Một sinh viên cho rằng trường Luật, ĐH Trung văn Hong Kong, có thể đã vi phạm luật chống phân biệt đối xử. Ảnh: SCMP. |
Christine Chu Tsz-wa (24 tuổi) là một người chuyển giới đang theo học chứng chỉ sau đại học tại trường Luật, ĐH Trung văn Hong Kong. Sau khi hỏi nhà trường về việc sử dụng nhà vệ sinh dành cho phụ nữ, người này được yêu cầu sử dụng nhà vệ sinh dành riêng cho người khuyết tật.
Điều này khiến Chu bức xúc, cho rằng trường Luật, ĐH Trung văn Hong Kong, có thể đã vi phạm luật chống phân biệt đối xử.
Trao đổi với SCMP, Chu tiết lộ cô đã bắt đầu tiêm hormone nữ tính từ tháng 11/2022. Trong quá trình chuyển đổi xã hội, một bác sĩ tâm lý đã khuyên cô nên chuyển từ sử dụng nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật sang nhà vệ sinh dành cho phụ nữ để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
"Trong khuyến cáo, bác sĩ tâm lý cho biết việc được đối xử như phụ nữ trong các tình huống xã hội và sử dụng các phương tiện phù hợp dành riêng cho giới là một phần quan trọng của quá trình chuyển đổi giới tính", Chu nói thêm.
Sinh viên này cho biết cô đã gửi thư đến trường Luật, ĐH Trung văn Hong Kong, xin phép sử dụng các cơ sở vật chất dành cho nữ tại trường. Tuy nhiên, yêu cầu của cô bị từ chối.
“Trường Luật cho biết có một nhà vệ sinh 'không có rào cản', không phân biệt giới tính. Nhưng với tôi, vấn đề không phải là nhà trường có cho phép tôi sử dụng nhà vệ sinh nữ hay không, mà là họ bảo tôi sử dụng nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật. Thái độ này là một loại phân biệt đối xử", Chu khẳng định.
Christine Chu Tsz-wa (24 tuổi) là một người chuyển giới đang theo học chứng chỉ sau đại học tại trường Luật, ĐH Trung văn Hong Kong. Ảnh: SCMP. |
Được biết, 2 giáo sư tại trường đã cố gắng giúp đỡ Chu, nhưng trường Luật nhất quyết không đồng ý. Sinh viên này sau đó đã được tư vấn pháp lý và nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban cơ hội bình đẳng Hong Kong (EOC) từ 2 tuần trước.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, Chu cho biết EOC đã liên hệ với cô về những phát hiện sơ bộ của họ về vụ việc. Theo đó, EOC nhận định trường Luật có thể đã vi phạm Pháp lệnh phân biệt đối xử với người khuyết tật thông qua việc yêu cầu tất cả sinh viên sử dụng nhà vệ sinh dành riêng cho giới tính được chỉ định khi sinh.
Hiện tại, EOC đang thiết lập một cuộc họp hòa giải để giải quyết tranh chấp, đồng thời thu thập bằng chứng từ Chu và trường Luật. Được biết, Hong Kong (Trung Quốc) không có luật chống phân biệt đối xử. Người chuyển giới chỉ có thể nộp đơn khiếu nại về phân biệt đối xử theo Pháp lệnh về phân biệt đối xử với người khuyết tật.
Về phía Chu, mặc dù có thể đệ đơn lên tòa án, cô muốn giải quyết tranh chấp với giảng viên thay vì theo đuổi các biện pháp pháp lý. Trong khi đó, phát ngôn viên của trường đại học cho biết họ không thể đưa ra bình luận vì trường Luật không nhận được bất kỳ thông tin nào từ EOC.
Theo SCMP, kể từ đầu năm nay, Hong Kong cho phép người chuyển giới thay đổi giới tính hiển thị trên thẻ căn cước mà không cần trải qua cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
Tuy nhiên, chính quyền đã không cập nhật các chính sách về việc sử dụng nhà vệ sinh công cộng, phòng thay đồ và bệnh viện. Hiện tại, Cục Dịch vụ Văn hóa và Giải trí Hong Kong - đơn vị quản lý nhà vệ sinh công cộng - cho biết mọi người có thể sử dụng nhà vệ sinh có thể tiếp cận bất kể giới tính của họ, hoặc chọn vào nhà vệ sinh dành cho nam/nữ dựa trên thông tin trên thẻ căn cước.
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu cuốn sách Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.