Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Đậu mùa khỉ

Sở Y tế TP.HCM: Số ca mắc đậu mùa khỉ sẽ không nhiều

Theo các chuyên gia, đậu mùa khỉ không lây dễ dàng và nhanh như bệnh qua đường hô hấp. Bệnh có thể tự khỏi nên chúng ta không cần tiêm chủng đại trà vào thời điểm này.

Chiều 4/8, tại cuộc họp báo buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM tháng 7, bác sĩ Socorro Escalante, quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết cơ quan này không khuyến cáo sử dụng vaccine tiêm đại trà cho người dân.

Trường hợp có thể tiêm vaccine đậu mùa khỉ

Việc tiêm chủng vaccine đậu mùa khỉ có thể được tiến hành cho các nhóm trường hợp như sau:

- Người đã tiếp xúc với người bệnh - tiêm phòng sau phơi nhiễm.

- Người hỗ trợ các trường hợp mắc bệnh - tiêm chủng chủ động cho nhóm này để phòng ngừa lây nhiễm (nhân viên y tế, nhân viên làm việc tại các phòng xét nghiệm).

"Hiện tại, căn cứ trên sự rủi ro, lợi ích, cộng thêm virus đậu mùa khỉ không dễ lây lan, bệnh có thể tự khỏi nên chúng ta không cần tiêm chủng đại trà vào thời điểm này", ông Socorro Escalante nói.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cũng cho hay Bộ Y tế đã có Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người tại QĐ số 2099/QĐ-BYT ngày 29/7, cơ quan này sẽ phổ biến đến các cơ sở y tế triển khai thực hiện.

Trong đó, 3 nhóm bệnh nhân cần lưu ý là trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và người suy giảm miễn dịch phải theo dõi sát để cho nhập viện sớm, hạn chế nguy cơ tiến triển nặng.

Bệnh đậu mùa khỉ không lây dễ dàng và nhanh như các bệnh lây qua đường hô hấp. Do đó, số ca mắc sẽ không nhiều. Các trường hợp ban đầu được chẩn đoán xác định nên được theo dõi tại các khoa cách ly của bệnh viện. Người bệnh sẽ được chăm sóc tốt tại cơ sở y tế.

tiem chung vaccine dau mua khi anh 1

Phân tử virus gây bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Science Photo Library.

Bộ Y tế cho biết chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ trong nước. Tuy nhiên, trong phát biểu mới đây, quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan thừa nhận nguy cơ đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam là hiện hữu.

Dù vậy, các chuyên gia vẫn đánh giá nguy cơ để đậu mùa khỉ trở thành một đại dịch với quy mô và mức độ như Covid-19 là không nhiều.

Tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 là cần thiết

Về tình hình dịch Covid-19, gần đây, số ca mắc và nhập viện tại TP.HCM có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, thành phố đã ghi nhận trường hợp mắc biến thể BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron SARS-CoV-2.

Sở Y tế TP.HCM cho rằng với sự xuất hiện của các biến thể mới, việc gia tăng số ca mắc mới là điều tất yếu. Biến thể phụ BA.4, BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2 đã ghi nhận tại nhiều quốc gia. Chúng cũng đang làm gia tăng số ca mắc ở nhiều nước trên thế giới. Như vậy, số ca mắc sẽ gia tăng.

Để bảo vệ cộng đồng, đại diện Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh việc đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine Covid-19 các mũi nhắc lại là cần thiết. Cơ quan này cũng yêu cầu cần tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động, khuyến khích người dân mang khẩu trang, vệ sinh khử khuẩn khi tiếp xúc với nhiều người.

Khi có triệu chứng nghi ngờ, người dân nên kiểm tra xét nghiệm. Nếu dương tính, bệnh nhân tự cách ly nhằm hạn chế lây lan cho người khác. Nhóm bệnh nhân nguy cơ cũng cần được bảo vệ theo các hướng dẫn của ngành y tế.

Không bán thuốc Tamiflu cao hơn giá niêm yết

Ngoài việc số ca mắc Covid-19 gia tăng, nguy cơ từ bệnh đậu mùa khỉ, TP.HCM còn đối mặt với dịch cúm A tiếp tục lây lan, tình trạng tăng giá thuốc Tamiflu trên thị trường. Đồng thời, đây là thuốc bắt buộc bán theo đơn, nhưng nhiều người dân vẫn tự ý đi mua về dùng, dù bác sĩ đã cảnh báo nguy hiểm.

tiem chung vaccine dau mua khi anh 2

Bệnh nhi cúm A được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC.

Trao đổi với báo chí, Sở Y tế TP.HCM cho biết ngày 1/8, cơ quan này đã ban hành công văn số 5182/SYT-NVD về việc đảm bảo cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị cúm mùa.

Theo đó, Sở Y tế chỉ đạo Phòng Y tế các quận, huyện tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược và người dân về việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị cúm theo đúng quy định.

Các cơ sở kinh doanh thuốc phải thực hiện nghiêm quy định về quản lý giá thuốc (niêm yết giá thuốc và bán không cao hơn giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá bán buôn đã kê khai, kê khai lại đang có hiệu lực), không lợi dụng tình hình bệnh để đầu tư, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi.

Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh các thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm, đặc biệt cúm A cần tăng cường. Bên cạnh đó, sở xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.

Thanh tra Sở Y tế sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm, đặc biệt với bệnh cúm A. Ngoài ra, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.

Nhầm lẫn về các triệu chứng Covid-19 kéo dài

Tình trạng Covid-19 kéo dài dường như ít phổ biến hơn dự tính. Song, nhiều người nhầm lẫn về khái niệm này trong khi nhóm thực sự bị bệnh không tìm đến sự trợ giúp.

Dịch Đậu mùa khỉ

Ngày 23/7/2022, Tổng giám đốc WHO công bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đáp ứng các tiêu chí đánh giá tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế theo Điều lệ Y tế quốc tế do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng. Nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng khu vực châu Âu là ở mức nguy cơ cao. Nhiều thông tin về bệnh cần được nghiên cứu và tìm hiểu thêm, đặc biệt là về phương thức lây truyền của virus. Độc giả xem toàn cảnh các bài viết về dịch đậu mùa khỉ dưới đây:

Tuệ Anh

Bạn có thể quan tâm