Câu chuyện PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, chia sẻ trong mùa tuyển sinh đầu cấp năm nay khiến không ít người phải suy nghĩ.
Cụ thể, ông cho biết mùa tuyển sinh 2015-2016 và 2016-2017, trường Lương Thế Vinh nhận được khoảng 1.000 (trong số 4.000 hồ sơ) có toàn điểm 10 ở cả hai môn Toán và Tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học. Thông tin này gây nhiều ý kiến tranh luận trái chiều về thực chất của nền giáo dục tiểu học
Báo VietNamNet dẫn lời đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết hai năm gần đây, số lượng học sinh đạt điểm 10 môn Toán ở mỗi khối đều trên 35.000 em, môn Tiếng Việt hơn 20.000 em.
Vì vậy, 1.000 hồ sơ có điểm tuyệt đối cả hai môn Toán và Tiếng Việt ở trường Lương Thế Vinh là chuyện bình thường. Hơn nữa, nộp hồ sơ vào trường Lương Thế Vinh là học sinh của 100 trường tiểu học ở tất cả các quận huyện, thậm chí có các huyện mới sáp nhập như Hoài Đức, Thanh Trì…
Trong khi đó, trả lời Zing.vn sáng 30/5, PGS Văn Như Cương cho rằng đây không thể là chuyện bình thường, mà là nghiêm trọng. Theo PGS, nguyên nhân của điểm toàn 10 và hàng loạt giải thưởng là căn bệnh thành tích, khi việc xét thi đua của giáo viên dựa vào kết quả học tập của học sinh.
Bảng so sánh vị trí xếp hạng của giáo dục tiểu học Việt Nam so với các nước trong khu vực (số liệu thống kê của WEF tháng 9/2016). Đồ họa: Nguyễn Sương. |
“Có phụ huynh mang đến trường tôi huy chương vàng của con đạt được trong một cuộc thi hát. Nhà trường tìm hiểu mới biết em thuộc đội đồng ca có 75 học sinh tham dự và 75 em này đều được huy chương vàng. Một phụ huynh khác dùng 10 triệu đồng để mua huy chương vàng giải bơi lội cho con, nhưng nhà trường phát hiện em này không hề biết bơi, thậm chí rất sợ nước”, PGS Văn Như Cương kể những câu chuyện dở khóc, cười về căn "bệnh ảo" của phụ huynh.
Theo chủ tịch hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh, Sở GD&ĐT Hà Nội cần cho một số trường có số lượng hồ sơ nộp vào đông gấp 4-5 lần chỉ tiêu thi tuyển để chọn học sinh. Số em ôn thi sẽ chỉ chiếm 1% tổng số học sinh của toàn thành phố. Điều này sẽ hạn chế tiêu cực trong ngành giáo dục.
Liên quan giáo dục tiểu học, TS Lương Hoài Nam mới đây dẫn lại bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF) vào tháng 9/2016.
WEF xếp hạng giáo dục tiểu học theo thang điểm từ một (kém nhất) đến 7 (tốt nhất). Việt Nam xếp thứ 92 (3,4), đứng sau nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan (3,5, xếp thứ 90), Lào (3,5, xếp thứ 89), Philippines, (3,9, xếp thứ 75), Indonesia (4,3, xếp thứ 54), Brunei (5, xếp thứ 26), Malaysia (5,1, xếp thứ 23), Singapore (6,1, xếp thứ 4).