Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Son môi: Kẻ quyến rũ chết người

Đã là phụ nữ, hầu như ai cũng có vài thỏi son môi và son bóng trong hộp trang điểm. Chị em cần son để làm đẹp cho đôi môi và đó quả là một sự quyến rũ... chết người.

“Thương hiệu” hay “rởm” đều không an toàn

Theo Washington Post, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phát hiện hơn 400 sản phẩm son môi của một số nhãn hiệu mỹ phẩm nổi tiếng ở Mỹ bị nhiễm chì. Các nhà nghiên cứu tập trung vào son môi và son bóng, bởi người sử dụng hấp thu những sản phẩm này khi ăn với mức độ trung bình khoảng 24 mg mỗi ngày, với người sử dụng cao có thể ăn hơn 87 mg/ngày.

GS. Katharine Hammond, Đại học California - Berkeley - cho biết việc tìm ra kim loại trong son môi không có gì lạ, vấn đề là nồng độ của những kim loại đó. Một số kim loại mà nồng độ vượt quá mức cho phép gây nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng. Sử dụng ở mức trung bình sẽ dẫn đến tiếp xúc nhiều với crôm - một chất gây các khối u dạ dày. Sử dụng với tần suất cao dẫn đến tiếp xúc nhiều với nhôm, cadmium và mangan, mức mangan cao sẽ dẫn đến các vấn đề về hệ thống thần kinh.

Trong hơn 400 sản phẩm son môi tại Mỹ vừa bị phát hiện nhiễm chì, phần lớn là sản phẩm loại 2 - nghĩa là được sản xuất tại các nhà máy ở châu Á như Thái Lan, Trung Quốc...

Tac hai cua son moi anh 1
Những thỏi son trông rất bắt mắt bán tràn lan trên thị trường gây nên nhiều tác hại khó lường cho người sử dụng.

Rất nhiều thương hiệu nổi tiếng trong danh sách này hiện có bán tại Việt Nam như nhãn hiệu L’Oreal, Maybelline. Thông tin trên đang gây lo lắng cho nhiều phụ nữ bởi không phải chị em nào cũng có điều kiện sử dụng son môi của những nhãn hàng nổi tiếng sản xuất tại các quốc gia châu Âu hay Mỹ. Có thể nói ngay rằng, hiện nay có tới khoảng hơn 80% tín đồ dùng son hàng fake (hàng nhái).

Mới đây, nhân việc son môi kém chất lượng của Trung Quốc bị cơ quan chức năng Philippines phanh phui, PV đã thử làm một khảo sát nhỏ và giật mình, bởi chỉ có 14% trong số những người được hỏi cho biết họ chọn son kỹ và dùng son của những hãng nổi tiếng, chủ yếu là nhân viên văn phòng, ngân hàng và sinh viên có điều kiện. Còn số đông đều có thói quen mua son môi ở các hiệu tạp hóa, chợ sinh viên, thậm chí là cả hàng bán dạo và chỉ khoảng 5% là những người “nói không” với mỹ phẩm.

Khi được hỏi về những hệ lụy đến sức khỏe, phần lớn các bạn trẻ đều có những hiểu biết rất hạn chế, có lẽ do những thỏi son fake giá rất “mềm” mà hình thức lại khá đẹp mắt, nên không ít bạn trẻ đã “bán rẻ” đôi môi cho những thỏi son không nguồn gốc này.

Trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình

Nhiều chuyên gia trong ngành y, dược và thẩm mỹ đã lên tiếng khuyến cáo chị em nên cẩn trọng khi sử dụng son môi, vì đây là nguồn gây bệnh nan y rất nhanh đối với người sử dụng. Theo dược sĩ Nguyễn Thùy Hương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các loại mỹ phẩm có giá thành rẻ chắc chắn không chứa các chất bảo vệ da, do các hoạt chất này rất đắt tiền. Trong son môi, chì như một yếu tố vi lượng, giúp mỹ phẩm bền màu và lâu phai. Cho dù hàm lượng chì ít hay nhiều, kể cả trong phạm vi cho phép, nếu dùng lâu ngày cũng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Các nhà sản xuất có uy tín sẽ kiểm định một cách nghiêm ngặt lượng chì trong mỹ phẩm trước khi bán ra thị trường. Các quốc gia châu Âu, Mỹ luôn có những tổ chức thẩm định chất lượng mỹ phẩm nghiêm ngặt, và họ luôn khuyến cáo một số đối tượng cần thận trọng khi tiếp xúc với son môi như phụ nữ mang thai, trẻ em và thanh thiếu niên.

Đồng quan điểm trên, TS.BS. Nguyễn Hữu Sáu, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cũng cho rằng nhiều người chưa biết hết hậu quả của son nhiễm chì, bệnh nhân đến khám khi có biểu hiện sưng, ngứa, viêm da vùng môi mà không biết nguyên nhân dị ứng là do đâu. Việc sử dụng son có chì tuy không biểu hiện rầm rộ ngay nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Chì vào cơ thể theo đường hô hấp và tiêu hóa.

Nhiễm độc cấp tính có thể gây nôn, tiêu chảy. Lâu dài, người dùng dễ mắc các bệnh về răng lợi, thậm chí tích lũy lâu ngày ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như thần kinh, máu, dạ dày - đường ruột, tim mạch và thận. Nếu thường xuyên không lau son môi trước khi ăn uống, lượng chì bị nuốt vào dạ dày sẽ còn cao hơn nhiều, chất chì trong son môi phản ứng với các enzym có trong dạ dày, có nguy cơ gây nhiễu loạn, phá vỡ hoạt động hệ tiêu hóa. Nặng hơn nữa, độc tố từ son môi có thể tích tụ gây ung thư hoặc gây rối loạn sinh sản ở phụ nữ.

Bằng mắt thường không thể phân biệt son nào chứa chì hay không mà cần phải xét nghiệm, thông thường những loại son đậm màu chứa hàm lượng chì cao hơn. Vì vậy, tốt nhất vẫn nên hạn chế dùng son, trường hợp phải dùng nên sử dụng các loại son có thương hiệu uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, tránh mua sản phẩm trôi nổi. Nên đọc kỹ thông tin trên loại son và hạn sử dụng ghi trên vỏ sản phẩm.

Trong quá trình sử dụng son, không nên tiếp xúc nhiều với thức ăn, đồ uống. Hạn chế tô son nhiều lần trong ngày, đặc biệt là các loại son đậm màu và cần lau, rửa sạch kỹ bờ môi sau mỗi lần dùng son. Cần đặc biệt lưu ý, trẻ em tuyệt đối không dùng son môi hay son dưỡng. Nếu môi trẻ quá khô hoặc nứt thì có thể tăng cường uống nước hoặc dùng vaselin được bán trong các nhà thuốc, vừa rẻ vừa an toàn cho các bé.

5 sản phẩm làm đẹp gây hại da nếu lạm dụng

Son môi dạng lỏng, dầu gội khô, cọ tẩy trang là những loại sản phẩm làm đẹp phổ biến nhưng có thể gây hại cho da nếu bạn sử dụng chúng quá thường xuyên.

http://suckhoedoisong.vn/son-moi-ke-quyen-ru-chet-nguoi-n23476.html

Theo Trần Trung Việt / Sức Khỏe Đời Sống

Bạn có thể quan tâm