Thông tin này được bà Bùi Thị Hồng Vân, đại diện Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết trong họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, chiều 9/5.
Theo bà Vân, vụ ngộ độc mới nhất là 19 sinh viên sống tại ký túc xá ĐHQG TP.HCM nhập viện với các triệu chứng nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, nghi ngộ độc cấp. Sau khi nhận được báo cáo, Sở đã yêu cầu UBND TP Thủ Đức khẩn trương điều tra nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc bữa ăn nghi ngờ và lấy mẫu kiểm nghiệm.
Hiện tình hình sức khỏe của 19 sinh viên đều ổn định, dự kiến xuất viện trong hôm nay.
Trước đó, tại TP Thủ Đức cũng ghi nhận 15 học sinh ở 4 trường tiểu học nghi bị ngộ độc sau khi ăn sushi từ quán hàng rong trước cổng trường.
Bà Bùi Thị Hồng Vân, đại diện Sở An toàn thực phẩm TP.HCM trả lời trong họp báo chiều 9/5. Ảnh: Nguyễn Thuận. |
Nói thêm về tình trạng liên tiếp xảy ra vụ nghi ngộ độc tập thể, bà Vân cho hay ở TP.HCM giai đoạn này thời tiết nắng nóng, nhiệt độ từ 37-40 độ C rất thuận lợi cho sự phát triển theo cấp số nhân của vi khuẩn gây bệnh đường ruột, so với thời tiết bình thường. Trẻ em và người lớn đều dễ ngộ độc thực phẩm trong thời tiết này.
Việc đẩy mạnh công tác quản lý an toàn thực phẩm trong tháng này là đúng đắn. Ở TP.HCM đến giờ này các vụ việc nghi ngộ độc thực phẩm tương đối nhỏ, dưới 30 ca. Các vụ việc ở các tỉnh thành khác như Khánh Hòa, Đồng Nai cực kỳ nghiêm trọng.
Lý giải nguyên nhân hầu hết vụ ngộ độc đều xảy ra ở trường học, bà Vân nói rằng các em học sinh có hệ tiêu hóa yếu hơn người lớn, sức đề kháng yếu hơn nên rất dễ bị các rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thực phẩm. Thêm nữa, phụ huynh vẫn còn thói quen mua thức ăn từ hàng rong bán trước cổng trường cho con, với lý do chính là tiện lợi.
"Chúng ta nhìn là biết mức độ an toàn thực phẩm của những hàng rong như thế nào, nhưng có vẻ như phụ huynh còn chủ quan, họ nghĩ việc ngộ độc chưa xảy đến với con thì vẫn tiếp tục cho ăn không sao", bà Vân nói.
Chính sự chủ quan này cũng góp phần làm tăng nguy cơ ngộ độc cho trẻ.
Bà Vân cho hay các loại thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm bởi vì đây là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, không có điều kiện chuẩn để sản xuất, bảo quản thực phẩm, các thiết bị che chắn cũng hạn chế nên rất dễ nhiễm vi khuẩn.
Bên cạnh đó, kinh doanh thức ăn đường phố linh hoạt về thời gian và địa điểm, nên việc quản lý rất khó khăn trong việc kiểm tra giám sát.
Cách tốt nhất để phòng ngừa là người dân hạn chế sử dụng thực phẩm đường phố, ăn chín uốn chín, dùng thực phẩm sau khi chế biến không quá 2 tiếng.
Các cơ sở bán hàng quán rong cần tuân thủ đúng quy định an toàn thực phẩm, nếu có hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền rất nặng. Thậm chí, cơ quan chức năng sẽ truy tố trách nhiệm hình sự nếu hành vi đe doạ đến tính mạng con người.
Cuốn sách "Ăn thông minh, sống bình yên" của tác giả Makita Zenji giải thích về lý do càng nhiều tuổi càng cần hạn chế đường một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, cuốn sách cũng thông tin về các vấn đề lớn của chỉ số đường huyết; về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, cung cấp chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn đảm bảo chỉ số đường huyết, tránh các bệnh liên quan đến đường huyết.