Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Số F0 trong ngày lập 'đỉnh', ca tử vong giảm

Lần đầu tiên Việt Nam phát hiện số mắc mới trong ngày đến gần 80.000 ca. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là số bệnh nhân tử vong giảm.

Tinh hinh dich Covid-19 o Viet Nam anh 1
  • Bộ Y tế khuyến cáo các trường hợp không được sử dụng thuốc Molnupiravir.
  • Nhiều người dân phải xếp hàng chờ mua thuốc hạ sốt, vật tư y tế.
  • Việt Nam ghi nhận 78.795 ca nhiễm mới, trong đó 21 ca nhập cảnh và 78.774 ca ghi nhận trong nước. 54.345 ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng.

Không tích trữ và tự ý sử dụng thuốc Molnupiravir

Theo Bộ Y tế, Molnupiravir là thuốc kê đơn, mới được cấp phép và cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn trong quá trình lưu hành. Việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên lo lắng, tích trữ và tự ý sử dụng thuốc. Bởi sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe do nguy cơ gặp các phản ứng có hại của thuốc.

Để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đề nghị người dân cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng thuốc Molnupiravir để điều trị Covid-19.

Về chỉ định của thuốc, Molnupiravir được sử dụng để điều trị Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh diễn biến nặng.

Các giới hạn sử dụng gồm: Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày; không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp; không được sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng Covid-19.

Tinh hinh dich Covid-19 o Viet Nam anh 2

Molnupiravir không nên dùng với mục đích phòng Covid-19. Ảnh: National.

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc nêu trên.

Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, người dân cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.

Cục Quản lý Dược đặc biệt lưu ý người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị và sức khỏe của chính mình.

Thuốc hạ sốt, vật tư y tế đắt hàng ở Hà Nội

Lo sợ bản thân mắc Covid-19 khi Hà Nội ghi nhận hơn 6.000 F0 mỗi ngày, nhiều người dân phải xếp hàng chờ mua thuốc hạ sốt, vật tư y tế.

Theo ghi nhận của phóng viên, không ít cửa hàng đã "cháy" các loại thuốc hạ sốt, tăng sức đề kháng, vitamin như kẽm, C, thậm chí nước muối sinh lý cũng hết hàng.

Bên cạnh đó, các loại thuốc phòng Covid-19, hạ sốt, tăng sức đề kháng, vitamin… được rao bán rất nhiều trên mạng xã hội bởi những người không phải là dược sĩ.

Trên nhóm hội nhà thuốc, quầy thuốc Việt Nam, ngay khi có bài đăng của người dân muốn tìm mua kháng sinh, hàng loạt tài khoản đã giới thiệu, rao bán Movinavir, Augmentin, Arbidol. Nhiều tài khoản Facebook rao bán thuốc kháng sinh, phòng Covid-19, tăng sức đề kháng... đều không phải là dược sĩ hoặc người có chuyên môn trong lĩnh vực y tế.

Tinh hinh dich Covid-19 o Viet Nam anh 3

Hiện, giá kit test tăng do nhu cầu cao đột biến. Ảnh: DMS.

Ngoài ra, các loại thuốc "xanh, đỏ" của Nga được quảng cáo nhiệt tình, có thể đặc trị Covid-19, chỉ sau 3-4 ngày xét nghiệm về âm tính.

Thông tin với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho hay: “Người dân mua các loại thuốc hạ sốt, tăng sức đề kháng, vitamin, giảm ho,… để trong tủ thuốc gia đình thì được. Khi có bệnh hoặc thấy các triệu chứng bất thường, người dân mới nên uống. Không có triệu chứng của bệnh thì không được uống. Với các loại vitamin, những người sức đề kháng kém, lớn tuổi, ăn uống kém nên uống còn người bình thường ăn uống đa dạng, trẻ tuổi không nên sử dụng”.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh để tăng sức đề kháng cho cơ thể, điều quan trọng nhất người dân cần làm là ăn đủ chất (rau xanh, trái cây tươi...), ngủ đủ giấc, uống đủ nước.

“Đến nay, chưa có loại thuốc nào phòng ngừa được Covid-19. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất vẫn là tiêm vaccine phòng bệnh, thực hiện tốt 5K. Chính vì thế, người dân không nên lo lắng đi tích trữ các loại thuốc về nhà, tránh tiền mất, tật mang”, bác sĩ Khanh nói.

Với thuốc Arbidol được rao bán tràn lan trên mạng hiện nay, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), người trực tiếp tư vấn, điều trị cho F0 tại nhà nhấn mạnh: "Thuốc Arbidol chưa được cấp phép, đến tay người tiêu dùng chủ yếu qua đường xách tay".

Về bản chất, Arbidol khá lành tính, được sử dụng để phòng cúm hoặc các bệnh nhiễm virus qua đường hô hấp. Tuy nhiên, tác dụng phòng, chống Covid-19 của thuốc này chưa rõ ràng. Vì thế, người dân không nên quá kỳ vọng, lạm dụng loại thuốc này để phòng bệnh.

Hầu hết trẻ em lây nhiễm Covid-19 ở nhà và ngoài xã hội

Chiều 25/2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19.

Đưa ra quan điểm từ góc nhìn của cơ quan quản lý Nhà nước về chuyên môn y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin trước ngày 1/2, tỷ lệ trẻ mắc Covid-19 từ 0 đến 2 tuổi là 3,5%, từ 3 đến 5 tuổi là 2,7%, từ 6 đến 12 tuổi là 7,9%. Trẻ em mắc thường diễn biến nhẹ, tỷ lệ tử vong chiếm rất thấp.

Theo ông Tuyên, 99% trẻ 12-17 tuổi đã tiêm một mũi vaccine và 94% đã tiêm hai mũi. Thủ tướng cũng đã giao Bộ Y tế mua 22 triệu liều vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ em 5-11 tuổi.

Tinh hinh dich Covid-19 o Viet Nam anh 4

Học sinh lớp 1 tại TP.HCM trong những ngày đầu trở lại trường học. Ảnh: Phương Lâm.

Về việc nên coi dịch Covid-19 là cúm mùa thông thường, Thứ trưởng Tuyên nói theo quan điểm của Tổ chức Y tế Thế giới, việc này còn quá sớm vì dịch chưa thể kết thúc trong năm 2022 và có thể xuất hiện các biến chủng mới. “Hiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên không thể lơ là, chủ quan và vẫn phải chống dịch trong giai đoạn mới”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Ông Tuyên cũng khẳng định Bộ Y tế không có văn bản nào cấm việc cho trẻ trở lại trường mà chỉ có hướng dẫn để đảm bảo an toàn cho trẻ. Thực tế sau Tết Nguyên đán, khi học sinh đến trường được một tuần, nhiều ca bệnh xuất hiện thì các địa phương ra văn bản cấm hết. Từ việc này, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục kiểm tra, giám sát, nhắc nhở địa phương thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục Ngô Thị Minh cũng chia sẻ với băn khoăn của nhiều phụ huynh, song bà khẳng định “người lớn thích ứng an toàn thì không thể không cho học sinh và sinh viên thích ứng an toàn, không thể không cho các em đến trường”.

“Qua thống kê, hầu hết trẻ em bị lây nhiễm ở gia đình, ngoài xã hội chứ lây nhiễm trong trường học tỷ lệ rất ít. Do đó phương án mở cửa trường học là điều không thể khác để thích ứng linh hoạt", Thứ trưởng Minh nói.

Số ca tử vong trong ngày giảm

Bộ Y tế cho biết số ca mắc mới trong nước tiếp tục tăng cao với 78.774 trường hợp tại 63 tỉnh, thành phố trong ngày 25/2. Như vậy, số ca tăng 9.655 người so với ngày 24/2.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam phát hiện số mắc mới trong ngày đến gần 80.000 ca. Liên tiếp 7 ngày qua (từ 18/2 đến 25/2), đồ thị ca nhiễm SARS-CoV-2 mới tại Việt Nam đã vượt mốc 40.000 người và vẫn trên đà tăng mạnh.

Tuy nhiên, số bệnh nhân nặng đang điều trị chỉ tăng nhẹ, còn bệnh nhân tử vong giảm. Cụ thể, số bệnh nhân nặng là 3.235 người, chỉ tăng 98 ca so với ngày trước đó. Ngày 25/2, Việt Nam ghi nhận 78 ca tử vong, giảm 33 trường hợp so với ngày 24/2. Trong đó, Hà Nội vẫn là nơi có số lượng nhiều nhất (20 ca).

So với thời điểm Tết Nguyên đán (những ngày có số mắc mới thấp), số bệnh nhân nặng và tử vong ở ngưỡng tương đương.

10 tỉnh, thành phố có số lượng ca mắc Covid-19 trung bình cao nhất trong 7 ngày
Nguồn: Bộ Y tế
Nhãn Hà Nội Vĩnh Phúc Bắc Giang Hải Dương Hòa Bình Phú Thọ Bắc Ninh Nam Định Quảng Ninh Nghệ An
Số F0 trung bình 7 ngày qua Người 6918 4985 2485 2182 2190 2129 2095 2083 2062 1662

Hà Nội liên tiếp dẫn đầu tổng số ca mắc với 9.836 ca nhiễm, cao nhất từ trước đến nay. Trung bình trong 7 ngày, cứ 24 giờ, Hà Nội tăng thêm 6.918 ca.

Quảng Ninh cũng ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay với 4.615 F0 (trong 2 ngày). Theo báo Quảng Ninh, trong ngày 25/2, tỉnh này được Bộ Y tế ghi nhận 2.325 ca Covid-19 mới. Trong đó 2.004 ca cộng đồng, 321 ca đã được quản lý cách ly. 13/13 địa phương ghi nhận ca mắc.

Số F0 tiếp tục ghi nhận cao tương đương các ngày trước đó. Trong đó, số ca mắc là công nhân, học sinh có xu hướng giảm so với các ngày trước. Tuy nhiên, số ca mắc tại cộng đồng đang gia tăng. Dự báo, số ca mắc trong các ngày sắp tới tại địa phương này vẫn sẽ duy trì ở mức cao.

Trong ngày 25/2, Tuyên Quang ghi nhận 2.797 ca dương tính, tăng 1.679 ca so với ngày trước đó. Đây là ngày có số ca mắc cao nhất từ trước tới nay. Trong ngày, địa phương này không có bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong.

Ngoài ra, TP.HCM cũng ghi nhận sự gia tăng rất nhanh ca mắc Covid-19. Hôm 25/2, thành phố này có 2.206 F0, giảm nhẹ so với ngày trước đó 260 ca. Đây là ngày thứ 4 địa phương này có trên 1.000 F0 sau 24 giờ. Diễn biến dịch có tín hiệu lạc quan khi số ca tử vong giảm sâu, nhiều thời điểm về 0. Ngày 25/2, thành phố này ghi nhận thêm một bệnh nhân tử vong.

Về tiến độ tiêm chủng, trong ngày 24/2, cả nước có 187.683 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 192.865.977. Trong đó, tổng số mũi 3 (bao gồm mũi bổ sung và mũi nhắc lại) là 38.074.045 liều. Hiện Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.


Đừng quá xem thường việc mắc Covid-19

Với người trẻ, khỏe, Covid-19 có thể trải qua nhẹ nhàng. Tuy nhiên, lây bệnh cho người có bệnh nền, già yếu có thể khiến họ bị nặng, tử vong.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm