Không được phép thực hiện
Được biết bà Lê Thị Huấn, từng là y tá trong quân đội, sau khi nghỉ hưu bà đến công viên Thống Nhất từ 6-8h sáng và từ 16-18h chiều mỗi ngày để cân nặng, đo huyết áp và thử đường huyết cho những người có nhu cầu. Khách của bà Huấn hầu hết là những người đi tập thể dục trong công viên. Dịch vụ của bà Huấn có giá 2.000 đồng cho một lần cân sức khỏe, 5.000 đồng đo huyết áp và 25.000 đồng cho một lần thử lượng đường huyết.Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết mặc dù đó là thiết bị y tế gia đình, chỉ phục vụ trong gia đình nhưng không vì thế mà làm tùy tiện đặc biệt không được phép mang ra kinh doanh.
Về nguyên tắc, các cơ sở hành nghề y dược tư nhân được phép hoạt động khi có đủ 3 loại giấy sau: người hành nghề phải có chứng chỉ hành nghề do sở y tế cấp; cơ sở phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo diện doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cá thể (do Sở Kế Hoạch và Đầu tư cấp hoặc UBND Quận/Huyện cấp) và Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề do sở y tế cấp.
Ông Cường cũng cho biết thêm, ngay trong chiều 25/5, Sở Y tế Hà Nội đã có ý kiến với phòng y tế và UBND quận Hoàn Kiếm kiểm tra về trường hợp này đồng thời yêu cầu ngừng hoạt động.
Vị chánh thanh tra Sở Y tế cũng khuyến cáo, người dân không sử dụng những dịch vụ y tế không đảm bảo an toàn mà nên đến viện để được khám và tư vấn chính xác.
Bà Huấn đang "hành nghề" tại công viên Thống Nhất. (Ảnh: Vietnamnet) |
Chỉ mang tính chất tham khảo
Xung quan điểm này, ông Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho rằng, về nguyên tắc mỗi cá nhân (đặc biệt người bệnh đái tháo đường) đều có thể tự kiểm tra lượng đường trong máu (đường huyết) để có kế hoạch điều trị và ngăn ngừa các biến chứng lâu dài. Theo đó, người bệnh có thể kiểm tra lượng đường trong máu ở nhà với một thiết bị điện tử cầm tay (máy đo đường huyết) để đo mức đường trong một giọt máu nhỏ.
Tần suất kiểm tra phụ thuộc vào loại bệnh tiểu đường và kế hoạch điều trị của người bệnh. Đối với bệnh tiểu đường loại 1 nên kiểm tra lượng đường trong máu 4-8 lần một ngày. Người bệnh có thể cần phải kiểm tra trước khi ăn và đồ ăn nhẹ, trước và sau khi tập thể dục, trước khi đi ngủ, và thỉnh thoảng vào ban đêm. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể cần phải kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên hơn nếu bị bệnh hay thay đổi thói quen hàng ngày hoặc bắt đầu một loại thuốc mới.
Với bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2 dùng insulin để quản lý bệnh thì người đái tháo đường nên kiểm tra lượng đường trong máu hai hoặc nhiều lần trong ngày, tùy thuộc vào loại và lượng insulin cần thiết. Việc kiểm tra phải được thực hiện trước bữa ăn và đôi khi trước khi đi ngủ.
Ông Dương cũng nhấn mạnh, với người chưa từng kiểm tra đái tháo đường thì việc test lượng đường trong máu chỉ có giá trị khi đói vì thế chúng tôi thường khuyến cáo người bệnh đến viện kiểm tra sau khi ăn khoảng 8h.
Với trường hợp bà Lê Thị Huấn hành nghề tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) ông Dương cho biết chưa mục sở thị tuy nhiên có những vấn đề mà cần phải lưu tâm. Thứ nhất, máy đo đường huyết mà bà Huấn hành nghề có đảm bảo chất lượng hay không? Thứ hai, người thực hiện ( bà Huấn – Pv) có chuyên môn hay không? Và điều thứ ba là các que thử có còn hạn sử dụng hay không?
“Ba yếu tố trên quyết định khá nhiều kết quả xét nghiệm. Bởi nếu người thực hiện lấy máu chọc không đủ chuẩn dịch ra nhiều thì lượng đường gluco sẽ không chính xác. Hơn nữa, trước khi tiến hành lấy máu, người bệnh bao giờ cũng được nhân viên y tế sát khuẩn tại vị trí lấy máu, không biết thao tác này có được thực hiện ở công viên hay không?” – ông Dương nói.
Ngoài ra, ông Dương cũng nhấn mạnh, ngay cả khi người dân thực hiện ở nhà dưới sự tư vấn kỹ càng của nhân viên y tế thì kết quả xét nghiệm máu này cũng chỉ mang tính chất tham khảo, làm căn cứ để người bệnh mang đến các cơ sở y tế của nhà nước xác định có nguy cơ mắc đái tháo đường hay không, hoặc đưa ra phác đồ điều trị hợp lý (cho người đã mắc đái tháo đường). Vì thế, ông Dương khuyến cáo người dân không nên vì tiện lợi, giá thành rẻ mà sử dụng cách xét nghiệm dạo như thế.