Trẻ được gia đình đưa đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Duy Hiệu. |
Nằm trong phòng cấp cứu, khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), bé Anh Thư (9 tuổi, Bình Dương) mệt mỏi, nhắm nghiền mắt. Bên cạnh, dịch truyền vẫn nhỏ đều đều theo đường truyền tĩnh mạch vào cổ tay.
Bé Thư mới vào khoa cách đây một ngày trong tình trạng sốc do sốt xuất huyết, phải chuyển vào phòng cấp cứu.
Bệnh trở nặng sau 3 ngày sốt
Chỉ 5 ngày sau buổi học thêm, Anh Thư bắt đầu xuất hiện dấu hiệu mệt mỏi, đau họng, đau đầu. Gia đình lúc này cho bé uống thuốc hạ sốt, thấy tình trạng cải thiện nên không đưa đi khám ngay.
Sáng hôm sau, bé Thư đến kiểm tra tại một phòng khám tư và được chẩn đoán viêm họng, được cho thuốc điều trị tại nhà nhưng không cải thiện, sau đó trẻ bắt đầu nôn ói.
Ngay hôm sau, bé tiếp tục được đưa đến phòng khám tư để kiểm tra lại và nhận chẩn đoán bị rối loạn tiêu hóa. Tối cùng ngày, Thư bắt đầu xuất hiện những vết lấm tấm đỏ trên da. Tuy nhiên, vì mới tái khám, gia đình vẫn để bé ở nhà theo dõi thêm.
Anh Thư phải nằm điều trị tại phòng cấp cứu, khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 do mắc sốt xuất huyết. Ảnh: Linh Thùy. |
Một ngày sau, tình trạng của trẻ nặng hơn, nôn không ngừng, mệt nhiều nên được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 kiểm tra.
"Kết quả xét nghiệm máu sau khi vào viện cho biết con mắc sốt xuất huyết, được chỉ định phải nhập viện gấp. Lúc này, bác sĩ bảo con đã bước vào giai đoạn bị sốc, phải truyền dịch cấp cứu", chị An, mẹ bé Thư, chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Theo ThS.BS Nguyễn Đình Qui, Phó điều hành khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, sau gần một ngày truyền dịch, tình trạng bé Thư hồi phục, có thể sớm ngưng truyền dịch và theo dõi thêm. Trong vài ngày tới, nếu kết quả kiểm tra máu ổn định, không xuất hiện bất thường, trẻ có thể xuất viện.
Sốt xuất huyết vào mùa
Theo bác sĩ Qui, thời gian gần đây, số bệnh nhi sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị tại đơn vị này có sự gia tăng.
"Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận 5-6 ca mới. Số bệnh nhi tích lũy hàng ngày điều trị tại khoa khoảng 15-16 bé", Phó điều hành khoa Nhiễm thông tin.
Vết xuất huyết dưới da của bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. Ảnh: Trương Hiếu. |
Bác sĩ Qui cho hay năm nay, bệnh nhi mắc sốt xuất huyết phải nhập viện gần như không có nhóm trẻ nhũ nhi. Việc điều trị cho các bé này thường phức tạp hơn.
Thay vào đó, nhóm nhập viện đa phần là trẻ lớn, khoảng 7-8 tuổi trở lên và có cơ địa thừa cân, béo phì. Đây là yếu tố rất dễ khiến bệnh trở nặng, dẫn đến biến chứng.
Bên cạnh trẻ thừa cân, béo phì, sốt xuất huyết cũng có thể gây nguy hiểm đối với nhóm trẻ dưới 12 tháng tuổi hoặc mắc các bệnh nền như bệnh gan, thận, bệnh lý đường hô hấp, tiểu đường...
"Điều may mắn là trong năm nay, các bé khi có dấu hiệu được phát hiện mắc bệnh sớm, điều trị kịp thời nên không có biến chứng xảy ra. Khoa không ghi nhận trường hợp nhập viện trong tình trạng sốc nặng do chủ quan điều trị tại nhà như những năm trước", bác sĩ Qui cho hay.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền virus từ người bệnh đến người lành, kéo dài khoảng 7 ngày.
60% trường hợp sốt xuất huyết là nhẹ, có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khi có các dấu hiệu cảnh báo, người bệnh cần được đưa vào bệnh viện cấp cứu ngay lập tức để tránh bệnh phát triển nặng hơn.
Sốt xuất huyết có thể gây ra các biến chứng lên hệ tuần hoàn, hệ thần kinh gây suy đa tạng, thậm chí nguy hiểm tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.
Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm đặc trưng của sốt xuất huyết là hạ sốt nhưng li bì sau 2-3 ngày sốt cao liên tục. Đây là giai đoạn nguy hiểm, phụ huynh cần theo dõi kỹ để sớm phát hiện bất thường và đưa con đến bệnh viện sớm nhất.
Bên cạnh đó, các dấu hiệu cảnh báo khác là nôn ói nhiều (khoảng 3 lần/giờ hoặc 4 lần trong một buổi); đau bụng nhiều, đặc biệt ở vị trí hạ sườn phải và xuất huyết khó cầm được như chảy máu mũi, chảy máu chân răng; nặng hơn là nôn ra máu, đi cầu phân đen.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng nhấn mạnh phụ huynh tuyệt đối không được sử dụng ibuprofen để hạ sốt.
"Từ sau đại dịch Covid-19, bên cạnh paracetamol, ibuprofen là loại thuốc được nhiều người sử dụng để giảm đau, hạ sốt. Tuy nhiên, điều nguy hiểm khi sử dụng ibuprofen cho bệnh nhân sốt xuất huyết là nó có tác dụng phụ gây xuất huyết tiêu hóa", bác sĩ nhấn mạnh.
Hiện tại, biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết chủ yếu là tiêu diệt con đường lây bệnh thông qua muỗi. Môi trường sống của trẻ cần được diệt muỗi, vệ sinh thoáng mát, phát quang bụi rậm, tránh hiện tượng đọng nước.
Các vật dụng chứa nước cũng cần đậy kín để tránh lăng quăng sinh sôi và phát triển. Trẻ cũng cần được cho quần áo tay dài, ngủ mùng cả ngày lẫn đêm để tránh bị muỗi đốt.
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.