Là "nhà" của H.O.T, BoA, TVXQ, Super Junior, Girls' Generation, EXO và rất nhiều cái tên khác, SM Entertainment chưa bao giờ thất bại kể từ khi Lee Soo Man thành lập công ty vào năm 1995.
Và bí quyết thành công của SM chính là kim chỉ nam "CT" - Culture Technology hay "Công nghệ văn hóa" - cụm từ do chính Lee sáng tạo nên để nói về chiến lược của công ty.
Về bản chất, công nghệ văn hóa là quá trình phát triển một nghệ sĩ được thực hiện theo công thức và mang tính chất kỹ thuật, tương tự như sự ra đời của một sản phẩm tại các công ty công nghệ thông tin.
Theo triết lý của SM, ngôi sao được tạo ra, không phải sinh ra. Các nhóm nhạc mới được sản xuất và lên kế hoạch cẩn thận, thay vì phát hiện.
Và có vẻ như triết lý này sẽ không thay đổi trong tương lai gần. Tại sự kiện mang tên New Culture Technology hồi tháng 1, Lee Soo Man phát biểu: "Ngày hôm nay, ngay tại sân khấu này, tôi muốn đồng quy và mở rộng 4 công nghệ văn hóa cốt lõi mà chúng tôi đã phát triển suốt 20 năm qua để tái tạo, đưa chúng lên tầm tiên tiến hơn: New Culture Technology - NCT - Công nghệ văn hóa mới".
Theo Lee, NCT là sự kết hợp giữa phương pháp hiện tại của SM về việc hình thành và sản xuất nhóm nhạc với các yếu tố tương tác.
Lee Soo Man tại sự kiện ra mắt NCT hồi tháng 1. Ảnh: SM |
Bê bối và kiện tụng
Hiện tại, vẫn chưa có câu trả lời cụ thể về việc tính chất tương tác, đặc biệt là với người hâm mộ, có ảnh hưởng tới hoạt động của SM hay không, nhất là khi hãng nổi tiếng với chính sách quản lý nghệ sĩ khắc nghiệt.
Trong nhiều năm qua, bên cạnh việc sở hữu những nghệ sĩ lớn nhất Hàn Quốc, SM cũng gắn liền với các vụ bê bôi và kiện tụng với lời buộc tội như kiểm soát gắt gao và chia sẻ lợi nhuận thiếu công bằng.
Vụ việc đình đám nhất liên quan tới Kim Jae Joong, Park Yoo Chun, Kim Junsu - 3 cựu thành viên của TVXQ đệ đơn kiện SM năm 2009. Sau những phiên xét xử, cả hai bên đạt được thỏa thuận năm 2011. Jae Joong - Yoo Chun - Junsu được tự do theo đuổi sự nghiệp mới với tư cách là nhóm nhạc JYJ. Tuy nhiên, họ vẫn phải đối mặt với những rào cản từ phía SM khi đại gia này quyết định dùng quyền lực của mình, gây sức ép ngăn JYJ xuất hiện trên truyền hình.
Sự việc ầm ĩ đến mức Quốc hội Hàn Quốc phải thông qua luật JYJ, cấm các hãng truyền hình không được ngăn nghệ sĩ lên sóng nếu không có lý do không chính đáng.
Ngoài ra, SM còn chứng kiến loạt các cuộc "đào thoát", chủ yếu của các nghệ sĩ gốc Trung. Chẳng hạn, năm 2009, thành viên Super Junior là Han Kyung cũng đệ đơn kiện SM với lý do hợp đồng quá dài (13 năm) và bị ép làm việc với lịch dày đặc.
Năm 2014, Kris và Luhan cũng cậy đến pháp luật để rời EXO. Năm 2015 là lùm xùm chia tay của Tao. Cả 3 vụ kiện này vẫn đang tiếp diễn.
Bất chấp rắc rối, việc sử dụng nghệ sĩ và biểu diễn ở nước ngoài vẫn là một trong những chiến lược quan trọng của SM.
TVXQ từng là một nhóm nhạc 5 thành viên. Từ năm 2009, nhóm hoạt động với 2 thành viên. Ảnh: SM |
Tiên phong tại các thị trường nước ngoài
Lee Soo Man bắt đầu kế hoạch đưa nghệ sĩ ra nước ngoài từ thập niên 1990 và hiện thực hóa bằng live show của HOT ở Bắc Kinh năm 2000. Đây chính là nghệ sĩ Hàn Quốc đầu tiên làm được điều này. 2 năm sau đó, BoA tạo nên lịch sử, trở thành nghệ sĩ Hàn Quốc đầu tiên giành được vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Oricon Nhật Bản. Năm 2011, các nghệ sĩ của SM có buổi biểu diễn tại quảng trường Madison ở New York.
Ngày nay, nghệ sĩ SM biểu diễn trên khắp toàn cầu, ra ca khúc tiếng Nhật và tiếng Trung là chuyện thường.
Tất cả những nỗ lực này đại diện cho quan điểm của Lee về làn sóng Hàn: địa phương hóa.
Năm 2011, Lee trình bày thuyết 3 giai đoạn của làn sóng Hàn. Tại sự kiện NCT, ông đã nhắc lại: "Chúng tôi tin rằng giai đoạn cuối cùng sẽ bắt đầu từ năm 2016. Từ giai đoạn đầu tiên là chỉ xuất khẩu các sản phẩm văn hóa, chúng ta tiến tới giai đoạn thứ 2 là mở rộng thị trường thông qua sự hợp tác của các nghệ sĩ và công ty địa phương. Cuối cùng, trong năm 2016, SM sẽ bước tới giai đoạn thứ 3, tạo liên minh với các công ty địa phương và đưa công nghệ văn hóa tới các thị trường nội địa".
Giai đoạn thứ 3 này được SM cụ thể hóa bằng nhóm nhạc NCT - viết tắt của cụm từ Neo Culture Technology.
NCT chính xác là một thương hiệu, với việc các thành viên cùng biểu diễn một ca khúc đồng thời ở nhiều thành phố trên thế giới với mục tiêu tạo ra các nội dung được địa phương hóa theo phong cách và ngôn ngữ ở từng khu vực.
Với việc không hạn chế bổ sung thành viên mới, NCT thay đổi hình mẫu các nhóm nhạc thần tượng ở thời điểm hiện tại.
Nhóm con của NCT ở Seoul và Tokyo sẽ trình làng ngay trong nửa đầu năm nay. Cuối năm sẽ là sự xuất hiện của nhóm con NCT ở Trung Quốc và tiếp theo đó là tại các thị trường Đông Nam Á và Mỹ Latin.
Người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng của SM cho biết, dù NCT ra đời với mục tiêu địa phương hóa nhưng sẽ không giống các nghệ sĩ ở quốc gia đó mà vẫn là một sản phẩm của làn sóng Hàn.
"Điều quan trọng là họ được tạo ra thông qua hệ thống của SM. Nghĩa là họ vẫn có những điều hấp dẫn với các fan trung thành của SM" - người đại diện PR phát biểu.
BoA - đế chế của SM tại Nhật Bản. Ảnh: SM |
Sức mạnh linh hoạt
Ý tưởng của SM về một nhóm nhạc với số lượng thành viên không giới hạn, trình diễn đồng thời trên khắp thế giới đã gây ra nỗi lo sợ mơ hồ trong cộng đồng fan nhạc Hàn.
"Có vẻ như SM đang cố gắng tạo ra một đế chế độc quyền ở thị trường Kpop" - một người dùng có tên Kpop biased bình luận.
Một người khác có tên S Lor viết: "Khi xem bài phát biểu, tại sao tôi lại có cảm giác điều này sẽ là ngày tận thế của Kpop nhỉ, với một công ty có quá nhiều sự kiểm soát?".
SM là công ty đạt lợi nhuận cao nhất Kpop năm 2015. Hãng phát hành 22 bản thu âm, mang về nhà 9 chiếc cúp từ lễ trao giải MAMA. Bất chấp việc mất một số nghệ sĩ - 3 thành viên Trung Quốc của EXO, Jessica của SNSD và Sulli của f(x) - những nhóm nhạc này vẫn là cái tên càn quét các lễ trao giải cuối năm.
Năm 2016 hứa hẹn sẽ là một năm bận rộn hơn với SM khi hãng lên kế hoạch trình làng tới 52 ca khúc.
"Chúng tôi sẽ đạt được 'thời kỳ rực rỡ nhất của văn hóa'" - Lee Soo Man phát biểu.