Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sống thử để tiết kiệm tiền thuê nhà

“Sống thử sẽ tiết kiệm được tiền thuê nhà, giảm chi phí ăn uống. Chúng tôi cũng có những trải nghiệm đích thực cho cuộc sống gia đình sau này", Hải chia sẻ.

Ở chung có lợi

Các bạn trẻ - nhất là những người đi học, làm việc xa nhà - do thiếu thốn tình cảm, thiếu sự quan tâm, quản lý sát sao của gia đình nên suy nghĩ và hành động theo cảm tính. Không ít người tự quyết định cuộc sống riêng tư bằng việc dọn về ở chung hoặc cho bạn trai/gái đến ở cùng. 

Về hành động này, hầu hết giới trẻ cho rằng, sống thử để hiểu nhau nhiều hơn. Nếu họ cảm thấy không hợp, sẽ kết thúc sớm, như vậy sẽ giảm tỷ lệ ly hôn. 

Nguyễn Văn Hải - nam sinh đang học tại Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải - chia sẻ: “Sống thử sẽ tiết kiệm được tiền thuê nhà, giảm chi phí ăn uống, không phải làm việc vặt. Đặc biệt, chúng tôi sẽ những trải nghiệm đích thực cho cuộc sống gia đình sau này như cách ứng xử trong quan hệ vợ chồng, người thân và quản lý kinh tế. Vì vậy, với tôi sống thử không xấu”.   

Ảnh minh họa.

 

Cùng quan điểm trên, Vũ Thị Hồng Xiêm (Hòa Bình) hiện là thực tập sinh cũng không giấu giếm: “Trước đây, lúc mới học năm thứ nhất mình yêu một bạn trai cùng quê. Sau một thời gian chúng mình quyết định chuyển về sống với nhau. Việc này vừa tiết kiệm các khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày cho cả hai, bên cạnh đó mình dễ kiểm soát người yêu"

Xiêm cũng cho rằng sống thử là điều dễ hiểu, bởi khi yêu ai cũng có nhu cầu ở gần nhau. 

"Lúc đầu bọn mình xảy ra nhiều mâu thuẫn. Nhưng rồi cả hai cũng bỏ qua cho nhau. Sau những lần như thế chúng mình hiểu nhau hơn. Hiện cả hai đã về ra mắt gia đình để tính chuyện hôn nhân”.

Chuyện bất cập hại

Nhiều cặp đôi sống thử sau này nên duyên chồng vợ và sống hạnh phúc bên nhau, nhưng cũng có cảnh đường ai nấy đi.

Một số người ví von, ngày xưa, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy nhưng các cụ vẫn sống với nhau đến đầu bạc răng long. Hiện nay, giới trẻ tự do yêu đương, thoải mái thể hiện cái tôi, vậy sống thử liệu có phải là cách duy nhất để "hiểu nhau".

Khi chuyện xảy ra ngoài ý muốn (bạn gái có bầu), các bạn trai thường là khuyên người yêu mình đi “giải quyết”. Cũng có trường hợp bạn trai chịu trách nhiệm nhưng bị gia đình ngăn cấm nên đành chia tay.

Nhi và Minh hai người bạn khác quê nhưng yêu nhau khi cả hai bắt đầu vào đại học tại Hà Nội. Thời gian đầu mới yêu, tuy khác phòng trọ, nhưng Nhi luôn nấu cơm, giặt quần áo, chăm lo cho Minh từ bữa cơm đến giấc ngủ. Tình yêu của họ khiến nhiều người ngưỡng mộ. 

Sau này, lấy lý do “để cho tiện”, Nhi sống cùng phòng với Minh như đôi vợ chồng trẻ.

Khoảng thời gian vui vẻ hạnh phúc không được bao lâu, mâu thuẫn giữa họ xảy ra ngày càng nhiều. Ban đầu chỉ là những trận cãi nhau bình thường. Sau đó, nửa đêm mọi người xung quanh thường bị đánh thức bởi cảnh Minh chửi mắng, đánh đập bạn gái. 

Kết cục của chuyện sống thử là Nhi nhập viện. Cô vừa phải phá thai vừa trồng hai chiếc răng do Minh đấm gãy. Trong lúc Nhi nằm viện, bạn trai cô chuyển chỗ trọ không một lời nhắn nhủ.

Tranh cãi gay gắt giữa GS Lân Dũng và giới trẻ về sống thử

Hiện nay, việc sống thử không còn xa lạ đối với các bạn trẻ. Bên cạnh những “cái được trước mắt” thì sống thử còn để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.

http://baophapluat.vn/loi-song-sai-lam/song-thu-detiet-kiem-tien-thue-nha-211494.html

Theo Lưu Tân - Thanh Hằng/Báo Pháp Luật Việt Nam

Bạn có thể quan tâm