Vừa qua, chủ đề cát xê của các nhạc sĩ, nhà sản xuất tạo hit gây xôn xao khi nhạc sĩ Tiên Cookie lên tiếng phản đối một bài báo tiết lộ mức cát xê của cô (100 triệu đồng/bài, “bán sỉ 3 bài”, “bao ăn khách"). Tiên Cookie từ chối nói rõ cát xê của mình và bị tổn thương vì người ta coi nhạc của cô như món hàng bán sỉ trong “chợ nhạc ăn khách”.
Bài báo cũng nhắc đến một nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất nổi tiếng khác là SlimV, khẳng định anh là nhà sản xuất có cát xê cao nhất làng nhạc Việt hiện nay với 40 triệu đồng/bài. Tuy nhiên, thông tin này là chưa đầy đủ.
Theo tìm hiểu thông tin từ Zing.vn, cát xê sản xuất của SlimV dao động từ 2.500 USD (hơn 50 triệu đồng) đến 10.000 USD (hơn 200 triệu đồng). Còn tuỳ thuộc vào từng dự án,đặc biệt, với dự án lớn như ca khúc Phượng hoàng lửa của Thu Minh, chi phí của SlimV là vào tầm 10.000 USD.
Không chỉ là nhà sản xuất có cát xê cao, SlimV cũng là DJ có giá cao nhất thị trường với mức 3.500 - 4.000 USD (80-90 triệu đồng) một chương trình.
Zing.vn có cuộc trò chuyện với nhà sản xuất kiêm DJ SlimV về câu chuyện cát xê dành cho những nghệ sĩ sáng tạo đứng đằng sau một sản phẩm âm nhạc.
Nhà sản xuất âm nhạc SlimV. Ảnh: NVCC. |
Riêng phần mềm làm nhạc đã tốn hàng chục nghìn USD
- Các tiêu chí để anh nhận lời hợp tác với một ca sĩ?
- Quan trọng nhất là tôi và ca sĩ đó cùng chung tiếng nói trong âm nhạc. Vì tôi là người sẽ đóng vai trò đưa ra lời khuyên về phong cách nhạc cũng như hình tượng. Cho dù đó là một ca sĩ nổi tiếng nhưng phong cách không phù hợp thì tôi cũng khó có thể nhận lời.
Chẳng hạn như người ta tìm đến tôi để sản xuất một bản bolero, tôi sẽ không thể nhận lời, không phải vì phân biệt nhạc hay nhạc dở mà đơn giản đó không phải phong cách của tôi. Thế nhưng nếu họ mang một bản bolero tới và yêu cầu làm lại ngôn ngữ âm nhạc mới thì đó lại là chuyện khác.
Quan điểm làm nhạc của tôi là cập nhật và tiệm cận với những xu hướng mới của âm nhạc thế giới nên trong việc lựa chọn ca khúc để sản xuất, tôi cũng thường rất kỹ càng. Bài hát cần phải văn minh, giai điệu hay, mới lạ, ca từ phải chất lượng và có giá trị chứ không phải làm lố để câu view.
Công việc của nhà sản xuất là nghĩ ra tất cả âm thanh trong bài nhạc: hoà âm, bass, trống, giai điệu đối đáp với giai điệu chính, phần hỗ trợ giai điệu chính, phần đi bè với giai điệu.
- Công sức nhà sản xuất bỏ ra cho mỗi tác phẩm là như thế nào?
- Có lẽ mọi người hiểu cảm giác của những nhạc sĩ trằn trọc bao nhiêu ngày đêm để có thể viết nên được một ca khúc gồm lời và giai điệu.
Người sản xuất phần nhạc đệm cũng không khác gì nhiều. Có điều thay vì phải suy nghĩ về phần lời thì cùng lúc phải suy nghĩ về tất cả các âm thanh xảy ra trong bài nhạc cùng lúc: phần hoà âm, phần bass, phần trống, phần giai điệu đối đáp với giai điệu chính, phần hỗ trợ cho giai điệu chính, phần đi bè với giai điệu.
Và ý tưởng thì không phải lúc nào cũng xuất hiện và nó thường hay xuất hiện rất… không đúng lúc. Với mỗi dự án sản xuất như vậy, tôi sẽ dành từ 7 đến 10 ngày.
Trước khi làm nhạc, nhà sản xuất sẽ nghe bài phải đưa ra định hướng cho ca sĩ. Hiện nay đang có những xu hướng nào thịnh hành trong làng nhạc, tư vấn cho ca sĩ và làm bản demo. Nếu ca sĩ ưng ý với bản demo đó, nhà sản xuất sẽ bắt tay vào hoàn thiện tác phẩm.
Phần làm âm thanh cho bài cũng là một phần mệt mỏi, sau khi đã tưởng tượng ra trong đầu và có cái khung demo giờ là lúc biến những âm thanh trong đầu mình vang ra ngoài đời thực.
Để có thể tạo được những âm thanh hay thì việc đầu tư cho những bộ tiếng cũng là rất quan trọng, vì một bộ tiếng rẻ tiền so với một bộ tiếng đắt tiền sẽ cho kết quả rất khác nhau, chưa kể tới việc đầu tư để thu nhạc cụ thật. Riêng với phần mềm để làm nhạc, tôi đầu tư hàng chục nghìn USD.
Sau khi đã có phần nhạc hoàn chỉnh sẽ đến phần thu âm cho ca sĩ, tinh chỉnh lại các chi tiết nhỏ trong bài rồi làm mastering.
- Với sự đầu tư như vậy, có thông tin anh là nhà sản xuất có cát xê cao nhất làng nhạc Việt hiện nay?
- Có các mức cát xê khác nhau tùy theo tính chất, mức độ và thời gian, công sức bỏ ra cho ca sĩ. Có thể chia làm ba dạng. Một là remix một bài hát có sẵn trên thị trường để cho ra bản phối mới. Hai là sản xuất bài hát gốc từ bản demo ca khúc hát trên nền piano. Ba là bài hát do chính tôi sáng tác và sản xuất cho ca sĩ.
Một bài báo nói cát xê sản xuất nhạc của tôi là 40 triệu đồng, nói như vậy là chưa đầy đủ và rõ ràng. Họ cũng chưa lý giải được công sức lao động của nhà sản xuất có xứng đáng với mức thù lao hay không.
"Tiêu chí của tôi khi sản xuất nhạc là bài hát văn minh, giai điệu hay, mới lạ, ca từ phải chất lượng và có giá trị chứ không phải làm lố để câu view"
- Còn với những dự án lớn như khi anh được mời sáng tác và sản xuất ca khúc "Phượng hoàng lửa" dành tiêng cho ca sĩ Thu Minh để làm chủ đề liveshow cá nhân ở Hà Nội hồi tháng 6/2017?
- Phượng hoàng lửa vừa là một bài hát, vừa là tên liveshow cá nhân của Thu Minh do tôi tư vấn. Sau đó, hình tượng “phượng hoàng lửa” cũng trở thành concept chính của liveshow.
Công việc của tôi với ca khúc này bao gồm cả sáng tác và sản xuất. Phượng hoàng lửa đặc biệt ở chỗ là tác phẩm âm nhạc thị trường hiếm hoi hiện nay kết hợp giữa nhạc giao hưởng và EDM.
Ca từ và giai điệu bài hát được viết dành riêng cho Thu Minh, với những nốt nhạc khó mà nhiều ca sĩ khó có thể hát được. Thu Minh cũng dự định quay MV cho ca khúc này. Đây cũng là một dự án lớn của tôi.
SlimV là một trong những nhà sản xuất liveshow "Phượng hoàng lửa" của Thu Minh tại Hà Nội hồi tháng 6/2017. Ảnh: NVCC. |
'Bị chê bai hay dislike ảnh hưởng đến uy tín nhà sản xuất'
- Bài báo mà anh nhắc đến ở trên cũng nói SlimV “không bớt một xu” cát xê, nghe có “cò kè” quá không với một công việc sáng tạo?
- Thực sự, tôi chưa bao giờ phải “mặc cả” với ca sĩ từng đồng để phải dùng cụm từ “không bớt một xu”. Tôi nghĩ âm nhạc không phải là một sản phẩm dễ đàm phán về giá như nhiều mặt hàng khác.
"Âm nhạc không có đúng sai, chỉ có thích hay không thích thôi"
- SlimV
Nhưng tôi cũng khá cứng rắn trong vấn đề thù lao bởi với mức giá tôi đưa ra, tôi đảm bảo được rằng mình sẽ sản xuất bài nhạc đó với sự đầu tư kỳ công về thời gian, công sức và các thiết bị.
Bài hát sau khi đưa ra thị trường sẽ đạt chuẩn về chất lượng, về âm thanh, ca từ và lời hát. Các bản thu âm hoàn thiện cũng gắn với tên của SlimV nên tôi muốn khi mình đã trực tiếp làm nhạc, người nghe sẽ cảm nhận được sự khác biệt, và đó là của SlimV.
- Tôi muốn hỏi về rủi ro trong việc này. Nhạc sĩ Tiên Cookie bức xúc một phần vì cụm từ “bao ăn khách”, nói rằng không người làm nhạc nào có thể đảm bảo 100% ca khúc sẽ ăn khách. Còn SlimV thì sao?
- Tôi đồng ý với quan điểm của Tiên Cookie. Là người làm nhạc, chúng tôi chỉ là một mắt xích trong một quy trình nhiều mắt xích làm nên thành công của một bài hát. Không một nghệ sĩ nào trên thế giới có thể cam kết 100% tác phẩm họ làm ra sẽ chắc chắn ăn khách.
Âm nhạc không có đúng sai, chỉ có thích hay không thích thôi. Có thể bạn thích nhưng bạn của bạn lại không thích. Còn nhà sản xuất là người luôn phải nắm vững các xu hướng âm nhạc ở Việt Nam và trên thế giới, chúng tôi đưa ra những lời tư vấn cụ thể nhất cho ca sĩ để sản phẩm đạt được thành công tối ưu.
"Bài hát bị chê bai hay nhận quá nhiều lượt dislike ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của nhà sản xuất. Không bao giờ tôi muốn bài hát nổi do nhận nhiều dislike"
- nhà sản xuất SlimV
- Nếu nói là không có “công thức tạo hit” thì tại sao nhiều nhạc sĩ rất mát tay trong việc viết nên ca khúc hit?
- Tôi đồng ý là không có công thức tạo hit theo nghĩa là biết rõ là thêm một chút này, bớt một chút kia thì sẽ làm nên ca khúc hit. Không ai có thể biết rõ điều đó.
Với thị trường âm nhạc Việt Nam hiện tại, ca từ của một bài hát khá quan trọng trong việc quyết định một bài hát có ăn khách hay không. Ca từ là thứ khiến khán giả có thể tìm thấy mình trong đó, mà với khán giả Việt Nam hiện nay, điều đó rất quan trọng. Sau đó thì đến giai điệu hay và hợp xu thế sẽ quyết định bài đó hit hay không.
- Còn các ca sĩ thì sao, họ sẵn sàng đầu tư lớn đến thế mà vẫn chịu rủi ro?
- Khi ca sĩ tìm đến một nhà sản xuất, họ tin tưởng ở chất lượng và tên tuổi của nhà sản xuất và cảm thấy hài lòng với sản phẩm hợp tác giữa hai bên. Làm ca sĩ hài lòng với sản phẩm là nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà sản xuất.
Tôi coi đó là sự khẳng định về chất lượng làm nhạc của mình. Còn khi đưa bài hát ra thị trường có thu được thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thời điểm, khâu truyền thông, thị hiếu của khán giả…
Thêm vào đó, tên của nhà sản xuất cũng gắn liền với bài hát nên chúng tôi sẽ làm hết sức mình cho khâu truyền thông. Một bài hát bị chê bai hay nhận quá nhiều lượt dislike trên YouTube cũng ảnh hưởng rất lớn đến uy tín nghề nghiệp của nhà sản xuất.
Không bao giờ tôi muốn rơi vào trường hợp bài hát rất nổi nhưng là do bị chê bai hay dislike. Tôi hy vọng khán giả không coi âm nhạc là cái chợ. Bất kể sản phẩm nào khi được tung ra đều mang theo tâm huyết và công sức sáng tạo của nghệ sĩ.
SlimV tên thật là Cao Văn Vịnh, sinh năm 1988. Anh học nhạc từ năm anh 9 tuổi tại Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam, từng là học sinh xuất sắc với rất nhiều kỳ thi đạt được điểm cao ở tại khoa Piano và Lí luận thuộc khoa Sáng tác - Chỉ huy. 29 tuổi, anh có 15 năm học nhạc, trong đó có 7 năm piano và 7 năm sáng tác chỉ huy.
Các bản hit do SlimV sản xuất: Âm thầm bên em, Thái Bình mồ hôi rơi, Remember me, Khuôn mặt đáng thương (Sơn Tùng M-TP), Thu cuối (Yanbi, Mr.T, Hằng Bingboong). Anh là nhà sản xuất trong đội quán quân của Noo Phước Thịnh ở The Remix 2016. SlimV cũng là người tiên phong trong âm nhạc điện tử (EDM) tại VN từ những năm 2011 như dòng nhạc dubstep, electro, big room, future bass, chill trap…
Hiện nay, SlimV là thành viên ban điều hành dàn nhạc giao hưởng Rhapsody Philharmonic, một dàn nhạc trẻ chơi nhạc giao hưởng kết hợp nhạc điện tử.