Iwao Hakamada là tử tù có thời gian chờ thi hành án lâu nhất thế giới. |
Iwao Hakamada (88 tuổi) đã bị tuyên án tử hình trong 46 năm cho đến khi được trả tự do vào năm 2014 trong lúc chờ xét xử lại. Cựu võ sĩ quyền Anh lần đầu tiên bị kết án vào năm 1968 vì tội giết 4 thành viên trong một gia đình.
Nhưng sau đó, nhiều nghi ngờ về bằng chứng bịa đặt và việc ép cung đã nảy sinh. Những người chỉ trích cho rằng hệ thống tư pháp Nhật Bản đang giam giữ nghi phạm như "con tin".
"Trong một thời gian dài, chúng tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến tưởng như vô tận này", chị gái của ông Hakamada, bà Hideko (91 tuổi) nói với các phóng viên vào tháng 7. "Nhưng lần này, tôi tin rằng mọi chuyện sẽ được giải quyết".
Trong khi đó, các công tố viên cho biết họ vẫn tin chắc rằng tội lỗi của ông Hakamada là "không còn nghi ngờ gì nữa".
Ông Hakamada là tử tù thứ 5 được xét xử lại trong lịch sử hậu chiến của Nhật Bản. Cả 4 trường hợp trước đều được minh oan.
Sau nhiều thập kỷ bị giam giữ, chủ yếu là trong phòng biệt giam, ông Hakamada đã yếu dần và đôi khi có vẻ như "sống trong thế giới tưởng tượng", theo lời luật sư chính của ông là Hideyo Ogawa.
Trả lời AFP năm 2018, ông Hakamada cho biết cảm thấy mình đang "chiến đấu mỗi ngày" để được tuyên trắng án. "Một khi bạn nghĩ rằng mình không thể chiến thắng thì sẽ không có con đường nào dẫn đến chiến thắng cả", ông nói.
Máu và miso
Cựu võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp đã bị bắt vào năm 1966 vì bị cáo buộc giết giám đốc cấp cao của nhà sản xuất bột miso nơi ông làm việc cùng với vợ và hai đứa con đang tuổi thiếu niên của họ. Các nạn nhân được phát hiện bị đâm chết tại nhà riêng ở quận Shizuoka, sau khi ngôi nhà bị đốt cháy.
Ban đầu, ông Hakamada phủ nhận việc cướp và giết các nạn nhân, nhưng đã thú nhận sau cuộc thẩm vấn "tàn bạo" của cảnh sát, bao gồm cả đánh đập.
Tại phiên tòa xét xử, người này phản cung, không nhận tội giết người, cướp của và đốt phá.
Điểm mấu chốt của phiên tòa là bộ quần áo dính máu được tìm thấy trong một thùng miso - tương đậu nành lên men - một năm sau vụ giết người, được dùng làm bằng chứng buộc tội ông Hakamada.
Iwao Hakamada bị bắt vào năm 1966. |
Bên bào chữa cho rằng các điều tra viên có thể đã dựng chuyện này lên vì vết đỏ trên quần áo quá sáng, nhưng các công tố viên cho biết thí nghiệm của họ cho thấy màu sắc này là đáng tin cậy.
Sau khi được thả vào năm 2014, ông Hakamada bắt đầu sống với chị gái mình tại Hamamatsu, tỉnh Shizuoka. Trong hai tháng đầu tiên, bà cho biết em trai đi lại trong nhà như đang ở phòng giam.
"Mặc dù đã 10 năm trôi qua kể từ khi được thả, em tôi vẫn phải chịu đựng những hậu quả của việc bị giam cầm. Em tôi sống trong một thế giới ảo tưởng, cảnh giác với mọi người và trở nên khó chịu khi có người đến thăm nhà", bà Hideko cho biết.
Bà nói thêm em trai mình không thể ngủ được nếu tắt đèn. "Mặc dù em tôi đã hồi phục phần nào sau khi được thả ra, nhưng tâm trí vẫn chưa khỏe hẳn", bà nói.
Bước ngoặt
Mặc dù Tòa án Tối cao đã giữ nguyên bản án tử hình đối với ông Hakamada vào năm 1980, những người ủng hộ ông đã đấu tranh trong nhiều thập kỷ để xét xử lại vụ án.
Ông Hakamada đã ngồi sau song sắt gần nửa thế kỷ, trở thành tử tù chờ thi hành án lâu nhất thế giới. Bước ngoặt đến vào năm 2014 khi lệnh xét xử lại được đưa ra với lý do các công tố viên có thể đã cài cắm bằng chứng, và sau đó ông Hakamada được thả khỏi tù.
Những tranh cãi pháp lý bao gồm cả sự phản đối của các công tố viên khiến phiên tòa xét xử lại bị hoãn đến tận năm 2023.
Iwao Hakamada được thả tự do vào năm 2014. |
Các công tố viên một lần nữa yêu cầu mức án tử hình trong phiên tòa xét xử lại tại Tòa án quận Shizuoka, nhưng ông Hakamada có khả năng sẽ được tuyên trắng án vì phiên tòa xét xử lại chỉ được tổ chức khi có nghi ngờ đáng kể.
Theo luật tố tụng hình sự của Nhật Bản, việc xét xử lại được chấp thuận nếu có "bằng chứng rõ ràng cho thấy bị cáo không có tội".
Những người ủng hộ ông Hakamada và các nhóm nhân quyền cho rằng câu chuyện của người đàn ông 88 tuổi phơi bày quá trình tư pháp khiếm khuyết của Nhật Bản và sự tàn ác của án tử hình.
Ở Nhật Bản, tử tù được thông báo về việc treo cổ trước đó vài giờ.
Teppei Kasai, thành viên chương trình châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói rằng vụ việc này "chỉ là một trong vô số ví dụ về cái gọi là hệ thống 'công lý con tin' của Nhật Bản". "Những nghi phạm bị buộc phải thú nhận thông qua thời gian giam giữ dài và tùy tiện" và thường có "sự đe dọa trong quá trình thẩm vấn", ông nói.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.