Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sống bằng 'mánh khóe': đánh đu với danh dự?

Bài viết "Trào lưu khoe “mánh khóe” trên mạng" ngày 3/10 đưa ra câu chuyện về một số người trẻ cố tình lách các quy định vì lợi ích cá nhân. Xin chia sẻ đến bạn đọc câu chuyện của một du học sinh từng dùng “mánh khóe” để tìm việc làm thêm.

Tôi là cựu nam sinh Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo (Bình Thuận), sang Nhật học cử nhân ngành kinh tế thống kê tại trường đại học Ritsumeikan Asia Pacific (Nhật Bản) từ năm 2011.

Sinh viên làm thêm tại nước ngoài (Ảnh chỉ mang tính minh họa).

Đi làm thêm là một trong những quyết định sống còn với nhiều sinh viên Việt Nam tại Nhật. Tuy nhiên, có một sự thật là tại Nhật, du học sinh chỉ được giới hạn làm trong một khoảng thời gian nhất định khi có giấy phép làm thêm từ văn phòng nhập cư nơi tôi sinh sống.

Chính phủ Nhật Bản cực kỳ nghiêm cấm sinh viên nước ngoài làm việc trong các dịch vụ giải trí có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến đạo đức xã hội như làm việc trong các quán bar hoặc quán rượu. Thậm chí những công việc như rửa chén hoặc quét dọn tại sòng bài cũng bị cấm. Đồng thời tại Nhật, du học sinh bị giới hạn thời gian làm thêm chỉ 4 giờ/tuần (8 giờ/ngày trong các kỳ nghỉ, chẳng hạn như nghỉ hè).

Tôi bắt đầu suy nghĩ đến những mánh khóe để có thể đi làm thêm thật nhiều để kiếm tiền tiêu vặt và mua sách vở, dù tôi đã bị trượt xin giấy phép làm thêm do kết quả học tập không tốt mà nhà trường không kí giấy thông qua.

Khó khăn nhất chính là tôi phải đưa hộ chiếu để chủ các nơi đang tuyển dụng nhận vào làm thì nhận ra đang là người Việt Nam cũng như du học sinh nên đã từ chối. Thứ nhất là trên thị thực (visa) của tôi ghi rõ tôi là du học sinh. Thứ hai, tôi không nhận được giấy phép làm thêm.

Bất chấp việc cấm làm thêm, tôi nghĩ ra mánh khóe là thử xin làm việc tại những nơi có người Việt Nam hoặc người Trung Quốc đang mở cửa hàng. Công việc có thể là bưng bê, phục vụ hoặc bán hàng theo ca nhưng điều đó luôn mang lại cho tôi cảm thấy áp lực. Nếu như tôi bị phát hiện hoặc bị bắt có thể sẽ bị đuổi về nước ngay lập tức. Tôi bắt đầu lân la tìm hiểu câu chuyện của những bạn khác ở nhiều nơi cũng bị hạn chế và tìm cách này hay cách khác để trốn luật đi làm thêm kiếm tiền.

Mánh khóe chọn chỗ làm người Việt khá hay cho đến khi cộng đồng học sinh tại trường tôi xôn xao chuyện một cô bạn người Trung Quốc bị đoàn kiểm tra của nhà nước Nhật Bản về nhập cư người nước ngoài phát hiện đang làm thêm tại một cửa hàng bán quần áo bên ngoài trường.

Tôi bắt gặp hình ảnh người bạn đó phải dọn hành lý ra về trước tủi nhục và giấy hủy thị thực (visa) không tiếp tục ở Nhật Bản mà bừng tỉnh. Cô bạn ấy chia sẻ khi bị đoàn kiểm tra vào cửa hàng như khách mua hàng thông thường nhưng khi nghe giọng nói tiếng Nhật, họ có thể phát hiện ra cô ấy không phải là người Nhật dù với diện ngoài bên ngoài như người Nhật Bản. Cô ấy đã phải về trụ sở cảnh sát gần 24 tiếng để làm thủ tục và chuyển hồ sơ về trường trước khi có quyết định trục xuất vì không tuân thủ luật nhập cư.

Có thể tôi sẽ có thêm vài đồng khi dùng mánh khóe trốn làm thêm ở Nhật Bản nhưng nếu khi bị phát hiện, người khác sẽ nghĩ thế nào về cộng đồng kiều bào Việt, những bạn trẻ Việt Nam khác đang sinh sống ở đây. Tôi đã xin nghỉ làm thêm và quay vào trường làm phụ tá học tập (teaching assistant) với sự cho phép của nhà trường. Số tiền tuy chỉ khoảng 100 - 150 đô la Mỹ mỗi tháng nhưng có lẽ không mánh khóe giúp tôi sống nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với nỗi lo phát hiện.

Tôi đã nhận ra, sống thật sẽ tốt hơn sống bằng mánh khóe. Do vậy, đừng sống bằng mánh khóe sẽ giúp thanh thản hơn nhiều!

 

“Ở Ausitralia, chỉ cho sinh viên làm việc tầm 20 giờ/tuần nhưng tôi thấy đa phần du học sinh bên này làm việc cho người Việt không phải khai thuế nên có thể làm đến 40 - 60 giờ/tuần. Nhiều sinh viên Việt Nam bố mẹ cho sang Australia nhưng ít chu cấp tiền nên họ phải đi làm thêm bất đắc dĩ để xoay sở. Theo tôi, việc mánh khóe đi làm thêm không chỉ xấu mà còn ảnh hưởng đến kết quả học tập” - Lê Hà Uyên, ngành dược học, Đại học Monash, Australia

 “Tôi thấy chuyện sinh viên dùng mánh khóe để làm việc là bình thường. Chẳng ai ép buộc được bạn cả. Chỉ là bạn miễn đảm bảo được việc học hành của mình thôi!” - Vũ Phạm Minh Tuấn, ngành quan hệ quốc tế, Đại học Melbourne, Australia

 “Theo tôi thì sống bằng mánh khóe có thể mang lại lợi ích trước mắt nhưng tổn thất lâu dài. Đặc biệt là tổn thất về tinh thần vì khi nào cũng phải lo lắng, tính toán thiệt hơn, sợ bị phát hiện. Còn những tổn thất lớn hơn nếu khi mọi chuyện vỡ lở như tổn thất về mối quan hệ, danh dự, tiền bạc… Có nên đánh đổi như vậy không?” - Huyền Anh - sinh viên khoa Quan hệ quốc tế, ĐHKHXHNV TP.HCM

 

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm