Khoảng một nửa thanh niên độ tuổi 18-29 đang sống cùng bố mẹ họ để tiết kiệm chi phí. Ảnh: Pexels. |
Dữ liệu gần đây từ Cục điều tra dân số Mỹ cho thấy gần một nửa thanh niên nước này, trong độ tuổi 18-29, đang sống cùng bố mẹ của họ. Đây là mức cao chưa từng thấy kể từ thời kỳ Đại suy thoái (1929-1939), nhà phân tích Morgan Stanley chia sẻ trong một ghi chú hôm 9/12.
Các nhà phân tích ước tính khoảng 48% thanh niên đang ở cùng nhà với phụ huynh vào năm 2022, mức tương tự được ghi nhận vào năm 1940, Insider đưa tin.
Tỷ lệ thanh niên sống ở nhà của bố mẹ họ đạt đỉnh 49,5% vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, theo dữ liệu được tổng hợp từ phân tích của Trung tâm nghiên cứu Pew, USA Today, Đại học Minnesota và nghiên cứu của Morgan Stanley.
Xu hướng người trẻ không dọn ra riêng được xem là tín hiệu đáng mừng đối với các nhà bán lẻ: sống cùng bố mẹ, những thanh niên này không tốn tiền thuê nhà, mua nhu yếu phẩm nên họ thoải mái chi thu nhập của mình cho các khoản phục vụ sở thích, đặc biệt là mua hàng xa xỉ.
"Tất nhiên, đây không phải lý do duy nhất khiến người tiêu dùng hàng xa xỉ ngày càng trẻ hóa ở phương Tây (có thể thấy mạng xã hội cũng đóng một vai trò quan trọng), nhưng chúng tôi thấy điều đó về cơ bản là tích cực đối với ngành", các nhà phân tích viết trong nghiên cứu của mình.
Việc người trẻ không ra riêng được xem là điều đáng mừng với ngành bán lẻ. Ảnh: Tim Douglas/Pexesl. |
Bên cạnh đó, các yếu tố như giá thuê bất động sản cao, đăng ký vào đại học và kết hôn muộn cũng là những lý do khiến ngày càng nhiều người chọn sống cùng bố mẹ thay vì chuyển ra ngoài.
"Khi được hỏi về động lực chuyển về sống cùng bố mẹ, 51% thanh niên nói rằng vì muốn tiết kiệm và 39% cho biết họ không có đủ tiền thuê nhà", kết quả khảo sát được công bố hôm 5/12 của PropertyManagement.com cho biết. Cuộc khảo sát này được thực hiện với 1.200 người Mỹ thông qua nền tảng trực tuyến Pollfish.
Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra ở Vương quốc Anh, nơi có khoảng 42% thanh niên sống cùng bố mẹ họ vào năm 2021. Đó là mức cao nhất được ghi nhận, dựa trên dữ liệu do Văn phòng Thống kê Quốc gia và nghiên cứu của Morgan Stanley tổng hợp từ năm 1996 đến nay.
Trong nửa đầu năm 2022, giá trị nhập khẩu đồng hồ Thụy Sĩ cao cấp vào Vương quốc Anh đã tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, tờ Guardian đưa tin vào tháng 6, trích dẫn dữ liệu từ Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sĩ.
Những chiếc đồng hồ có giá trung bình 6.000 bảng Anh, tương đương 7.400 USD theo tỷ giá hiện tại.
Thương hiệu cao cấp Burberry của Anh báo cáo doanh số bán hàng tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý kết thúc vào tháng 9.
Nhà sản xuất hàng xa xỉ LVMH - công ty sở hữu các thương hiệu bao gồm Dior, Tiffany, Moët Hennessy và Louis Vuitton - đã báo cáo doanh thu quý 3/2022 tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.
Một báo cáo của Insider Intelligence vào ngày 14/9 cho thấy lĩnh vực hàng xa xỉ ở Mỹ và Trung Quốc đã phục hồi sau Covid-19, nhưng những "cơn gió ngược" về kinh tế - như suy thoái kinh tế sắp xảy ra - sẽ đè nặng lên những người chi tiêu thuộc tầng lớp trung lưu.
Nhà có nhiều cột
Bình đẳng giới không phải là đưa phụ nữ ra khỏi nhà và đẩy đàn ông quay trở lại căn bếp. Xã hội nên là nơi mọi cá nhân được tôn trọng, tự do phát triển và đối xử bình đẳng bất kể thuộc giới tính nào. Mục Đời Sống giới thiệu tới độc giả cuốn Nghĩ bình đẳng, sống bình đẳng. Tác phẩm được hy vọng mang đến cho người đọc những nhận thức cơ bản về vấn đề bình đẳng giới và chất liệu cho các thảo luận về giới và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.