Câu chuyện không hề mới
Với đặc thù công việc ngoài trời, chuyện sinh viên tình nguyện (SVTN) tiếp sức mùa thi phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt không còn quá mới mẻ. Còn nhớ mùa thi đại học năm 2014, thủ đô Hà Nội mưa xối xả. Tình nguyện viên các trường cũng phải đứng dầm mưa để phân làn giao thông cho thí sinh.
Sinh viên tình nguyện đội mưa để phân làn đường trong kỳ thi đại học năm 2014. Ảnh: Nguyễn Minh Phương. |
Trong khi đó, mùa tuyển sinh lần này diễn ra dưới nắng nóng 40 độ. Ở mặt đường nơi bóng áo xanh làm nhiệm vụ, nhiệt độ đôi khi còn khắc nghiệt hơn. Mặc dù vậy, các bạn trẻ vẫn phải đứng dàn hàng để phân luồng giao thông.
Nhờ có những “dải phân cách sống”, lượng thí sinh đổ ra từ cổng trường thi có thể dễ dàng ra về, không gây ùn tắc. Bên cạnh đó, hành động này cũng hình thành một khoảng không gian an toàn cho sĩ tử di chuyển.
Chứng kiến cảnh tượng sinh viên đứng dàn hàng dưới nắng nóng, đa phần ý kiến không ủng hộ cách làm trên. Theo mọi người, không thiếu cách hiệu quả hơn, như việc kéo một sợi dây để phân làn.
Dân mạng cho rằng, SVTN cũng là người, sức khỏe cần coi trọng. Sau mùa tình nguyện, đứng quá nhiều giữa nắng nóng rất dễ ốm, lại khổ gia đình, còn bản thân thì không thể đến lớp. Lúc đó, ai sẽ tình nguyện đến chăm sóc, đảm bảo cho kết quả học tập của các bạn?
Tuy nhiên, Nguyễn Thúy - sinh viên Đại học Thủy Lợi - chia sẻ: "Trong mùa thi này, em cũng tham gia tình nguyện. Nắng nóng nhưng tinh thần của bọn em vẫn rất cao. Nói đến vấn đề ''dải phân cách sống'' thì đó là niềm tự hào. Có ý kiến cho rằng bọn em ngốc, song như thế mới giữ được trật tự giao thông và sự an toàn của các em thí sinh.
Việc chăng dây không phải chưa thực hiện nhưng nhiều người vô ý thức. Họ chui qua, thậm chí phá dây, cứ người đi được là người khác theo sau. Khi ai đó cho ý kiến, xin hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy xét!".
“Còn cách nào tốt hơn "dải phân cách sống"?”
Nhắc đến những giải pháp để sinh viên tình nguyện đỡ vất vả hơn, không ít người cho rằng, có thể thay thế "hàng rào sống" bằng những dụng cụ như dây thừng, dải phân cách di động... Nếu dùng cách này thì chỉ cần 3-4 sinh viên túc trực để phân làn.
Vương Quốc Anh - SVTN tại điểm thi ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn - thẳng thắn thừa nhận, hành động đứng dàn hàng trong nắng nóng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng đó là lựa chọn khả dĩ nhất để ổn định tình hình giao thông trước cổng trường.
“Dây thừng ạ? Bọn em đã chuẩn bị hàng chục mét, song lúc đem ra sử dụng thì không hiệu quả. Nhiều người sẵn sàng đâm đứt cả dây. Trong thời tiết nắng nóng 40 độ như vừa qua, thực sự không nên đứng như thế. Tuy nhiên, khi trực tiếp làm việc, em nhận thấy không còn cách nào khác” - Quốc Anh chia sẻ.
Quan sát tại một số điểm thi, có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng dù sinh viên đã hét khản cổ, một số phụ huynh vẫn cố gắng lách qua hàng rào. Đôi khi, chỉ cần khoảng cách giữa hai bạn trẻ quá một sải tay, không ít người sẽ tận dụng khe hở để đi qua.
Nam sinh Nguyễn Quân cho biết, cậu từng bị một phụ huynh cố tính nhấn ga đâm vào người. Song cậu may mắn khi có công an gần đó lao ra giải nguy.
Cái nắng nóng khắc nghiệt của Hà Nội khiến mọi người tỏ ra căng thẳng. Đặc biệt trong một kỳ thi quan trọng với con em mình, nhiều người sẵn sàng tìm mọi cách để đưa đón thí sinh nhanh chóng, bất chấp việc tuân thủ luật giao thông.
“Hàng rào bằng người sống, tưởng như là loại hàng rào thông minh nhất nhưng cũng chẳng thể cản được sự vô ý thức của một số cá nhân” - Nguyễn Quân tâm sự.
Thấu hiểu nỗi khổ khi tiếp sức mùa thi, SVTN luôn mong muốn có một giải pháp thông minh hơn để giảm thiểu sự vất vả cho chính mình. Tuy nhiên, chừng nào câu hỏi "ai sẽ thay đổi" và "thay đổi như thế nào" vẫn chưa được trả lời, những "dải phân cách sống" vẫn xứng đáng nhận được sự cảm phục, thay vì thái độ thương hại hay chế giễu.