Sáng 25/6, thông tin Châu Bùi bị quay lén trong nhà vệ sinh thuộc một studio ở quận 3 (TP.HCM) gây sốc trên mạng xã hội. Nữ influencer phát hiện chiếc máy quay lén giả đồng hồ được giấu bên dưới chiếc khăn trắng khi đang thay đồ.
Đáng nói, trước khi dùng căn phòng, ê-kíp Châu Bùi đã kiểm tra phần tường, gương (những nơi hay bị lắp camera) và không thấy gì bất thường. Đến khi đang thay đồ, vô tình nhìn về phía cây sắt trong góc toilet và thấy có vật thể hình tròn màu đen lấp ló dưới chiếc khăn trắng, Châu Bùi mới sinh nghi và phát hiện.
Trong trường hợp của Châu Bùi, cô may mắn khi cảnh giác và phát hiện kịp thời camera và tìm ra thủ phạm, hình ảnh cũng chưa bị tuồn ra ngoài. Tuy nhiên, rất nhiều phụ nữ không gặp may như vậy. Nỗi sợ hãi, ám ảnh thậm chí theo họ suốt thời gian dài.
Nỗi sợ bị "tung clip"
Ở Việt Nam, không ít nữ giới cũng phải chịu đựng nỗi ám ảnh từ những chiếc camera ẩn. Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Bảo Ngọc (20 tuổi, danh tính nhân vật được giữ kín để đảm bảo quyền riêng tư) cho biết không bao giờ quên được bản thân từng bị quay lén tại một cây xăng ở Nghệ An hồi tháng 2.
“Hôm đó mình và các bạn đang đi xe khách từ Huế về Hà Nội. Giữa đường, xe ghé vào cây xăng để khách đi vệ sinh. Bình thường mình cũng hạn chế đi vệ sinh ở chỗ lạ nhưng đi đường xa quá nên phải cố”, Bảo Ngọc kể lại. Theo cô, nhà vệ sinh ở cây xăng có hai phòng, được thiết kế theo kiểu “hở trên, thoáng dưới” (loại nhà vệ sinh chia thành từng khoang, cửa cách sàn 20-30 cm) và chỉ còn một phòng trống.
Tuy nhiên, khi đang thay nhau đi vệ sinh, một bạn nữ trong nhóm bất ngờ phát hiện một chiếc điện thoại màu đen đang được chìa sang từ phòng bên cạnh. Quan sát bên trong, cả nhóm hoảng hốt khi phát hiện một người đàn ông trung niên trong ngồi trên nắp bồn cầu.
“Chúng mình ngay lập tức gọi hỗ trợ và yêu cầu nói chuyện trực tiếp với người này. Lúc đó điện thoại hắn vẫn đang ở mục ‘Đã xóa gần đây’. Thật sự không biết là có xóa chưa hay đã gửi clip đi đâu rồi”, Bảo Ngọc nói thêm người đàn ông đó cũng là nhân viên ở cây xăng. “Dù 4 tháng rồi nhưng chúng mình vẫn sợ lắm vì không biết có bị tung lên đâu hay không”.
Nhiều phụ nữ trẻ ám ảnh khi trải qua việc bị quay lén ở nơi riêng tư. Ảnh minh họa: Do You-jin. |
Không chỉ ở nơi công cộng, nạn quay lén còn diễn ra ở chính nơi mà nữ giới đang sinh sống. Hương Giang (21 tuổi) hiện là sinh viên và đang ở trọ tại Hà Nội. “Khu trọ của mình ở gần một trường sư phạm nên có khá nhiều bạn nữ. Vô tình nó lại trở thành mồi ngon cho những tên biến thái”, cô nói.
Nữ sinh viên sư phạm cho biết mọi việc bắt đầu từ cuối tháng 10/2023 khi phía ngoài phòng trọ của nhiều bạn nữ thường phát ra âm thanh lạ, có khi còn bị cạy cửa lúc 2h sáng. “Chúng mình có nhờ chủ trọ kiểm tra camera nhưng khu vực đó lại bị che khuất nên phải bỏ qua”, Hương Giang kể.
Đỉnh điểm, trong một ngày đi làm về muộn, cô phát hiện bản thân bị nhìn trộm trong lúc đang tắm. “Lúc đó khoảng 21h, mình đang tắm thì nghe bên ngoài có một bạn nữ hô rằng có người nhìn trộm. Hình như hắn vừa móc được điện thoại ra khỏi túi”, cô nói thêm thủ phạm còn chối tội liên tục cho đến khi mọi người kiểm tra lại camera trong nhà.
“Hắn đe dọa việc này lộ ra sẽ không có lợi gì cho mình, vì mình là con gái, người xấu hổ sẽ là mình. May là mình kiên quyết làm cho ra lẽ bằng cách báo với công an và khiến hắn bị đuổi khỏi phòng trọ”, Giang tâm sự cô “sợ đến phát khóc” khi vừa biết bản thân bị nhìn trộm. “Nhớ lại thì mình vẫn thấy sợ, sợ bị trả thù, sợ lần nữa trở thành người bị quay lén ở nơi công cộng. Nếu hắn quay thành công thì mình lại sợ hình ảnh cá nhân bị ảnh hưởng”.
Quay lén, nhìn trộm được xem là một hình thức của quấy rối tình dục. Theo nghiên cứu của tổ chức Action Aid, tỉ lệ phụ nữ Việt Nam từng bị quấy rối là 87%, cao hơn Ấn Độ (79%), Campuchia (77%) và Bangladesh (57%).
Từ nhà vệ sinh đến trường học, bệnh viện, không nơi nào an toàn
Các nhà vệ sinh công cộng, phòng thay đồ như studio Châu Bùi làm việc là những địa điểm phổ biến và “lý tưởng” cho các tội phạm quay lén.
Đầu tháng 6 vừa qua, Mohamad Norhakim Mohd Ishkandar (26 tuổi, trợ lý điều hành tại nhà hàng The Garage, nằm trong vườn bách thảo Singapore) đột nhập nhà vệ sinh nữ ở nơi làm việc để quay video phụ nữ bên trong.
Norhakim là đặt chiếc iPhone 10 màu đen vào một trong các ngăn giữa thùng rác và chậu hoa, điều chỉnh vị trí camera để ghi hình người sử dụng nhà vệ sinh. Khi video quay được 48 phút, một thực khách vào nhà vệ sinh nữ cùng con đã phát hiện chiếc điện thoại.
Tháng 3/2023, 30 bệnh nhân, bao gồm nhiều người nổi tiếng, đã bị lộ video khi thay đồ và điều trị tại một phòng khám thẩm mỹ ở Gangnam (Hàn Quốc). Tổng cộng 31 video với dung lượng 1,5 GB, ghi lại cảnh thay đồ, điều trị của bệnh nhân, bị rò rỉ.
Đáng nói, theo JTBC, trang web lan truyền 31 video quay lén có khả năng phát tán cao, bởi người dùng chỉ cần tải lên hoặc tải xuống là có thể xem các video bất hợp pháp.
Camera ẩn có thể ở bất cứ đâu, từ trong thú nhồi bông đến bộ sạc điện thoại. Ảnh: ABC News. |
Tháng 11/2021, hiệu trưởng một trường tiểu học ở thành phố Anyang, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) bị bắt giữ vì lắp camera kích thước khoảng 2-4 cm trong nhà vệ sinh của giáo viên nữ. Tháng 5 cùng năm, một giáo viên trường trung học ở thành phố Seoul cũng phát hiện 2 camera ẩn được lắp trong nhà vệ sinh giáo viên nữ. Thủ phạm là một giáo viên nam cùng trường.
Không chỉ người lạ, thủ phạm của những vụ quay lén thậm chí có thể là người quen, thân thiết của nạn nhân. Tháng 6/2021, một phụ nữ Hàn Quốc bị chính sếp của mình theo dõi bằng camera quay lén, gắn trong chiếc đồng hồ ông tặng cô. Chiếc camera giấu kín đã truyền cảnh ở phòng ngủ của nữ nhân viên trong hơn một tháng tới điện thoại của vị sếp.
Cùng với chấn thương tâm lý kéo dài 1 năm, vụ việc còn khiến người phụ nữ cảm thấy ám ảnh khi ở trong phòng riêng của mình.
Các loại camera ngụy trang đồng hồ như trong vụ của Châu Bùi được bày bán công khai. Ảnh: Châu Bùi. |
Tại Trung Quốc, một cuộc điều tra bí mật từng cho thấy 8.000 clip và ảnh nhạy cảm đã được chia sẻ vào một nhóm Tencent QQ 900 thành viên trong vòng 20 ngày.
Các clip được lấy từ 24 camera ẩn đặt khắp Trung Quốc. Chỉ riêng tại tỉnh Hồ Nam, hàng nghìn camera an ninh bị hack, xâm nhập và điều khiển từ xa.
Năm 2021, một quản lý khách sạn ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam cho biết 80% phòng khách sạn ở thành phố này đã bị lắp camera quay lén. Những hình ảnh riêng tư được kẻ xấu rao bán công khai trên mạng xã hội hoặc thậm chí dùng để uy hiếp nạn nhân.
Việc có thể dễ dàng tìm mua các thiết bị quay lén, camera ẩn là một trong những lý do khiến loại tội phạm này gia tăng những năm gần đây.
Tại khu chợ điện tử Huaqiangbei ở Trung Quốc, khách hàng có nhu cầu thoải mái lựa chọn những chiếc camera được "ngụy trang" rất tinh vi dưới dạng bút, bật lửa, đồng hồ báo thức hay thậm chí giấu trong ổ điện.
Tại Việt Nam, các sản phẩm quay lén tương tự vụ việc của Châu Bùi được bán tràn lan trên một số trang thương mại điện tử, với giá từ vài trăm nghìn đến dưới 2 triệu đồng. Chỉ với vài thao tác, khách mua có thể dễ dàng tìm thấy mẫu máy ghi hình ngụy trang mình cần.
Dư luận ngày càng quan tâm
Quay lén hình ảnh riêng tư của người khác trở thành vấn đề bức xúc và khiến chính quyền nhiều nước đau đầu trong những năm gần đây. Không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm quay lén còn gây ra những tổn thất nặng nề về sức khỏe tinh thần cho các nạn nhân, nhất là khi nhiều người không biết mình bị quay lén cho đến khi hình ảnh bị phát tán trên mạng.
“Nhiều phụ nữ, trẻ em gái nói rằng họ luôn tránh dùng nhà vệ sinh công cộng, thấy bất an về sự tồn tại của camera ẩn ở mọi nơi. Nhiều phụ nữ cảm thấy lo sợ, không dám đi vệ sinh trong chính nhà mình. Không ít nạn nhân đã có ý định tự sát vì hoảng loạn", Heather Barr, thuộc tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, nói với Independent.
Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc từng phỏng vấn hơn 2.000 nạn nhân của việc quay phim bất hợp pháp và các tội phạm tình dục khác. 23% trong số đó muốn tự sát, 16% thậm chí đã lên kế hoạch tự tử và 23 phụ nữ thực sự có ý định tự tử. Đáng nói, không chỉ phụ nữ mà nam giới xứ củ sâm cũng có khả năng trở thành nạn nhân.
Một nhân viên giới thiệu cho khách hàng về sản phẩm giúp phát hiện camera ẩn ở Hàn Quốc. Ảnh: ABC News. |
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có số lượng tội phạm quay lén cao, cảnh sát nước này đã thành lập đơn vị điều tra tội phạm tình dục trên mạng ở tất cả tỉnh thành trên cả nước. Đồng thời, các vụ án dạng này sẽ được nữ điều tra viên thụ lý để giúp nạn nhân cảm thấy thoải mái hơn. Ngoài ra, nạn nhân cũng có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ trung tâm hỗ trợ.
Cùng với nhận thức ngày càng cao của người dân, sự quan tâm và các hoạt động phản ứng tội phạm quay lén cũng trở nên bùng nổ.
Theo công ty dữ liệu Sprout Social, các bài đăng trên mạng xã hội về camera ẩn đã tăng gần 400% trong hai năm qua. Rất nhiều bài báo với nội dung nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề này cũng liên tục được đăng tải, theo CNBC.
Cuộc khủng hoảng "molka" (quay lén, phát tán hình ảnh nhạy cảm, khiêu dâm) còn làm nổ ra nhiều phong trào biểu tình trên khắp Hàn Quốc. Tháng 8/2018, 70.000 người đã tuần hành ở Seoul với khẩu hiệu: "Cuộc sống của tôi không phải là phim khiêu dâm của bạn".
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.