Cấm hát 6 tháng là thời gian quá dài?
Độc giả Jenny Lê chia sẻ: “Việc cấm Sơn Tùng ngừng hoạt động biểu diễn từ ngày 1/11-30/4/2015 có dài quá không? Nếu đây là hình phạt, tôi nghĩ cũng là cơ hội để anh có thời gian suy nghĩ và có bước đi tiếp theo đúng đắn, vững chắc hơn. Trong thời gian này anh nên sáng tác những ca khúc thật hay, mang phong cách riêng để trở lại mạnh mẽ, ấn tượng hơn trong lòng người hâm mộ”.
Thùy Dương đồng quan điểm với Lê về việc cấm Sơn Tùng diễn 6 tháng là hơi lâu. Cô cho rằng, nam ca sĩ là người có tài thật sự, những ca khúc anh sáng tác được nhiều người nghe đón nhận và khen ngợi.
Còn Văn cho rằng, Sơn Tùng M-TP ký hợp đồng khi 18 tuổi, liệu anh có đọc kỹ hợp đồng trước khi ký không? Số tiền "cậu bé" kiếm được cả cậu và công ty quản lý cùng chia nhau nhưng khi có chuyện không hay xảy ra chỉ mình cậu gánh chịu?
“Nhìn văn bản Sơn Tùng ký với Văn Production tôi cảm giác như công ty quản lý xem cậu ấy như một công cụ kiếm tiền. Khi cậu có chuyện không may, công ty lại không đứng ra lên tiếng bảo vệ. Họ chỉ biết ‘thu hoạch trứng gà’ mà không ‘chăm sóc con gà’”, Văn bức xúc.
Còn Vũ Lê nói, fan và khán giả không phải là người trong cuộc, không biết được chính xác sự việc ai đúng ai sai để có quyền lên tiếng phán xét. Anh nghĩ khi mâu thuẫn xảy ra nên xem xét nhiều khía cạnh bởi “một bàn tay vỗ không kêu”.
“Nếu Sơn Tùng làm sai, tất nhiên anh phải chịu hậu quả của việc mình làm. Còn bây giờ fan chưa biết rõ đã dùng lời lẽ nặng nề cho Sơn Tùng là không công bằng với anh. Tôi hy vọng mọi người dù có thích hay không vẫn nên có cái nhìn khách quan, đừng bênh vực nếu anh làm sai và đừng quá cay nghiệt. Lời góp ý thiện chí có thể giúp con người trở nên tốt hơn, còn những lời mang theo dao găm cũng có thể giết chết người khác”, Vũ Lê nhấn mạnh.
Có chút tiếng tăm muốn làm gì thì làm?
Bên cạnh những ý kiến bênh vực, bảo vệ Sơn Tùng M-TP, một số độc giả nhận xét việc được – mất là lẽ tất nhiên trong giới giải trí và giọng ca Nắng ấm xa dần thể hiện hành động của người trẻ tuổi, nông nổi và có chút tiếng tăm đã muốn quay lưng với nơi có ơn với mình. Độc giả Sakura Lưu nói, một ca sĩ trẻ muốn nổi tiếng, có tiền phải chấp nhận từ bỏ thời gian và nhiều thứ khác. Mô hình đào tạo ca sĩ nổi tiếng khắt khe của Hàn Quốc đang được giới trẻ Việt Nam hiểu rất rõ: ca sĩ tập luyện rất cực khổ để được xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên, mỗi ngày họ chỉ ngủ được vài tiếng nhưng không than thở, không tự ý bỏ show hay đóng phim vì như vậy là vi phạm hợp đồng. Một ca sĩ đã ký kết với công ty không thể tự ý muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng mà phải có thời gian giải quyết. Nếu không, ca sĩ phải đền bù số tiền rất lớn.
“Khi một ca sĩ vô danh đã trở thành người có tên tuổi trong làng nhạc, có chút tiếng tăm không đồng nghĩa với việc họ muốn làm gì thì làm, như vậy là không có đạo đức nghề nghiệp”, Lưu nhấn mạnh.
Cũng là một người hâm mộ giọng ca Chắc ai đó sẽ về, nhưng độc giả có nickname Mr T 1990 khẳng định: “Làm việc phải có kỷ luật, Sơn Tùng làm sai nên chịu hậu quả. Bởi bên Văn Production đã nhiều lần nhắc nhở nhưng cậu vẫn vi phạm. Liệu cậu có đáng bị trừng phạt không?”.
Khánh Nguyễn góp ý, chuyện ca sĩ nhận được số tiền có xứng đáng với công sức làm việc hay không là vấn đề còn nhiều tranh cãi nhưng một số bạn đã chấp nhận gia nhập vào con đường ca hát chắc chắn đều biết các công ty đều có cùng hình thức như vậy. Thế nhưng, quan trọng nhất vẫn là đạo đức nghề nghiệp của chính người ca sĩ đó.
“Khi ca sĩ trẻ chân ướt chân ráo vào công ty quản lý, họ chỉ đơn thuần là một người bình thường. Khi họ nổi tiếng, muốn rời đi ít nhất phải có động thái nhỏ là thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, Sơn Tùng chưa từng lên tiếng về việc này đã tự động tham gia đóng phim, sáng tác và chuẩn bị xuất bản phim mới là đã sai”, Khánh nói.