Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế hệ 9X Hàn Quốc làm thay đổi nền chính trị quốc gia

Những người sinh vào thập niên 90 tại Hàn Quốc đã và đang trở thành lực lượng lao động chính của xã hội, đồng thời có tác động không nhỏ đến nền chính trị quốc gia.

Zing.vn trích dịch bài đăng theo Korea Herald, đề cập về việc xã hội Hàn Quốc đang dần thay đổi nhờ thế hệ 9x và những hành động thiết thực của họ, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị và văn hóa nơi làm việc.

Các nhà sách lớn chứa đầy những đầu sách nói về khó khăn của thế hệ 9x Hàn Quốc đang phải đương đầu. Các tác giả của những cuốn sách này đã cố gắng nỗ lực để xác định thế hệ trẻ đang suy nghĩ như thế nào trên cương vị là cử tri, nhân viên hay người tiêu dùng.

Ngay cả Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng từng đích thân giới thiệu cho nhân viên Nhà Xanh cuốn sách 90s Generation Is Coming (tạm dịch: Thế hệ 9X đến rồi đây) của tác giả Lim Hong-taek.

“Chúng ta đều từng trải qua tuổi 20 một lần trong đời, nhưng hiện nay chúng ta hiểu những người ở độ tuổi 20 được bao nhiêu?”, vị Tổng thống chia sẻ.

Để khái quát được toàn bộ 6,95 triệu người sinh vào thập niên 90 tại Hàn Quốc không hề dễ dàng. Các nhà nghiên cứu cho biết thế hệ này sở hữu một số đặc điểm khác biệt hơn thế hệ trước: cá tính hơn, cởi mở hơn và nhạy cảm hơn với sự bất công xã hội.

Một thế hệ phẫn nộ trước sự bất công

Tại Hàn Quốc, việc cạnh tranh dường như là vô tận. Điều này dẫn đến một thế hệ trẻ nhạy cảm trong việc cạnh tranh công bằng và phản ứng mạnh mẽ đối với những người giàu có và quyền lực được đối xử ưu tiên.

Gần đây, vụ gian lận thi cử của con gái Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cho Kuk đã khiến hàng loạt sinh viên đổ ra đường biểu tình đòi công bằng.

the he 9x gay anh huong toi Han Quoc anh 1

Sinh viên đổ ra biểu tình đòi hủy kết quả thi gian lận của con gái Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hàn Quốc Cho Kuk. Ảnh: Korea Herald.

“Với những tiến bộ công nghệ, khoảng cách tiếp cận kiến thức và văn hóa đã được thu hẹp, buộc mọi người phải cạnh tranh gay gắt hơn”, đầu sách bán chạy nhất mang tên This is fairness - Defined by Millennials (tạm dịch: Đây là sự công bằng - Được định nghĩa bởi Thế hệ Y Hàn Quốc), viết.

“Họ không chấp nhận những người nỗ lực ít hơn lại nhận được nhiều lợi ích hơn. Họ muốn nỗ lực của mọi người được đánh giá một cách công bằng”, ông Park Won-ik, đồng tác giả cuốn sách này chia sẻ.

“Những gì thế hệ 9X muốn là một sân chơi công bằng”, ông nói thêm.

Trong một khảo sát năm 2017 của Hàn Quốc, 61,5% trong số 10.000 người dưới 30 tuổi cho biết khả năng thăng tiến trong xã hội là rất thấp, chênh lệch khá lớn so với kết quả khảo sát vào năm 2013 là 46,8%.

Bên cạnh đó, số người Hàn cho rằng nền tảng gia đình giàu có là điều quan trọng để thành công trong cuộc sống chiếm 80,8% trong tổng số 3.873 người trưởng thành, theo khảo sát của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc công bố vào tháng 6 năm nay.

Theo các nhà quan sát, cách thế hệ 9X phản ứng trước những vấn đề xã hội gần đây, như thảm kịch phà Sewol hay vụ bê bối Cho Kuk cho thấy họ đang dấn thân vào chính trị, 

Đặc biệt họ không gắn liền với hệ tư tưởng chính trị truyền thống, như việc phe bảo thủ luôn coi trọng liên minh Hàn Quốc - Mỹ hơn là quan hệ liên Triều. Còn thế hệ trẻ lại ưu tiên cải thiện quan hệ xuyên biên giới hơn.

Ngoài ra, thế hệ này đã chứng kiến và trực tiếp tham gia những cuộc biểu tình lật đổ thành công một vị tổng thống Hàn Quốc với tội danh tham nhũng vào năm 2016. Điều này cho thấy họ không chỉ giỏi trong việc bày tỏ ý kiến, mà họ đã đứng lên hành động bằng những cuộc biểu tình thay vì chỉ dựa trên các lá phiếu bầu.

Nếu cho rằng thế hệ trẻ này không quan tâm đến chính trị thì chưa đúng, bởi chưa có đảng phái chính trị nào đại diện cho lợi ích của họ mà thôi.

Xu hướng thay đổi phong cách làm việc

 

Bên cạnh những vấn đề chính trị, nơi làm việc cũng là đối tượng bị ảnh hưởng.

Thế hệ những người sinh vào đầu thập niên 90 đã quen với việc làm thêm nhiều giờ và tham dự các bữa tối nhậu nhẹt sau giờ làm.

Làm theo những gì được sai bảo cũng trở thành một văn hóa nơi làm việc của họ. Việc cống hiến cả đời cho một công ty duy nhất cũng không phải chuyện hiếm tại Hàn Quốc.

the he 9x gay anh huong toi Han Quoc anh 2

Cuốn sách "90s Generation Is Coming" được bày bán tại Seoul. Ảnh: Korea Herald.

Tuy nhiên, văn hóa nơi làm việc của Hàn Quốc đang thay đổi nhanh chóng nhờ những nhân viên đầu 20 tuổi, với thời gian tối đa làm việc chỉ là 52 tiếng/tuần.

Các bạn nhân viên trẻ có xu hướng ưu tiên nhiều hơn vào việc cân bằng giữa đời tư và công việc, cũng như tập trung phát triển tiềm năng của họ thông qua công việc.

Ngoài ra, những lao động trẻ này có xu hướng “nhảy việc” thường xuyên để tìm kiếm môi trường làm việc tốt hơn. Họ muốn cống hiến cho các dự án và sự nghiệp cá nhân, thay vì với nhóm lợi ích hoặc công ty của họ.

“Tôi không trung thành tuyệt đối với công ty cũng như các đồng nghiệp của tôi”, anh Cho, nhân viên của một tập đoàn đã làm việc từ năm 2017 cho biết, “Tôi sẵn sàng rời khỏi công ty khi cảm thấy mình đã học đủ ở đây và muốn phát triển hơn nữa ở nơi khác”.

Theo cuốn sách 90s Generation Is Coming của tác giả Lim, những người sinh vào thập niên 90 không tin rằng lòng trung thành với công ty sẽ giúp thăng tiến sự nghiệp. Đó là lý do vì sao họ không ngại chuyển đổi chỗ làm để đầu tư cho sự nghiệp tương lai của mình.

Có thể điều này xuất phát từ việc họ đã chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi mọi người không chỉ vật lộn để tìm việc làm mà luôn có nguy cơ mất việc.

“Mục tiêu của thế hệ trước là mua nhà, xe và hỗ trợ cuộc sống của gia đình. Họ đã đạt được mục đích đó bằng cách cam kết làm việc lâu dài, gắn với sự phát triển của công ty và đất nước mình”, theo ông Park.

Hiện nay, không ai có thể đảm bảo với thế hệ trẻ rằng họ có thể đạt mục tiêu như thế hệ trước. Đó là lí do vì sao họ theo đuổi lối sống tận hưởng khoảnh khắc nhiều hơn là hy sinh cho tương lai không chắc chắn kia.

"Tuy nhiên, khi tìm thấy thứ gì đó mà họ đam mê và quan tâm, thế hệ 9X sẽ cống hiến hết mình vì nó”, ông Park chia sẻ.

Bị sếp chèn ép, quấy rối tình dục, nam nữ Nhật Bản suy sụp, đổ bệnh

Cả hai giới tại Nhật Bản đều gặp phải tình trạng bị quấy rối nơi công sở, dẫn đến nhiều hệ lụy tâm lý nghiêm trọng.

Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm