Theo Daily Mail, Goran Pershagen, một chuyên gia tim mạch của Viện Karolinska, Thụy Điển và cộng sự tìm hiểu 1.571 người từng bị đau tim trong khoảng thời gian từ năm 2005 tới nay. Sau khi biết địa chỉ của từng bệnh nhân, nhóm nghiên cứu tới tận nơi để đo mức độ ồn.
Ngoài ra, các chuyên gia còn yêu cầu bệnh nhân cung cấp thông tin về tần suất tiếp xúc với không khí ô nhiễm, hút thuốc lá và một số yếu tố khác liên quan tới bệnh tim. Những người có vấn đề về tai (điếc, khó nghe) hoặc thường xuyên tiếp xúc với các loại tiếng ồn không liên quan tới giao thông bị loại ngay khỏi nghiên cứu.
Sống ở phố lớn dễ có khả năng bị đau tim. Ảnh: Getty. |
Nhóm nghiên cứu nhận thấy những người thường xuyên nghe tiếng ồn giao thông lớn hơn 50 decibel (đơn vị đo cường độ âm thanh) có nguy cơ bị đau tim cao gấp 40% so với người sống trong khu vực có cường độ âm thanh nhỏ hơn con số này. Trong khi đó, tiếng ồn trên những con đường đông đúc nhất thường ở trong khoảng 80-90 decibel.
“Chúng ta cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác minh mối quan hệ giữa tiếng ồn giao thông và bệnh tim. Nhưng phát hiện của chúng tôi phù hợp với nhiều nghiên cứu trước đây về tác động của tiếng ồn đối với sức khỏe của tim”, chuyên gia Goran cho biết.
Giáo sư, tiến sĩ Andreas Seidler, Đại học Kỹ thuật Dresden (Đức) cho biết: "Tiếng ồn giao thông có thể gây ra các phản ứng căng thẳng tâm lý và sinh lý phức tạp. Nó kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm, điều khiển phản ứng tăng huyết áp và nhịp tim, nếu xảy ra trong thời gian dài có thể gây suy tim".
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính ở Tây Âu, ít nhất 1,5 triệu người phải sống phần đời cuối cùng vì khuyết tật mà nguyên nhân là tiếng ồn giao thông.