Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sơn nữ Tây Nguyên và hành trình thành tiến sĩ nổi tiếng ở trời Tây

Tới bây giờ, người dân khối 10 thị trấn Ea Đrăng vẫn cho rằng chỉ có phép lạ mới biến được cô bé H’Linh Hmơk đầu trần chân đất trên cao nguyên Ea H’leo trở thành một tiến sĩ Vật lý nổi tiếng tận bên kia bán cầu.

Chân dung nữ tiến sĩ Vật lý. Ảnh: Tiền Phong.

Sinh năm 1987 trong một gia đình nông dân Ê đê nghèo khó, thời thơ ấu của cô bé H’Linh Hmok là những tháng năm thiếu thốn mọi mặt.

Tuổi thơ dữ dội

Cảnh 4 anh chị em đói khổ phải đi xin từng mảnh giấy đóng lại thành vở viết chỉ chấm dứt khi H’Linh được nhận vào trường Phổ thông Trung học Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng.

Chế độ trợ cấp dành cho học sinh dân tộc thiểu số tuy ít ỏi, nhưng với H’Linh là cả sự đổi đời. Cô say mê học tập, thi đậu vào khoa Sư phạm Vật lý, Đại học Tây Nguyên.

Với thành tích học tập xuất sắc, chỉ sau một năm, H’Linh Hmok đã được Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT, cấp học bổng toàn phần để học ngành Vật lý tại trường Đại học Tổng hợp La Habana, Cu Ba. Câu chuyện của chị như một cuốn tiểu thuyết.

"Kỳ nghỉ hè năm nhất đại học, bố vừa qua đời thì mình nhận tin báo được chọn đi du học. Gia đình đang lúc khó khăn đến cùng cực. Tin mừng mở ra một cơ hội quý giá nhưng làm sao mình có thể đi, khi ngay đến tiền làm hồ sơ cũng không có?

Mùa hè ấy, mình đi dọn cỏ thuê ở các rẫy cà phê, cực quá mà tiền công chỉ 20 nghìn đồng một ngày. Mình khóc trong tuyệt vọng, nhưng rồi mình nghĩ đến bố, nghĩ về tương lai, nghĩ về ước mơ của mình. Không thể đầu hàng", TS H’Linh Hmok hồi tưởng.

Một buổi sáng, cô gái trẻ nói với mẹ: “Mẹ ơi, mẹ có thể vay giúp con một ít tiền để con lên phố được không?”.

Số tiền ít ỏi mẹ vay được chỉ đủ cho H’Linh đón xe đò vượt 100 cây số lên thành phố Buôn Ma Thuột. Cô nhịn đói vì không có tiền mua đồ ăn. Suốt ngày, cô gõ cửa khắp nơi xin giúp đỡ, nhưng ai cũng lắc đầu.

May sao, cô Mai Hoa Niê Kđăm - khi đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh - đã vận động được kinh phí từ UBND tỉnh để giúp H’Linh làm hồ sơ du học. Những lời tâm sự, động viên của cô Mai Hoa là bài học quý theo H’Linh đến tận bây giờ.

"Đó là lòng tự hào về cái tên của mình, về cội nguồn và về ý chí không bao giờ từ bỏ", nữ tiến sĩ nói.

Càng thiếu thốn, H’Linh càng thấm thía giá trị của tình yêu thương từ thầy cô, bạn bè và những người dân Cuba đã chia sẻ với mình từng chút nhu yếu phẩm.

H’Linh đã tốt nghiệp đại học loại giỏi tại Cu Ba, nhận tiếp học bổng toàn phần để học lên thạc sĩ và tiến sĩ. Chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Mexico từ tháng 5/2019. Hiện tại, chị nghiên cứu sau tiến sĩ với học hàm gần tương đương phó giáo sư.

"Mình đã học được cách không bao giờ bỏ cuộc, luôn vững vàng trước mọi sóng gió", TS H’Linh Hmok nói.

nu tien si Tay Nguyen anh 1

Cô H’Linh tại thư viện trường đại học. Ảnh: NVCC.

Thành tựu lớn nhất trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của chị tới thời điểm này là đóng góp vào nghiên cứu và phát triển các vật liệu ferroics và multiferroics không chứa chì, có thể thay thế các vật liệu chứa chì, vừa bảo vệ môi trường vừa có ứng dụng cao trong công nghệ.

Đây là hướng nghiên cứu nhằm giảm thiểu tác động độc hại của chì đối với sức khỏe con người và môi trường, đặc biệt trong các lĩnh vực như thiết bị điện tử, pin mặt trời và cảm biến thông minh.

"Mình đã có những cuộc trình bày nghiên cứu tại các hội nghị khoa học quốc gia và quốc tế, trao đổi kinh nghiệm về nghiên cứu vật liệu với các đồng nghiệp trên thế giới", chị chia sẻ.

Chị cho biết thêm mục tiêu của mình là “cải tiến vật liệu” nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, như vật liệu ferroics và multiferroics không chứa chì, để thay thế các vật liệu chứa chì hiện nay.

Chúng có thể ứng dụng trong nhiều công nghệ quan trọng như pin mặt trời, cảm biến, hoặc các thiết bị điện tử hiện đại. Công việc của chị không chỉ là lý thuyết mà còn bao gồm thực nghiệm, vừa thay thế các vật liệu độc hại, vừa tạo ra các công nghệ thân thiện với môi trường, cung cấp các giải pháp công nghệ an toàn, bền vững hơn trong tương lai.

Khao khát trở về

Chị tâm sự khi còn nhỏ, chị mơ được như chim trời, sải cánh bay cao để khám phá thế giới rộng lớn. Bây giờ, sau hơn 20 năm học tập, làm việc tại ba quốc gia và đặt chân đến hơn 20 nước, chị đã thấy dù bay xa đến đâu, cội nguồn vẫn luôn là nơi trái tim hướng về.

Ước mơ hiện tại của chị là dùng những kiến thức, trải nghiệm và tình yêu khoa học để phục vụ quê hương. Chị yêu việc giảng dạy, bởi nó không chỉ là chia sẻ tri thức mà còn là cơ hội khơi dậy ngọn lửa đam mê học hỏi trong mỗi người. Với chị, giáo dục là một hành trình không ngừng xây dựng và lan tỏa giá trị, và khoa học chính là ngọn đèn soi sáng hành trình ấy.

Trong tương lai gần, nữ tiến sĩ muốn tập trung vào phổ biến khoa học, kết nối tri thức với cộng đồng. Chị tin rằng khoa học không phải là những khái niệm khô khan mà là công cụ giúp mỗi người hiểu hơn về thế giới và bản thân. Đặc biệt, chị muốn mang tri thức đến gần hơn với các em nhỏ, những người sẽ xây dựng tương lai. Chị muốn được dạy miễn phí tiếng Tây Ban Nha cho các em, nếu có cơ hội.

Suốt hành trình học tập, làm việc tại các nước Cuba, Mexico và Tây Ban Nha, chị luôn cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc của câu hát "góc phố nào cũng thấy quê nhà" của Trịnh Công Sơn.

Dù đến bất kỳ nơi đâu, chị luôn mang niềm tự hào là một người con đất Việt. Từ cách ứng xử, lời ăn tiếng nói cho đến từng bước đi, chị luôn ý thức mình như một đại sứ nhỏ bé, mang hình ảnh quê hương ra thế giới.

Việc nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Quốc Gia Tự trị Mexico (UNAM) không chỉ là một niềm vinh dự lớn mà còn là dịp để chị khẳng định tình yêu và lòng tự hào với nguồn cội dân tộc. Chính tình yêu đó đã trở thành động lực thúc đẩy chị không ngừng phấn đấu mỗi ngày, trong việc kết nối hợp tác giáo dục giữa các trường đại học của Việt Nam và Mexico.

Nữ tiến sĩ muốn gửi đến các bạn gái có hoàn cảnh khó khăn một thông điệp: Xuất phát điểm không quyết định đích đến của bạn. Sự tự tin và lòng kiên trì chính là chìa khóa. Đừng sợ sự khác biệt, đừng để ai nói rằng bạn không thể làm được.

"Cái tên H’Linh Hmok của mình mang đậm dấu ấn văn hóa Êđê, và mình luôn tự hào khi giới thiệu nó với bạn bè quốc tế. Các bạn cũng vậy, hãy tự hào về bản thân, về nguồn cội, và dùng chính điều đó để tạo nên giá trị riêng", TS H’Linh Hmok chia sẻ.

"Là người con của Tây Nguyên, mình mong muốn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, đặc biệt là nữ sinh dân tộc thiểu số, để các bạn tin vào giáo dục, khoa học và khả năng thay đổi tương lai của chính mình. Hãy dám mơ lớn và hành động. Nếu không có cơ hội, hãy tự tìm hoặc tạo ra cơ hội. Nếu không có ai dẫn đường, hãy mạnh dạn bước đi trước. Mỗi bước nhỏ bạn đi hôm nay đều đưa bạn đến một tương lai tốt đẹp hơn", TS H’Linh Hmok chia sẻ.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Nữ sinh 'trường làng' trở thành thủ khoa thi học sinh giỏi Tiếng Anh

Ngô Thị Kim Anh, học sinh trường THCS Thanh Liệt (Thanh Trì, Hà Nội), không chỉ đoạt giải nhất mà còn khiến nhiều người bất ngờ khi là thủ khoa ở kỳ thi học sinh giỏi Tiếng Anh Hà Nội.

https://tienphong.vn/son-nu-tay-nguyen-va-hanh-trinh-thanh-tien-si-vat-ly-noi-tieng-o-troi-tay-post1723093.tpo

Hoàng Thiên Nga / Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm