![]() |
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM. Ảnh: HV/VietNamNet. |
Giáo viên các trường công lập từ tiểu học đến THPT ở TP.HCM phải thực hiện 1 bài khảo sát tiếng Anh theo hình thức trắc nghiệm khách quan, trong thời gian 90 phút.
Giáo viên khảo sát những gì?
Bài khảo sát bao gồm các kỹ năng nghe, đọc, viết nhằm đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung tham chiếu châu Âu CEFR (từ A1 đến C2). Bài khảo sát được thiết kế và chuẩn hóa với Cambridge Assessment English, đảm bảo tính khách quan, khoa học và độ tin cậy cao.
Giáo viên làm bài theo hình thức trực tuyến trên máy tính hoặc các thiết bị di động thông minh. Sở GD&ĐT đồng thời cung cấp 1 đường link để giáo viên tham gia khảo sát. Thời gian làm bài từ 8h đến 21h trong ngày và giáo viên có thể thực hiện bất cứ lúc nào.
Sở GD&ĐT cũng chia ca để giáo viên các cấp, các quận/huyện làm bài. Ngày 23/4 là giáo viên các trường THPT và THPT có nhiều cấp học; ngày 24/4 là giáo viên ở các quận 7, Bình Thạnh, Phú Nhuận, huyện Củ Chi.
Ngày 25/4 là giáo viên các quận 6, 11, Gò Vấp, huyện Hóc Môn. Ngày 26/4 là giáo viên ở quận 3, 4, 8, Bình Tân. Ngày 27/4 là giáo viên các quận 10, 12, Tân Bình, huyện Nhà Bè.
Ngày 28/4 là giáo viên các quận 1, 5, Tân Phú, huyện Bình Chánh. Giáo viên ở TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ và những người còn lại làm bài ngày 29/4.
Phản hồi về báo VietNamNet, nhiều độc giả nêu ý kiến rằng đây là thời điểm cuối năm học, các trường đang tất bật ôn thi cuối kỳ. Học sinh lớp 9 và 12 thì ôn thi lớp 10 và tốt nghiệp THPT. Giáo viên đang tập trung trí lực để chăm lo cho học, do vậy khảo sát tiếng Anh nên chuyển sang dịp hè.
“Thêm cuộc thi là thêm lo lắng, mà lo lắng không cần thiết trong giai đoạn này. Sao không để đến lúc học sinh nghỉ hè đi rồi khảo sát thầy cô”, bạn đọc Trung Văn nêu.
Đồng quan điểm này, bạn đọc Dương Phạm cho rằng hiện nay, đang giai đoạn cuối học kỳ chuẩn bị cho học sinh ôn thi căng thẳng, Sở GD&ĐT lại làm thầy cô phải lo lắng việc khảo sát tiếng Anh, có thực sự cần thiết?
Chia sẻ với VietNamNet, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Ngữ văn, trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cho hay lúc đầu nghe thông tin khảo sát trình độ tiếng Anh, bản thân thầy cũng khá hoang mang.
Tuy nhiên, sau khi Sở GD&ĐT giải thích việc này không phải kiểm tra trình độ cá nhân, kết quả không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác như đánh giá thi đua, xét lương, kỷ luật hay các mục đích cá nhân khác… thầy Bảo thấy việc này khá tốt.
“Điều này không làm khó chúng tôi mà còn phù hợp để có dữ liệu làm cơ sở xây dựng chương trình hỗ trợ giáo viên. Qua khảo sát, chúng tôi cũng được kiểm tra trình độ tiếng Anh miễn phí”, thầy Bảo nói.
Điều thầy Bảo băn khoăn là khảo sát hình thức online nên sẽ có những giáo viên làm với tâm lý không nghiêm túc, làm cho có hoặc có những giáo viên không giỏi tiếng Anh nhưng không hiểu đúng mục đích khảo sát, nhờ người khác làm giúp, điều này ảnh hưởng đến tính chính xác kết quả.
![]() |
Giáo viên và học sinh TP.HCM kỳ thi tuyển sinh đầu cấp: Ảnh: Nguyễn Huế/VietNamNet. |
Giáo viên không phải lo lắng
Trước sự lo lắng của giáo viên, VietNamNet đã liên hệ với Sở GD&ĐT TPHCM về việc này.
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT, khẳng định khảo sát tiếng Anh để lấy số liệu do vậy giáo viên thực hiện lúc nào trong ngày cũng được.
Còn tại sao là thời gian này, việc thực hiện khảo sát phải theo kế hoạch để đánh giá được tác động thực tiễn, bàn giao cho bộ phận tiếp theo xây dựng đề án từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Theo ông Minh, Sở GD&ĐT thực hiện khảo sát vì muốn nhìn nhận thực tế rằng TP.HCM có khả năng triển khai được đề án đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học hay không.
Do vậy, phải đánh giá được hiệu quả thành phố triển khai ra sao. Khi bắt tay vào triển khai thì trình độ giáo viên đạt như thế nào. Ví dụ, xây dựng bao nhiêu tiết học Tiếng Anh trong trường, tổ chức hoạt động nào bằng tiếng Anh, cần phải có các góc nhìn tổng thể, tính toán số liệu dựa trên phân tích khoa học.
Ông Minh khẳng định việc khảo sát có kế hoạch đàng hoàng, giáo viên tiểu học, THCS, THPT công lập đều phải tham gia, nhưng không nên lo lắng.
“Các thầy cô chỉ mất 90 phút để thực hiện khảo sát này. Chúng tôi không yêu cầu giáo viên phải ôn tập, ôn luyện hay dành nhiều thời gian. Thầy cô cứ vào link khảo sát và thực hiện. Thực hiện tới đâu thì nhận kết quả tới đó.
Sở GD&ĐT không đánh giá kết quả của thầy cô mà sử dụng làm cơ sở khoa học, phân tích hiện trạng trình độ tiếng Anh của giáo viên TP.HCM đạt tới đâu”, ông Minh nói và cho hay kết quả khảo sát là căn cứ để xây dựng đề án từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Giáo viên sẽ nằm trong nội dung đào tạo bồi dưỡng hoặc tổ chức giảng dạy tiếng Anh và hoạt động tiếng Anh trong nhà trường như thế nào.
“Do vậy, giáo viên không phải đắn đo, lo nghĩ, hãy giành 90 phút để hoàn thành bài khảo sát", ông Minh nói.
Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cũng dự liệu sẽ có những giáo viên không tham gia khảo sát vì họ đã lớn tuổi, còn 5- 0 năm nữa nghỉ hưu.
Khi xây dựng xong đề án, họ có thể gần tuổi hưu trí, do vậy, sở sẽ phải tính tới phương án khảo sát những người kế cận.
Ngoài giáo viên, sắp tới Sở GD&ĐT cũng tiến hành khảo sát học sinh lớp 9 và 11 để thực hiện chuẩn đầu ra. Ngoài ra, sở cũng sẽ lấy dữ liệu về cơ sở vật chất, chương trình tiếng Anh tích hợp, chương trình tiếng Anh tăng cường để nghiên cứu, xây dựng đề án khoa học, hiệu quả.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.