Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sốt xuất huyết tấn công KTX

Sốt xuất huyết vẫn thường là đại dịch đe dọa các khu ký túc xá sinh viên. Năm ngoái, ngay sau kỳ nhập học, dịch sốt xuất huyết đã hoành hành tại ký túc xá trường ĐH Thủy lợi. Vừa mới đây, khu nhà C1 - Ký túc xá Mễ Trì - ĐH QGHN lại xuất hiện nhiều ca sốt xuất huyết nguy kịch…

Sốt xuất huyết tấn công KTX

Sốt xuất huyết vẫn thường là đại dịch đe dọa các khu ký túc xá sinh viên. Năm ngoái, ngay sau kỳ nhập học, dịch sốt xuất huyết đã hoành hành tại ký túc xá trường ĐH Thủy lợi. Vừa mới đây, khu nhà C1 - Ký túc xá Mễ Trì - ĐH QGHN lại xuất hiện nhiều ca sốt xuất huyết nguy kịch…

Sốt xuất huyết tấn công KTX
Ảnh minh họa

Thờ ơ với sinh mạng mình?

Một nữ sinh viên tên Uyên (Ký túc xá Mễ Trì) vào bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hết sức nguy kịch: bị xuất huyết nặng, chỉ còn 7/150 đơn vị tiểu cầu. Trong khi đó Uyên có nhóm máu O, nhóm máu "ít phổ thông" nên phải chờ nửa ngày mới có được lượng máu O cần truyền. Cả nhà Uyên "đứng tim" vì lo Uyên không qua khỏi.

Một ca nguy kịch khác cũng xảy ra với sinh viên Hoàng Thị Quyên - sinh viên K51, khoa Triết, ở ký túc xá Mễ Trì: phải truyền đến hơn 30 chai huyết thanh.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng khoa Nội cán bộ - Tự nguyện, bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: "Dịch sốt bắt đầu từ một tháng nay, thời kỳ cao điểm vào tuần trước và tiếp tục ở tuần này. Hiện tại, khoa Nội cán bộ - Tự nguyện có 37 bệnh nhân điều trị thì 30 bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Tuần trước đó, 4, 5 phòng bệnh của khoa đều chật cứng bệnh nhân bị sốt xuất huyết, phải cho nằm ghép giường. Bệnh nhân sốt xuất huyết là sinh viên của Ký túc xá Mễ Trì, ĐH Kiến trúc, Trung cấp Nông nghiệp và CĐ Lao động xã hội".

Sốt xuất huyết nguy hiểm là vậy, tuy nhiên theo lời kể của các bệnh nhân sinh viên thì khi mới bị sốt sinh viên thường chữa trị theo kiểu: tự chữa, tự mua thuốc và rất ít người tìm đến xin thuốc hoặc điều trị tại phòng y tế ký túc xá. Chỉ đến khi bệnh nặng, các "bệnh nhân" mới hốt hoảng  đến gõ cửa bệnh viện.

Chạy theo... muỗi

Sốt xuất huyết tấn công KTX
Theo phản ánh của sinh viên khu nhà C1 - Ký túc xá Mễ Trì, bệnh sốt xuất huyết đã bắt đầu xuất hiện từ trước đây một tháng. Tuy nhiên, chỉ cách đây một tuần, ký túc xá mới được phun thuốc muỗi.

Trả lời về sự chậm trễ trong phun thuốc phòng dịch, cô Nguyễn Thị Thúy, Trưởng trạm y tế Ký túc xá Mễ Trì cho biết: "Đã có một đợt phun thuốc từ đầu năm. Tôi cũng có một bản báo cáo và đề nghị phun thuốc vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 tuy nhiên, các trường chưa có kinh phí... Đến khi có dịch xảy ra bên phòng dịch quận xuống phun thuốc trừ muỗi, nhưng đợt phun thuốc này cũng chưa giải quyết được triệt để dịch bệnh, chúng tôi phải có một đợt phun thuốc nữa".

Ông Lê Kim Sơn, phụ trách quản lý sinh viên của Ban quản lý Ký túc xá Mễ Trì nói: "Theo quan sát của tôi, những đợt phun thuốc phòng dịch có kinh phí thì sau 2 - 3 ngày vẫn ngửi thấy mùi thuốc. Còn đợt phun thuốc phòng dịch vừa rồi của ban phòng dịch quận thì từ sáng đến chiều đã không còn ngửi thấy mùi thuốc nữa...".

Rất nhiều sinh viên cũng đặt ra nghi vấn về hiệu quả của đợt phun thuốc muỗi vừa qua. Một sinh viên năm cuối khoa Văn học nói: "Cán bộ phòng dịch đi vào phòng một loáng, phun hai ba chỗ rồi đi ra, nhanh lắm...".

Cảnh báo từ nguồn nước

Được biết, từ nhiều tháng nay, nước sinh hoạt cho ký túc xá đã xuất hiện cung quăng. Sinh viên vẫn phải đánh rửa bể 2 lần/tuần, cứ sau 2 - 3 ngày lại thấy cung quăng xuất hiện. Có khi nước xả vào bể đêm trước, sáng hôm sau đã thấy cung quăng.

Cô Thúy nói: "Không diệt hết cung quăng thì mầm bệnh sốt xuất huyết vẫn còn. Khi sinh viên đánh rửa bể thì trứng muỗi bám ở mặt trong thành bể, khi nước ngập mầm bệnh lại sinh sôi. Chúng tôi có khuyến nghị là không nên để bể nước trong phòng, tuy nhiên, phương án này xem ra khó khả thi...".

Cô Trương Thị Mai Lan, cán bộ Trạm y tế Ký túc xá Mễ Trì, người trực tiếp theo dõi tình hình sốt xuất huyết và kiểm việc vệ sinh phòng dịch chỉ đưa ra một lời giải thích ngắn gọn: "Ký túc xá nằm trên địa bàn quận Thanh Xuân là khu vực có nhiều ổ dịch".

Còn theo sinh viên phản ánh: Nước có nhiều sắt, bốc mùi tanh. Ban quản lý ký túc xá đã hướng dẫn sinh viên dùng vải buộc vào đầu vòi nước để lọc cặn và rỉ sắt. Nhiều sinh viên tỏ ý lo ngại: "Vải, khăn bông chỉ lọc được những cặn to nhìn thấy được, còn những gì khác lọt qua thì chịu. Sinh viên khi dùng nước vẫn thấy mùi tanh. Sau mỗi lần xả nước vào bể lại thấy khăn vàng khè, bám đầy rỉ sắt".

So với nhiều khu ký túc sinh viên khác, ký túc xá Mễ Trì có thể xem là vệ sinh sạch sẽ, không gian xung quanh các khu nhà đều không có bụi cây hay ao tù, nước đọng. Tuy nhiên, cách đây một tháng, ký túc xá Mễ Trì bị lụt và tầng 1 khu nhà C1 bị nước tràn vào phòng, đây có thể là một trong những nguồn mang mầm bệnh cho ký túc xá?

Dịch sốt xuất huyết còn kéo dài cho đến hết tháng 11. Muỗi xuất hiện nhiều vào lúc chiều tối. Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết từ người bệnh sang người khỏe. Vì thế trong thời gian này sinh viên cần đề cao cảnh giác với muỗi gây bệnh xuất huyết và chú ý vệ sinh nơi ở.

Theo Sinh Viên Việt Nam

Theo Sinh Viên Việt Nam

Bạn có thể quan tâm