳnh, sinh viên năm thứ ba, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) không quên những ngày bạn cùng phòng và bản thân đều dương tính với nCoV.

"Giai đoạn đó, khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi là vấn đề ăn uống. Vì phải cách ly trong phòng nên cả hai không thể đi mua thức ăn và thuốc uống. Chúng tôi đã phải nhờ bạn bên ngoài mua giúp. Đôi khi có những triệu chứng nặng như sốt, khó thở thì cả hai đều động viên nhau, nằm nghỉ đợi nó qua đi", Quỳnh nói.

Lo lắng chi tiêu khi mắc Covid-19

Mỗi ngày, Như Quỳnh đều chi khoảng vài trăm nghìn đồng để mua thuốc điều trị và que xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19. Khoảng thời gian cách ly, Quỳnh không còn tốn các chi phí đi chơi và tụ tập cafe với bạn bè, vì vậy nữ sinh viên đã tiết kiệm được tiền để điều trị bệnh.

Khác với Quỳnh, Phạm Nguyễn Minh Thư, sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng lại phải chi tiêu nhiều hơn trong thời gian nhiễm bệnh do ở ký túc xá. Các thành viên trong phòng của Thư đều đã dương tính với nCoV. Nữ sinh viên đã phải nhờ bạn ở bên ngoài mua giúp thực phẩm thiết yếu, thuốc điều trị và que xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19.

Sinh vien o tro mac Covid-19 anh 2

Minh Thư đã tốn nhiều tiền cho việc mua que test nhanh kháng nguyên Covid-19. Ảnh: NVCC.

"Sống ở ký túc xá, chúng tôi không thể nấu ăn, cũng không thể xông chanh xả khi nhiễm bệnh. Buổi trưa, chúng tôi đặt cơm ở trường. Còn buổi chiều thì phải đặt đồ ăn bên ngoài. Các đồ dùng nhờ bạn bè mua thì được chuyển vào Ban quản lý ký túc xá. Sau đó những anh, chị tình nguyện viên sẽ mang lên phòng giúp chúng tôi", Thư kể.

Tất cả các khoản chi tiêu lúc này của Thư đều thực hiện qua hình thức chuyển khoản, do không thể ra bên ngoài trả lại tiền mặt lại cho bạn của mình. Vì vậy, Minh Thư đã sử dụng "tạm" tiền học phí trong tài khoản để chi tiêu lúc mắc Covid-19.

"Bây giờ, trên thị trường có rất nhiều loại xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 với các mức giá khác nhau. Nhưng để đảm bảo tính chính xác, chúng tôi thường chọn loại có giá thành là 150.000 đồng/que test. Vì vậy, 3 ngày từ sau khi dương tính với nCoV tôi đã tốn khoảng 500.000 đồng cho chi phí xét nghiệm nhanh. Số tiền này bằng chi phí ăn uống trong một tuần của bản thân tôi", Thư nói.

Vì sợ tốn kém khi xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 nên Xuân Hòa đã quyết định chỉ xét nghiệm một lần. Nhận được kết quả dương tính với nCoV, Hòa không mua que test nhanh nữa, thay vào đó, nữ sinh viên dành tiền để mua thực phẩm bồi dưỡng sức khỏe.

Lúc cảm thấy sức khỏe bản thân đã ổn định, Hòa mới thực hiện xét nghiệm nhanh lại một lần nữa. Trường học của Hòa cũng đang thực hiện chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng cho sinh viên là F0 để giảm bớt gánh nặng lo lắng về chi phí điều trị Covid-19 của sinh viên.

Cố gắng suy nghĩ tích cực

Theo Minh Thư, sinh viên khi phát hiện bản thân là F0 đừng quá hoang mang và nên gọi về cho gia đình để trấn an bản thân. Mỗi ngày, bố của Thư đều gọi từ 2 đến 3 cuộc điện thoại để hỏi thăm tình hình sức khỏe và động viên tinh thần của con gái.

"Các bạn phải giữ tâm lý bình tĩnh và vui vẻ thì mới vượt qua được dịch bệnh", Minh Thư nói.

Xuân Hòa khuyên: "Các bạn hãy suy nghĩ tích cực trong thời gian nhiễm bệnh, làm theo chỉ định của bác sĩ và đừng chủ quan để bệnh trở nặng. Sinh viên ở một mình nên gọi về gia đình. Đây là giải pháp để các bạn không tủi thân trong những lúc căng thẳng chiến đấu với bệnh tật".

F1 là học sinh tiểu học cách ly tại nhà 7 ngày nếu chưa mắc Covid-19

Sở GD&ĐT TP.HCM cho hay việc F1 đi học chỉ áp dụng cho học sinh từ trên 12 tuổi. Với học sinh tiểu học, F1 vẫn phải cách ly tại nhà 7 ngày, trừ trường hợp đã mắc Covid-19.

Nguyễn Hằng

Bạn có thể quan tâm