Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sợ thất nghiệp, Gen Z Trung Quốc chạy đua làm viên chức nhà nước

Từ chối mức lương hậu hĩnh ở các công ty tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài, nhiều người trẻ Trung Quốc cạnh tranh để được vào làm cho nhà nước.

Cha mẹ Janet Peng (20 tuổi) là doanh nhân lâu năm, từ trước tới nay họ đều vạch ra "quỹ đạo nghề nghiệp" cho các con.

Giống như nhiều thanh niên thuộc các gia đình trung lưu giàu có ở Thâm Quyến, nơi được xem là trung tâm tài chính và công nghệ của Trung Quốc, chị gái Peng đã ra nước ngoài học cao học ngay sau khi lấy bằng đại học vào năm 2014.

"Thời điểm đó, chị tôi và bố mẹ đều nghĩ rằng sự nghiệp lý tưởng là đi du học, sau đó làm việc tại một ngân hàng đầu tư Hong Kong hoặc Thâm Quyến trong ngành công nghiệp công nghệ tài chính", nữ sinh viên năm 2 nói với South China Morning Post.

Nhưng giờ đây, bố mẹ Peng đã thay đổi quan điểm, họ khuyến khích con gái tham gia cuộc thi công chức quốc gia, chị gái 30 tuổi của cô cũng đang học để thi.

nguoi tre muon lam nha nuoc anh 1

Ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc muốn vào làm cơ quan nhà nước. Ảnh: China Daily.

"Cha mẹ tôi tin rằng triển vọng nghề nghiệp ở cả khu vực tư nhân và công ty nước ngoài đều kém xa so với làm việc trong các cơ quan chính phủ hoặc các tổ chức được chính phủ hậu thuẫn. Cha tôi không muốn tôi du học vì ông cảm thấy khu vực tư nhân những năm gần đây ngày càng nhiều rắc rối, chi phí hoạt động tăng cao và nhiều rủi ro về chính sách".

Trong bối cảnh lo ngại về tác động của dân số già Trung Quốc đối với tăng trưởng kinh tế, cùng với mối quan hệ xấu đi giữa nước này với phương Tây, một lượng lớn người Trung Quốc đang đổ xô tìm các công việc nhà nước - được coi là mang lại nghề nghiệp ổn định và một loạt các lợi ích khác.

Kỳ vọng thay đổi

"Hơn 60% sinh viên tốt nghiệp trường đại học của tôi đã xin việc làm công vụ các cấp khác nhau và doanh nghiệp nhà nước trong năm nay", Peng Bolun, người có bằng thạc sĩ về tài nguyên môi trường, cho biết.

Ngày nay, những người trẻ thuộc Gen Z của Trung Quốc ít quan tâm đến việc làm cho các công ty tư nhân và nước ngoài hơn so với trước.

"Làm tư nhân quá mệt mỏi và khả năng thất nghiệp sau khi bước sang tuổi 35 hoặc 40 là rất cao. Công chức nhìn chung kiếm được nhiều hơn mức lương bình quân đầu người của địa phương, với nguy cơ thất nghiệp rất thấp và không có khủng hoảng việc làm ở tuổi trung niên. Họ cũng được nghỉ thường xuyên, chưa kể lương hưu và trợ cấp hưu trí cũng cao hơn nhiều so với người làm cho tư nhân", Peng nói.

nguoi tre muon lam nha nuoc anh 2

Hàng chục triệu người đang cạnh tranh để vào làm ở khu vực công. Ảnh: SCMP.

Một chức vụ sĩ quan cấp cơ sở tại chính quyền cấp thị trấn có thể được trả 160.000 nhân dân tệ (25.000 USD) một năm hoặc hơn, cộng với các quyền lợi.

Nhân viên chính thức của một phòng ban cấp huyện tại Thâm Quyến có thể kiếm được mức lương hàng năm hơn 300.000 nhân dân tệ.

Để so sánh, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Trung Quốc đạt 32.189 nhân dân tệ vào năm 2020, theo Cục Thống kê Quốc gia.

Hơn 2,12 triệu thí sinh đã đăng ký cho kỳ thi công chức quốc gia của Trung Quốc (được gọi là guokao) diễn ra trong tuần này. Con số này đã tăng mạnh so với 1,58 triệu hồ sơ năm ngoái hay 1,05 triệu năm 2009 và 125.000 năm 2003.

Năm nay, họ đang cạnh tranh cho khoảng 31.200 việc làm tại 75 cơ quan chính phủ trung ương và 23 cơ quan trực thuộc, tỷ lệ chọi là 1/68. Những người trúng tuyển sẽ bắt đầu công việc mới vào năm sau.

Đó chỉ là những người cạnh tranh cho các vị trí công vụ quốc gia. Nếu tính cả kỳ thi tuyển công chức cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì năm nay sẽ có khoảng 9 triệu người đăng ký, hầu hết là sinh viên mới ra trường.

Cuộc đua khốc liệt

“Hai năm qua, ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học đổ xô vào làm việc trong hệ thống chính phủ. Chưa thấy số liệu thống kê liên quan, nhưng những sinh viên sau đại học xuất sắc trong khoa của chúng tôi đều đã tham gia kỳ thi công chức hồi năm ngoái và năm nay, thay vì nhận lời mời từ các công ty công nghệ hàng đầu như nhiều người đã làm trong quá khứ", trưởng khoa kỹ thuật tại một trường đại học hàng đầu ở Quảng Đông, cho biết.

Ông nói thêm rằng một số sinh viên tốt nghiệp đã được các công ty công nghệ nổi tiếng như Huawei và Tencent trả 400.000 nhân dân tệ/năm, nhưng cuối cùng họ phải làm bạt mạng. So với trước đây, sự thay đổi lớn là sinh viên tốt nghiệp đang tìm kiếm công việc ổn định.

nguoi tre muon lam nha nuoc anh 3

Kỳ vọng về công việc của người trẻ Trung Quốc đã thay đổi.

Thực ra rất có thể những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi từ các trường đại học danh tiếng nhận được mức lương 1 triệu nhân dân tệ/năm sau 10 năm làm việc trong ngành công nghệ. Nhưng sinh viên ngày nay sẵn sàng từ bỏ con đường sự nghiệp đó để chuyển sang làm cho hệ thống chính phủ.

Trong quá khứ, một số ngành công nghiệp được trả lương cao, bao gồm cả công nghệ và giáo dục, được các sinh viên tài năng của Trung Quốc săn đón.

Những ngành công nghiệp này đã tuyển dụng hàng chục triệu người trẻ tuổi, ngay cả khi một số công ty bị chế giễu vì văn hóa làm thêm giờ của họ và sự phân biệt đối xử với những người lớn tuổi .

Tuy nhiên, năm nay đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong suy nghĩ của những người có bằng cấp từ các trường đại học danh tiếng của Trung Quốc, khi chính quyền trung ương mạnh tay đàn áp và có những quy định mới tác động sâu rộng đến các công ty tư nhân.

Du học sinh ít có cơ hội

Ngày càng nhiều phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu khuyến khích con cái theo đuổi sự nghiệp công chức, thay vì học tập và làm việc ở nước ngoài.

Ngay cả những du học sinh về nước sau khi tốt nghiệp cũng đang nhảy vào cuộc đua thi công chức, dù những người trong ngành nói rằng người du học hiếm có cơ hội trong cuộc cạnh tranh này.

Số lượng sinh viên Trung Quốc học tập ở phương Tây vẫn còn lớn, nhưng nhiều bậc cha mẹ kỳ vọng con số đó sẽ giảm, vì có thể tương lai sẽ khó trong việc đảm bảo việc làm lâu dài ở nước ngoài.

nguoi tre muon lam nha nuoc anh 4

Cuộc đua làm công chức cực kỳ khó khăn đối với du học sinh về nước.

Joan Deng, một luật sư ở Quảng Châu, nói: “Năm ngoái, tôi vẫn định đưa hai con trai đi du học trong vài năm, nhưng giờ tôi đã thay đổi quyết định. Tôi sợ chúng sẽ gặp rắc rối bởi tâm lý chống Trung Quốc nếu sống và học tập ở nước ngoài".

Bên cạnh đó, bà cho biết việc chính quyền trung ương đàn áp việc dạy tiếng Anh và các chương trình dạy thêm sau giờ học chắc chắn sẽ tác động đến nỗ lực chuẩn bị cho con cái đi du học của các gia đình trung lưu, đặc biệt là đối với những người sống ở thành phố hạng hai hoặc thấp hơn.

Zhang Jiuqing nằm trong số những người tìm kiếm cảm giác ổn định hơn trong cuộc sống và sự nghiệp. Cô gái 26 tuổi gốc Bắc Kinh đã chuyển về nước vào năm ngoái sau 2 năm học thạc sĩ ở Đức.

Tuy nhiên, cô thấy mình rất ít có khả năng cạnh tranh và khó đảm bảo việc làm trong khu vực nhà nước.

Sau khi trượt tất cả kỳ thi đã tham gia, bao gồm cả kỳ thi lấy chứng chỉ giáo viên, công chức và các kỳ thi khác cho doanh nghiệp nhà nước, cô dự định sẽ học và thi lại kỳ thi công chức hàng năm cho đến khi đậu hoặc bước sang tuổi 35 (giới hạn tuổi được dự thi).

Li Dongjie, người điều hành trung tâm đào tạo công chức Dongliang ở Thâm Quyến, cho biết: “Cả bài kiểm tra năng khiếu hành chính và bài luận đều yêu cầu ứng viên phải biết về các điều kiện phức tạp của quốc gia, cũng như sự thay đổi trong quản lý và chính sách công của chính quyền. Vì vậy, những người du học về nước thực sự không có lợi thế".

Tuy nhiên, một lượng lớn thanh niên và gia đình của họ sẽ làm bất cứ điều gì có thể để thành công trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Kế hoạch tài chính cho người trẻ

Đại dịch đã khiến nhiều người trẻ nhận thức được tầm quan trọng của việc lập kế hoạch tài chính cá nhân, cả về ngắn hạn và trong dài hạn.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm