Phải quyết định và hành động
- Nếu phải chọn những sự kiện nổi bật liên quan đến đời sống giới trẻ thời gian gần đây thì anh sẽ chọn những sự kiện nào?
- Chắc chắn là tôi sẽ chọn hai nhân vật: Vũ Xuân Tiến (Running Man) và Nguyễn Thành Trung (thủ khoa đầu vào của trường ĐH Bách khoa Hà Nội). Nguyễn Thành Trung đã từng là sinh viên của trường ĐH Sư phạm (được đào tạo để sau này trở thành giáo viên dạy Toán) nhưng khi vào học thì mới biết đấy không phải là ngành học mình yêu thích. Cậu quyết định xin nghỉ học để ôn thi vào trường ĐH Bách khoa, theo đuổi ước mơ kỹ sư công nghệ và kết quả đã đậu thủ khoa.
Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh. |
- Tại sao anh lại thích nhân vật này?
- Nhân vật này khiến tôi liên tưởng đến nhiều điều. Đầu tiên, thay đổi là hiện tượng bình thường trong tự nhiên. Việt Nam chúng ta thường quan tâm về lượng thay vì về chất. Mỗi cá nhân chỉ có khoảng 30-35 năm để làm việc và cống hiến. Một cách đơn giản, cống hiến bằng năng lực nhân thời gian. Trong trường hợp của bạn Trung, nếu học tiếp tại trường ĐH Sư phạm thì sẽ có 30 năm làm việc, dài hơn 4 năm so với học lại tại ĐH Bách khoa. Nhưng 30 năm làm việc với một nghề mà mình không yêu thích, không có khả năng, không đam mê chắc chắn sẽ tạo rất ít giá trị cộng thêm cho xã hội và cá nhân. Kết lại, tổng đóng góp là không có nhiều giá trị. Trường hợp sau, cá nhân này đã xác định lại và chấp nhận mất 4 năm nhưng anh sẽ có 26 năm làm việc hăng say và nhất định sẽ tạo ra nhiều giá trị cộng thêm cho xã hội và bản thân.
Tiếp đến, cuộc sống là phải quyết định và hành động. Khi chúng ta chỉ nói và suy nghĩ thì chúng ta đang phạm lỗi tệ hại nhất - không làm. Và chúng ta đã thất bại ngay khi chúng ta đang nói và suy nghĩ. Hành động có thể tạo kết quả sai nhưng còn tốt hơn rất nhiều vì nó cho phép chúng ta suy nghĩ, hoàn thiện, hiệu chỉnh và đi những hướng đi khác. Theo quan điểm của tôi, thành công tại Việt Nam lại dễ dàng hơn vì trong xã hội có quá nhiều người nói nhưng rất ít người làm.
Điểm thứ ba đó là tư duy dám đi ngược chiều. Trong thực tế, các bạn đi ngược chiều thì sẽ bị phạt. Tuy nhiên, trong cuộc sống, tư duy và làm ngược chiều nhiều khi mang lại những kết quả tốt. Quan trọng nhất đối với các bạn trẻ đó là cần phải hành động cùng với tư duy ngược chiều. Tư duy ngược chiều mà không hành động sẽ chỉ tạo dựng thương hiệu "chém gió" cho người trẻ.
- Học cái mình không thích (khi còn là sinh viên), làm cái mình không muốn (khi tốt nghiệp) có vẻ như là chuyện khá bình thường ở Việt Nam?
- Ở Việt Nam, chúng ta chưa làm và chưa khuyến khích con cái thực hiện hướng nghiệp đúng đắn. Xã hội và các phụ huynh thường giành lấy quyền lập trình phát triển cho con cái. Như vậy sẽ có bao nhiêu trường hợp các bạn sinh viên đang học tại các trường nhưng không đủ dũng cảm và nghị lực đi ngược lại nguyện vọng của cha mẹ mình.
Chúng ta hướng nghiệp không tốt đã làm lãng phí và vứt bỏ những năm tháng tốt đẹp và phù hợp nhất (19-23 tuổi) để các em theo học các nghề nghiệp phù hợp sở trường và khả năng của chính các em. Ai sẽ là người chịu hậu quả. Tất nhiên, chính là xã hội nhưng nhanh nhất, cụ thể nhất chính là các bạn sinh viên. Hiện tượng sinh viên phải tái đào tạo, mù nghề, thất nghiệp đang tồn tại rất nhiều trong xã hội chúng ta. Thêm nữa, rất nhiều bạn trẻ may mắn hơn có việc làm nhưng lại sống mòn với nghề nghiệp tại những vị trí mà họ không mong muốn hoặc không có khả năng. Xã hội lãng phí, gia đình lãng phí, cá nhân lãng phí, doanh nghiệp lãng phí nguồn lực quan trọng nhất và không thể lấy lại được: Thời gian.
Các bạn trẻ cần phải hiểu học đại học chính là tạo cho mình một nghề để nuôi sống chính bản thân mình. Các bạn cần phải có quyền tự quyết định số phận của mình thay vì để cho những người thân nhất như cha mẹ lập trình số phận. Một điều quan trọng, các bạn chọn lựa nghề nghiệp nào phải sống chết với nó. Chọn lựa nhưng không thực hiện cũng là con đường nhanh thứ hai dẫn tới thất bại. Nghề nghiệp nào, lựa chọn học tại cấp độ nào (đại học, cao đẳng, trung cấp nghề,…) cũng cần có thời gian, nỗ lực và cống hiến chuẩn bị cho nó mới có thể dẫn tới thành công bền vững và lâu dài.
Xây dựng thương hiệu bản thân
- Khi chúng ta đang trò chuyện như thế này thì Running Man Vũ Xuân Tiến, cũng đang có những ngày tuyệt vời tại Anh quốc. Anh nghĩ sao về hiện tượng này?
- Hiện tượng Running Man khá thú vị và có lẽ là độc nhất trong giới trẻ hiện nay. Theo tôi, nó mang ý nghĩa tích cực vì dường như không ít người trẻ đang nghĩ: Muốn nổi tiếng thì cần phải tai tiếng. Running Man thành công nhờ những việc làm hoàn toàn theo sở thích và tình cảm chân tình. Cái gì thật, chân tình và đúng chỗ sẽ tạo được hiệu ứng tốt. Running Man thành công không phải vì vụ lợi. Anh thực hiện từ tình yêu chân thành đối với đội bóng Arsenal.
Các bạn trẻ hay hỏi tôi làm cái này, tôi học cái này, tôi đóng góp cho công ty, tôi tuân thủ luật lệ, tôi học tiếng Anh… thì tôi được cái gì trong công tác và sinh hoạt. Suy nghĩ thực dụng đã tước đi những cơ hội cho rất nhiều bạn trẻ. Một chia sẻ chân tình cho các bạn trẻ khi các bạn làm những điều các bạn hay nói “phải làm” là các bạn đang “mua vé” và “xếp hàng” để thành công tới các bạn. Nếu các bạn không mua vé và xếp hàng thì rõ ràng các bạn đã tự tước vé của chính mình có cơ hội thành công.
- Giới trẻ Việt Nam có thể rút ra được những bài học gì từ hiện tượng này, thưa anh?
- Yêu không có nghĩa là trở thành fan cuồng, suy nghĩ và hành động lệch lạc khỏi những lề thói xã hội như hôn ghế thần tượng, nằm ra đường… Tình cảm có nhiều cách tích cực để thể hiện. Điều thứ hai, yêu và có tình cảm phải đi kèm với hành động. Trong cuộc sống, hành động tạo nên giá trị. Điều thứ ba là các bạn cần phải tập luyện bền bỉ để có thể có đủ năng lực và nội lực tận dụng cơ hội. Chắc rất ít bạn trẻ có đủ sức chạy được 5-6km. Và trong số bạn trẻ chạy 5-6km thì rất ít người bày tỏ tình cảm chân thực như “Running Man”. Thành công có nghĩa là cần chuẩn bị cho mình hàng năm để có cơ hội sẽ bừng sáng trong khoảnh khắc.
- Theo anh, cần xây dựng thương hiệu bản thân như thế nào cho đúng cách và hiệu quả?
- Thương hiệu bản thân không phải là những cái gì bạn mang trên mình, những hành động bạn thực hiện, những trạng thái cập nhật trên mạng xã hội hay những hình ảnh lố bịch và phản cảm trên truyền thông như các hiệu ứng mạng xã hội rẻ tiền những ngày gần đây. Thương hiệu bản thân là những gì trong suy nghĩ của những người khác nghĩ và nhớ về bạn sau khi tiếp xúc với hành động, hình ảnh, lời nói và hành động của các bạn. Thương hiệu bản thân cần phải phù hợp với tính cách hay nói cách khác bản chất thật của các bạn. Các bạn như thế này và chắc chắn các bạn không thể như thế khác khi truyền tải ra bên ngoài trong một thời gian dài. Sẽ có lúc con người thật các bạn lộ ra và toàn bộ những gì bạn xây dựng sẽ sụp đổ.
Thương hiệu bản thân cần phải bắt nguồn bền vững từ những thành tố tích cực. Các bạn hãy thử xem có thương hiệu nào trên thế giới có thể tồn tại và bền vững với những “thành tích” tai tiếng. Tai tiếng sẽ lan truyền rất nhanh, nhưng cũng sẽ giảm rất nhanh. Mỗi cá nhân chúng ta sẽ có xu hướng ghi nhớ những điều tốt đẹp lâu dài hơn những tai tiếng.
Thương hiệu bản thân cần một quá trình bền vững và thống nhất khi các bạn giao tiếp với toàn bộ thế giới bên ngoài. Giao tiếp đời thường, giao tiếp trong làm việc, giao tiếp trên facebook, mạng xã hội… Tất cả là con người bạn và phải được đồng nhất. Các bạn không thể là người chỉn chu tại công ty nhưng lại là một kẻ nổi loạn trên mạng xã hội
Thương hiệu bản thân sau khi xây dựng và hoạch định cẩn thận rất cần một show như “Running Man”. Các bạn hãy suy nghĩ sáng tạo để tìm ra một bối cảnh, một sự kiện, một hoạt động để tỏa sáng bản thân và khẳng định giá trị từ thương hiệu bản thân của mình.
- Nếu phải tạo ra một mối liên kết giữa hai nhân vật Vũ Xuân Tiến và Nguyễn Thành Trung, theo anh sẽ là mối liên kết gì?
- Sống thật với chính mình và hành động để tạo ra giá trị cho bản thân. Hãy sống thật, hãy ước mơ, hãy cống hiến, hãy dũng cảm đi “ngược chiều”, không ngại thay đổi, rồi thành công sẽ tới.