Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Số lượng F0 ở TP.HCM giảm, vì sao ca tử vong còn cao?

Theo báo cáo của Sở Y tế, nhiều trường hợp tử vong tại TP.HCM là bệnh nhân rất nặng từ các tỉnh khác chuyển về đây điều trị.

Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết tại cuộc họp báo thông tin tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, chiều 25/11.

Nguyên nhân

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết do số ca bệnh mới vẫn còn có xu hướng tăng nhẹ nên lượng F0 tử vong vẫn chưa giảm nhiều. "Thống kê cho thấy trong số F0 tử vong, chủ yếu là người trên 65 tuổi, người chưa được tiêm vaccine", bà Mai nói.

Phóng viên đặt câu hỏi vì sao số lượng F0 hiện giảm mạnh, tỷ lệ tử vong vẫn cao tương đương giai đoạn đỉnh điểm hồi tháng 7, tháng 8.

Về vấn đề này, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho rằng việc tính toán đơn thuần dựa trên số ca tử vong và tổng ca bệnh nặng là chưa phù hợp. Nguyên nhân là việc tính toán tỷ lệ này quan trọng nhất là mẫu số. Bởi một bệnh nhân nặng có thể điều trị trong thời gian dài nên không thể lấy số người nhập viện chia cho số ca tử vong trong ngày để suy ra tỷ lệ.

ty le tu vong cao o TP.HCM anh 1

Bên trong khu điều trị người bệnh Covid-9 tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 - Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Chí Hùng.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, phân tích các trường hợp tử vong cho thấy số lượng không nhỏ là bệnh nhân rất nặng từ các tỉnh khác chuyển về đây.

"Đây là vấn đề hỗ trợ các tỉnh nên TP.HCM không thể từ chối. Tuy nhiên, do những ca bệnh rất nặng, tuyến điều trị đã cố gắng nhiều nhưng đa phần không qua khỏi", bác sĩ Mai nói.

Nguyên nhân thứ 2 là số lượng bệnh nhân tử vong do mắc nhiều bệnh nền, khi kèm thêm Covid-19 thì diễn biến suy đa cơ quan rất nhanh. Điều này khiến nhân viên y tế dù nỗ lực nhiều nhưng người bệnh không qua khỏi.

"Cuối cùng là vấn đề nhiều người bệnh Covid-19 chưa tiêm vaccine, số lượng này chiếm tỷ lệ lớn. Trong đó, người già trên 65 tuổi chiếm số lượng không nhỏ", bà Mai nói thêm.

Liên quan tình hình số lượng F0 vẫn tăng nhẹ, Sở Y tế TP.HCM đã tham mưu UBND nhiều giải pháp, chiến lược, quy chế phối hợp trong quản lý chăm sóc F0 tại nhà và công tác điều trị tại địa bàn quận, huyện.


Tăng cường phát thuốc Molnupiravir

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết ngành y tế TP.HCM thực hiện giải pháp "đánh chặn từ xa" với quyết tâm không để F0 trở nặng.

"Ngoài cố gắng giảm số ca mắc mới, mục tiêu của thành phố là giảm số ca nhập viện và tử vong. Muốn làm được điều này, việc chăm sóc F0 ngay từ đầu, khi mới phát hiện rất quan trọng, chiến lược này gọi là đánh chặn từ xa", ông Tâm nói.

Để phục vụ chiến lược này, ngành y tế đã nỗ lực quản lý chặt F0 lúc mới phát hiện, tiếp cận họ trong vòng 24 giờ để đánh giá tình hình, có biện pháp hỗ trợ kịp thời, cấp thuốc và hướng dẫn cách ly phù hợp.

Thứ 2 là chăm sóc F0 đầy đủ. Người bệnh không đủ điều kiện thì đưa vào khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến để chăm sóc đúng, phù hợp với tình trạng bệnh của F0.

ty le tu vong cao o TP.HCM anh 2

Một bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 6. Ảnh: Duy Hiệu.

Ngoài ra, ngành y tế cũng tăng cường cấp phát túi thuốc C (Molnupiravir). Loại thuốc này mang lại hiệu quả tích cực, rút ngắn thời gian điều trị, giảm triệu chứng nặng và nguy cơ tử vong. "Đây là giải pháp đánh chặn từ xa hiệu quả", ông Tâm nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, HCDC cũng phổ biến với các địa phương đảm bảo đường dây nóng hoạt động thông suốt, giúp người dân khi có việc cần thiết thì liên lạc được ngay.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc F0 đã cố gắng nhưng không liên lạc được với ngành y tế, ông Tâm khẳng định: "Mốc 24 giờ là chủ trương, mục tiêu là tiếp cận F0 sớm nhất, nhanh nhất. Qua giám sát, trường hợp không chấp hành đúng HCDC sẽ làm việc với địa phương để tháo gỡ khó khăn này".

Ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, nói thêm hiện thành phố có khoảng 57.000 F0 điều trị tại nhà. Quan điểm của thành phố là tất cả F0 phải được tiếp cận trạm y tế ở địa phương hoặc trạm y tế lưu động nhanh nhất để được hướng dẫn, nhận túi thuốc và tư vấn.

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng hiện số lượng nhân lực trạm y tế còn ít, có những phường chỉ 10 nhân viên y tế nhưng số dân lên đến 170.000 (nghĩa là một nhân viên y tế phục vụ 17.000 dân). Điều này có thể khiến nhân viên y tế chưa tiếp cận sớm F0 được.

Thành phố đang có nhiều giải pháp để tăng cường nhân lực cho trạm y tế lưu động và phường, xã. Thành phố cũng dự định có cơ chế, chính sách giúp lực lượng này có thêm điều kiện hoạt động như phối hợp Bộ Tư lệnh, Bộ Y tế cử thêm lực lượng quân y, dân y trực cùng nhân viên y tế.

"Thành phố sẽ cố gắng triển khai nhanh để giúp tuyến trạm y tế, giúp F0 được tiếp cận y tế sớm nhất", ông Hải nói.

Tính đến 18h ngày 24/11, TP.HCM có 461.389 F0 được Bộ Y tế công bố. Thành phố có 14.342 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, 578 trẻ em dưới 16 tuổi, 357 ca nặng đang thở máy, 10 người phải can thiệp ECMO, 59 ca tử vong. Tổng số mũi 1 đã tiêm đến nay là 7.890.985, mũi 2 là 6.415.954.


Điều gì xảy ra nếu F0 không khai báo với y tế địa phương?

Do lực lượng nhân viên tại trạm y tế có thời điểm quá tải và gián đoạn đường dây điện thoại, một số F0 không liên lạc được với y tế địa phương.

Dịch Covid-19

Hoàng Ân

Bạn có thể quan tâm