Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sống chậm trên đảo Hòn Dáu

Cách Hà Nội và Hải Phòng không xa, Hòn Dáu khá thích hợp cho chuyến nghỉ hai ngày cuối tuần.

Nếu bạn là một người thích du lịch, nhưng đã hơi nhàm chán với những chuyến đi ồn ào, sôi động và đòi hỏi liên tục xê dịch ở những địa danh nổi tiếng, hãy thử một lần tới và sống chậm hai ngày cuối tuần ở đảo Hòn Dáu, hay còn gọi là “đảo đèn” theo cách của người dân Hải Phòng, bởi nơi đây có trạm đèn biển kỳ vĩ, gắn bó cùng thăng trầm lịch sử.

Hải đăng Hòn Dáu, Hải Phòng.
Hải đăng Hòn Dáu, Hải Phòng.

Vượt sóng chiêm ngưỡng “thần đa”

Cách Hà Nội và Hải Phòng không xa nên Hòn Dáu khá thích hợp cho chuyến nghỉ hai ngày cuối tuần. Không khí thoáng đãng, mát mẻ, trong lành ở nơi đây sẽ là điểm nghỉ ngơi, thư giãn lý tưởng cho du khách.

Đến với Hòn Dáu, trước tiên bạn hãy ghé thắp hương tại đền thờ Nam Hải Thần Vương. Đây là đền thờ được xây cất từ rất lâu, nghe nói rất linh thiêng đã thu hút rất đông khách thập phương vượt sóng ra chiêm bái.

Vượt qua đoạn đường nhỏ khoảng 20 m, du khách sẽ đặt chân đến trung tâm của đảo với những con đường uốn lượn quanh co. Bước chân lên đảo là không khí khoáng đạt với tầng tầng, lớp lớp tán cây cổ thụ, trên những lớp lá mục dày đặc, các loại cây leo dương xỉ.

Trong số hàng trăm loài cây ở đảo Dáu, loài cây mọc nhiều nhất, sinh trưởng phổ biến, bao phủ là cây đa búp đỏ, có những cây đường kính hơn 20 m, tuổi đời hàng trăm năm tuổi. Tầng tầng, lớp lớp những cây đa búp đỏ mọc trải dài khắp đảo khiến nhìn từ xa cả hòn đảo ngập màu xanh chen lẫn màu đỏ của búp đa. Chẳng biết loài đa búp đỏ ở đây có từ khi nào, nhưng bất cứ ai ở Đồ Sơn cũng đều xem đây là những “thần đa” nên chẳng ai dám động đến.

Trong không gian tĩnh lặng, bạn sẽ nghe được tiếng xào xạc của lá, tiếng sóng biển nhẹ nhàng vỗ vào bờ đá. Hai bên đường cây cối đan xen lại thấp thoáng bóng những chú khỉ chạy nhảy trong rừng, khiến du khách có cảm giác như mình như đang lạc trong khu rừng cổ tích.

Xung quanh đảo là bãi đá với những hình thù kỳ bí, khiến bạn phải ngạc nhiên trước những tác phẩm kỳ diệu của thiên nhiên. Tuy không có những bãi cát trắng mịn màng ven bờ cùng nước biển trong xanh, nhưng Hòn Dáu vẫn là địa điểm được du khách tìm đến, để được thả mình vào thiên nhiên hoang sơ và đến với cõi tâm linh làm ấm lòng người.

Những câu chuyện nhuốm màu huyền bí về vị thần thiêng trấn giữ đảo không biết có bao nhiêu phần thực, bao phần hư, chỉ biết rằng chính những câu chuyện ấy đã giúp hòn đảo nhỏ nằm ngay sát thành phố giữ được vẻ hoang sơ, quyến rũ khi chẳng ai dám đến đây bẻ một cành cây, nhặt một hòn đá.     

Thăm “pháo đài cổ” ở đảo đèn

Ngoài đền thờ Nam Hải Thần Vương, địa điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến đảo Hòn Dáu đó là ngọn hải đăng.

Theo con đường đá thoai thoải dẫn lên ngọn hải đăng, du khách như lạc vào thế giới cổ tích khi đi giữa hàng cây cổ thụ thân vài người ôm không xuể; những tán cây và dây leo đan vào nhau tạo thành mái che rợp bóng mát cho con đường. Thỉnh thoảng, du khách sẽ bắt gặp những tượng đá, vài cây nấm giả, bãi cỏ xanh mướt hay ghế đá ven đường điểm tô cho khung cảnh thiên nhiên thơ mộng.

Dân Hải Phòng hay gọi đảo Hòn Dáu là “đảo đèn”, bởi nơi đây có trạm đèn biển kỳ vĩ, gắn bó cùng thăng trầm lịch sử. Đèn biển Hòn Dáu là một trong những cây đèn trăm tuổi của Việt Nam. Đó là một tòa nhà hai tầng (nay được dùng làm bảo tàng), chính giữa là tháp đèn như một pháo đài cổ vút lên giữa đảo.

Tháp cao 5 tầng, đỉnh đèn cao 140 m so với mặt nước biển, ánh sáng được phát ra từ độ cao 65 m so với chân tháp. Hải đăng Hòn Dáu chiếu xa đến 40 km, ngày ngày “dẫn lối” tàu thuyền qua lại vùng biển này. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, trạm đèn biển này là một trong những mục tiêu oanh tạc của đế quốc Mỹ. Tháng 4/1967, hải đăng Hòn Dáu bị đánh sập hoàn toàn nhưng những công nhân trạm đèn vẫn anh dũng bám trụ, dựng cột đèn bằng sắt thay thế, đảm bảo hoạt động. Năm 1986, đèn được xây dựng lại trên nền móng cũ và năm 1995, tiếp tục được sửa chữa, trùng tu theo kiến trúc ban đầu.

Leo 125 bậc thang xoắn ốc để lên tới đỉnh trạm đèn, hứng gió biển mặn mòi và phóng tầm mắt ngắm nhìn vùng biển quê hương mới thấy hết cái bao la của biển trời.

Toàn đảo chỉ có khu nhà điều hành ngọn hải đăng Hòn Dáu có dịch vụ cho khách nghỉ lại ban đêm. Giá thuê một phòng ở đây khá rẻ, chỉ khoảng 200.000-300.000 đồng/đêm (tuy không được tiện nghi lắm).

Đảo Hòn Dáu không có dịch vụ ăn uống cho khách nghỉ qua đêm, do vậy bạn cần chuẩn bị đồ ăn trước khi lên đảo. Ban ngày, bên cạnh khu nhà điều hành có một quán nhỏ phục vụ du khách, tuy nhiên quán này cũng chỉ bán nước uống và mỳ ăn liền. Những người có kinh nghiệm du lịch ở Hòn Dáu thường mang theo ít thức ăn nhẹ như hoa quả, bánh trái, nước uống... để làm một bữa tiệc nho nhỏ giữa biển rừng mênh mông.

Đặc biệt, đảo Dáu còn gắn liền với một lễ hội truyền thống của người đi biển vùng duyên hải Bắc bộ. Điều rất đặc biệt lặp đi lặp lại nhiều năm là cứ vào khoảng 23h, khi buổi tế lễ chuẩn bị bắt đầu là sóng biển quanh đảo Dáu lại cồn lên dữ dội. Theo lý giải của người dân, đó là lúc thần đảo hiển linh, chứng kiến lòng thành của con người…    

Đường sang đảo Dáu đang hình thành, rồi đây hàng trăm biệt thự nghỉ dưỡng sẽ mọc lên ngay trên đảo và khi đó lượng du khách đến với đảo Dáu tìm cơ hội “sống chậm” chắc sẽ tăng lên.

Để tới đảo Hòn Dáu, du khách sẽ phải ra Đồ Sơn cách trung tâm TP. Hải Phòng khoảng 20 km. Từ đây, du khách bắt taxi ra bến Nghiêng, thuê thuyền ra đảo Hòn Dáu. Vé tàu cả hai chiều đi và về khoảng 100.000 đồng/vé.

Mỗi ngày đều có tàu thuyền liên tục ra đảo Dáu, xuất phát từ bến Nghiêng. Chỉ mất 30 phút, những con tàu gỗ xinh đẹp sẽ vượt sóng đưa bạn chạm đến hòn đảo ghi dấu lịch sử.

Về Hải Phòng ăn lẩu cua đồng

Thỉnh thoảng đám bạn tôi lại rủ về Hải Phòng ăn lẩu cua đồng. Gần Hà Nội, giao thông thuận lợi, một chuyến đi cuối tuần với mục tiêu “oánh chén” thì thành phố này là nơi lý tưởng.

http://www.baogiaothong.vn/song-cham-tren-dao-hon-dau-d124868.html

Theo Hoàng Hải / Báo Giao Thông

Bạn có thể quan tâm