Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sếp ‘đì’, quấy rối, bắt nạt ở nơi làm việc

Thay vì chịu đựng và ngày càng chán nản nơi làm việc vì bị sếp bắt nạt, bạn nên thẳng thắn nói chuyện, nói với phòng nhân sự hoặc tìm cho mình nơi làm việc mới tốt hơn.

Ở Nhật Bản, cụm từ “pawahara” hay “power harassment” chỉ nạn quấy rối, bắt nạt nơi công sở bởi cấp trên, không còn xa lạ với nhiều người, nhất là giới văn phòng.

Theo một khảo sát thực hiện bởi trang web tìm việc En Japan, có tới 82% phụ nữ và đàn ông Nhật trên 35 tuổi cho biết từng bị cấp trên bắt nạt. Trong đó, 66% ở dạng tâm lý như bị lăng mạ, đe dọa và chửi mắng công khai; 45% bị bắt làm việc quá sức.

“Pawahara” không chỉ xuất hiện ở xứ anh đào mà còn đang là tình trạng chung ở môi trường làm việc nhiều nơi trên thế giới.

Theo Rochelle Kopp - nhà tư vấn quản lý, từng làm việc với nhiều công ty Nhật hoạt động trên toàn cầu và công ty nước ngoài tại Nhật Bản - có nhiều hơn một cách để xử lý khi rơi vào trường hợp bị sếp “đì” thay vì chịu đựng.

bi bat nat o cong so anh 1
Tình trạng bắt nạt nơi công sở diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: Getty Image.

Thứ nhất, bạn có thể nói rõ với người đang bắt nạt bạn, rằng bạn thấy hành vi mà họ đang làm là không chấp nhận được.

Ví dụ, nếu họ hay la mắng bạn, hãy nói bằng giọng bình tĩnh: “Tôi không nghĩ thái độ, hành động la hét của anh/chị hiện tại là đúng. Là đồng nghiệp, chúng ta không cần sử dụng cách này để làm việc”.

Nếu bạn bị giao nhiệm vụ không thể thực hiện hay mang tính chất hạ thấp bạn, hãy từ chối và giải thích lý do. Đôi khi, nếu bạn chứng tỏ được bản thân là người không dễ bị sai khiến và lung lay, sự bắt nạt sẽ chấm dứt.

Tuy nhiên, có thể trong một số trường hợp, tình trạng đó sẽ còn tồi tệ hơn, vậy nên hãy chuẩn bị cho khả năng đó nếu thử phương pháp này.

Thứ hai, hãy thử ngồi lại và tìm ra hành động nào ở bạn kích động hành vi bắt nạt đó, nếu mục tiêu sếp nhắm tới chỉ là mỗi bạn thay vì tất cả cấp dưới.

Hãy thử hỏi xem bạn có thể làm gì để cải thiện hiệu quả công việc và xin vài gợi ý để giúp bạn trở nên năng động hơn.

Tất nhiên, cách này cũng dễ khiến bạn “chọc giận” thêm kẻ bắt nạt, nhưng cũng đáng để thử với sự chân thành.

bi bat nat o cong so anh 2
Chịu đựng không phải là cách hay khi bị bắt nạt ở nơi làm việc. Ảnh: Labor Consultant.

Kế tiếp, bạn có thể nói chuyện với ai đó trong bộ phận nhân sự của công ty. Họ có thể đề xuất phương án nào đó giúp bạn hoặc xoa dịu tình hình.

Dù có thể không nhận được sự nhiệt tình giúp đỡ vì tùy thuộc vào bộ phận nhân sự từng công ty, song đây cũng là một gợi ý không tồi nếu bạn đang mắc kẹt trong áp lực.

Cuối cùng, nếu không chỉ có cấp trên bắt nạt mà đồng nghiệp cũng lạnh lùng, soi mói, cách tốt nhất là bạn nên tìm cho mình một nơi làm việc mới thay vì cố chịu đựng qua ngày vì lúc này, thật khó để sửa chữa những mối quan hệ đã xuống cấp.

Tất nhiên, hãy luôn dự trù các biện pháp pháp lý cho những tình huống thực sự khủng khiếp. Nói chuyện với một luật sư giỏi có thể giúp bạn xác định tình trạng của mình có nên nhờ đến pháp lý để giải quyết vấn đề hay không.

Thoát khỏi cảnh đi nhậu cùng sếp, giới trẻ Hàn chăm lo cho bản thân

Văn hóa đề cao thứ bậc từng khiến người trẻ Hàn không được phép từ chối yêu cầu từ cấp trên. Giờ đây, họ chọn không tham gia đi nhậu với sếp mà dành thời gian cho bạn bè, bản thân.




Mai An

Theo Japantimes

Bạn có thể quan tâm