Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Start up muốn 'giáo dục khách hàng', Shark nói 'hãy giáo dục chính em'

Trước quan điểm của founder Treant Protector Việt Nam, Shark Hưng nhận xét anh chàng nên "tự giáo dục lại bản thân để phục vụ khách hàng" thì hơn.

Màn gọi vốn cuối cùng trong tập 12 chương trình Shark Tank Việt Nam phát sóng tối 9/10 là của Phạm Anh Tuấn, founder Treant Protector Việt Nam.

Kêu gọi 2 tỷ đồng cho 10% cổ phần công ty, Anh Tuấn giới thiệu Treant Protector Việt Nam là công ty tiên phong trong lĩnh vực thu nhỏ vertical farming (nông trại thẳng đứng) thành các cỗ máy T-Farm đưa vào không gian trong nhà, tạo thành các "khu vườn trong nhà".

Khi sử dụng dịch vụ của Treant Protector Việt Nam, người dùng có thể tự trồng các loại cây cỏ, các loại thực vật mong muốn với giá khoảng 25 triệu đồng/máy.

Founder này bày tỏ mong muốn qua start up góp phần chống lại sự biến đổi khí hậu và giảm thiểu ô nhiễm không khí bằng phương pháp khí canh.

Shark Tank Viet Nam anh 1
Treant Protector Việt Nam được giới thiệu là công ty tiên phong trong lĩnh vực thu nhỏ vertical farming (nông trại thẳng đứng) thành các khu vườn nhỏ trong nhà.

Trước nhận xét dự án chiếm nhiều diện tích nên khó khả thi tại thị trường Việt Nam, founder Anh Tuấn công nhận đây hiện là khó khăn chính của Treant Protector Việt Nam.

"Bọn em đang ở trong giai đoạn phải giáo dục khách hàng để họ chấp nhận sẽ có một khu vườn trong nhà trước đã", Anh Tuấn nói.

Tuy nhiên, phát biểu này của nam founder không được Shark Hưng đồng tình. Vị "cá mập" nói Anh Tuấn nên "tự giáo dục lại mình về cách phục vụ, đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách dễ chịu hơn".

Shark Việt cũng nhận xét: "Để khách hàng giáo dục mình thì tốt hơn, chứ mình giáo dục khách hàng thì khó lắm. Bản thân em cũng phải xác định mình không phải ông chủ, người chủ là người trả tiền để mua sản phẩm của mình".

Shark Tank Viet Nam anh 2
Nam founder Anh Tuấn tới kêu gọi 2 tỷ đồng cho 10% cổ phần công ty.

Khi Shark Linh bày tỏ nghi ngại với các hóa chất được sử dụng để trồng rau, Anh Tuấn khẳng định: "Sạch hay không là do chị và em cùng hình dung thôi".

"Cái quan trọng mà mình đảm bảo là làm sao người dùng có thể hái bất kỳ sản lượng rau nào đem đi xét nghiệm, họ sẽ không để tàn dư nào làm ảnh hưởng đến sức khỏe của họ".

Anh Tuấn cũng tự tin khẳng định nếu Shark Linh chứng minh các loại rau ngoài siêu thị là sạch thì rau trồng từ chiếc máy này cũng như vậy.

Dành nhiều lời khen cho ý tưởng của Anh Tuấn song Shark Hưng cho rằng giá thành hiện tại của máy trồng rau là quá cao trong giá trị sản lượng rau đem lại không nhiều, khó có tính ứng dụng. Ông quyết định không đầu tư.

Tương tự, các vị "cá mập" còn lại cũng quyết định không rót vốn cho Treant Protector Việt Nam.

Bình luận về dự án của Anh Tuấn trên diễn đàn mạng, Tuyet Tran cho rằng Anh Tuấn nên cân nhắc tới việc phát triển máy có thể trồng các loại dược liệu có giá trị cao như gợi ý của Shark Hưng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trong khi đó, về phát ngôn muốn "giáo dục khách hàng" của Anh Tuấn, Le Manh Hung cho rằng anh nên biểu đạt là "thay đổi quan điểm khách hàng" sẽ dễ nghe hơn.

"Bạn thân còn chưa dám nói hai từ 'giáo dục' nhau nữa là bạn là người bán hàng lại muốn đi giáo dục người đem tiền nuôi mình", Le Manh Hung nhận xét.

3 Shark đầu tư cho 1 start up dù nói đốt tiền như hóa vàng

Dù được nhận xét là dự án tốn kém, start up y tế eDoctor vẫn nhận được lời đề nghị đầu tư từ Shark Việt, Shark Dũng và Shark Bình.

Mai An

Ảnh: Fanpage Shark tank Việt Nam

Bạn có thể quan tâm