Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Sở Y tế TP.HCM lý giải tình huống người tiêm vaccine vẫn mắc Covid-19

Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, biến chủng Delta có khả năng vượt qua sự bảo vệ của kháng thể, do đó, người tiêm 2 mũi vaccine vẫn có tỷ lệ nhiễm bệnh.

Tối 12/11, chương trình Dân hỏi - Thành phố trả lời bàn luận về chủ đề "Phòng, chống dịch Covid-19 khi tình hình có dấu hiệu phức tạp trở lại".

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM và TS.BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 6, tham gia trả lời các câu hỏi của người dân.

Số ca F0 ở TP.HCM tăng trở lại

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết số ca mắc Covid-19 mới ở TP.HCM trong 2 tuần vừa qua ở các quận, huyện bắt đầu tăng dần.

Trong tuần vừa qua, 5 quận, huyện có số ca tăng cao nhất là Bình Chánh, Hóc Môn, Bình Thạnh, TP Thủ Đức và quận 12.

Sở Y tế TP.HCM đang liên tục theo dõi hàng ngày số ca mắc trên tất cả địa bàn để kịp thời cử đội đặc nhiệm của HCDC xuống hỗ trợ cho Ban chỉ đạo quận, huyện, qua đó kịp thời phát hiện ổ dịch, cách ly, tách F0 khỏi cộng đồng để tránh tình trạng lây lan nhiều hơn.


"Sở Y tế TP cũng đang theo dõi sát ca nhập viện, bệnh nặng, tử vong để theo dõi diễn tiến xem có dấu hiệu bất thường hay không và tham mưu cho UBND TP hướng giải quyết nếu chẳng may dịch phức tạp trở lại", TS Vĩnh Châu nói.

TS.BS Phan Minh Hoàng cũng cho biết thêm tại Bệnh viện dã chiến số 6 (An Khánh, TP Thủ Đức), những ngày qua, số lượng F0 nhập viện tại đơn vị này cũng tăng dần.

Ngày 12/11, bệnh viện tiếp nhận 658 ca F0 nhập viện, nhiều nhất ở TP Thủ Đức, quận 1, quận 4, Bình Thạnh. Trước đó (sau ngày 1/10), số lượng này ở chỉ dao động ở mức trên dưới 400 ca.

dich Covid-19 bung phat o TP.HCM anh 1

TS.BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 6. Ảnh: Duy Hiệu.

Lý giải nguyên nhân số ca F0 tăng trở lại, TS Vĩnh Châu cho biết với tốc độ lây nhiễm nhanh chóng của biến chủng Delta, trong điều kiện TP.HCM có nhiều người lao động, dân cư đông đúc, điều kiện giãn cách, cách ly không đảm bảo, từ đó khiến dịch lan rộng và ăn sâu vào trong cộng đồng.

Khi tỷ lệ tiêm vaccine đạt mức độ cao và năng lực của hệ thống điều trị đủ sức đáp ứng nhiều kịch bản bùng phát dịch, thành phố chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn với Covid-19.

"Sống chung với virus SARS-CoV-2 chứ không phải sống chung với dịch. Số ca F0 hiện nay tăng cũng là kết quả tất yếu khi mở cửa", bác sĩ Châu nói.

Không chủ quan dù đã tiêm vaccine

Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, khi tiêm đủ 2 liều vaccine, cơ thể sẽ có đề kháng với Covid-19.

Với một số bệnh nhiễm trùng khác, vaccine có thể giúp miễn nhiễm hoàn toàn. Tuy nhiên, với Covid-19, do virus biến chủng, đặc biệt là biến chủng Delta có khả năng vượt qua sự bảo vệ của kháng thể. Do đó, người tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn có thể bị nhiễm.

"Người tiêm đủ liều vaccine vẫn có tỷ lệ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nếu F0 đã tiêm đủ liều vaccine bị nhiễm, khả năng có triệu chứng rất ít, ngay khi có triệu chứng thì tỷ lệ bệnh nặng, cần thở máy xâm lấn, ECMO cũng rất ít", ông nói.

dich Covid-19 bung phat o TP.HCM anh 2

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, không riêng Việt Nam, tất cả số liệu trên thế giới đều chứng minh điều này.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: "Nói như vậy, không có nghĩa là tiêm vaccine thì miễn nhiễm với Covid-19 hay không bệnh nặng. Bởi vẫn có tỷ lệ nhỏ diễn biến nặng, tử vong, đặc biệt ở người có cơ địa suy yếu, không có miễn dịch, người cao tuổi".

Phân tích số liệu bệnh nhân Covid-19 tử vong những ngày qua, TS Vĩnh Châu cho biết đa số trường hợp này là người lớn trên 65 tuổi, có bệnh nền, có một số người bị tai biến, nằm một chỗ thời gian dài. Một nửa trong số này chưa tiêm vaccine Covid-19.

Về trường hợp người lớn tuổi đã tiêm vaccine và bệnh nặng, TS Châu lý giải cơ địa của người lớn tuổi thường đáp ứng miễn dịch kém hơn, do đó, họ vẫn có nguy cơ tử vong.

"Nếu F0 tăng thì ca nặng sẽ tăng lên theo tỷ lệ tương ứng. Tuy nhiên, ở thời điểm này, số lượng bệnh nặng và tử vong sẽ giảm hơn rất nhiều so với trước đây", bác sĩ Châu nói thêm.

Từ câu chuyện người đã tiêm vaccine vẫn mắc Covid-19, TS Vĩnh Châu kết luận người dân không được chủ quan dù đã tiêm đủ liều vaccine. Với Covid-19, biện pháp ngăn ngừa tốt nhất vẫn là giãn cách, khẩu trang, thường xuyên rửa tay, tránh chạm vào bề mặt sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng nhấn mạnh thêm Covid-19 là bệnh truyền nhiễm và đường lây truyền qua hô hấp. Do đó, nếu giữ khoảng cách, đeo khẩu trang thì số ca F0 hiện nay có lẽ sẽ không tăng quá cao. Điển hình tại các hàng quán ăn uống, người dân tụ tập đông đúc, chỉ cần một người là F0 thì sẽ lây cho rất nhiều người khác.

Ngày 12/11, thêm 1.388 trường hợp nhiễm mới được ghi nhận tại TP.HCM. Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, thành phố đã có tổng cộng 441.786 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố.

HCDC nhận định dịch Covid-19 trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới có thể tăng nếu chúng ta lơ là, chủ quan.

Để TP.HCM tiếp tục được an toàn trong trạng thái bình thường mới, mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch sau khi đã tiêm đủ liều vaccine, nhất là biện pháp 5K.

Xử lý thế nào khi trẻ gặp phản ứng sau khi tiêm vaccine Covid-19? Theo bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, sau khi tiêm vaccine Covid-19, trẻ có thể gặp một số phản ứng phụ tương tự người lớn.

Hiểu đúng về việc F0 tử vong dù đã được tiêm vaccine Covid-19

Theo các chuyên gia, vaccine khiến việc lây lan giảm đi chứ không thể ngăn chặn triệt để. Nó cũng giúp người bệnh tránh bị nặng chứ không phải miễn nhiễm với nCoV.

TP.HCM có F0 tử vong dù đã tiêm vaccine, người dân không được chủ quan

Thời gian gần đây, những người mắc Covid-19 tử vong dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ở TP.HCM đều trên 50 tuổi, có bệnh nền.

Dịch Covid-19

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm