Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự bất mãn của người độc thân ở Hàn Quốc

Nhiều chuẩn mực xã hội lấy hôn nhân làm trung tâm khiến không ít người chọn cuộc sống độc thân ở xứ kim chi cảm thấy bức xúc, thất vọng.

Kim Eun-hye, nhân viên văn phòng 30 tuổi, cảm thấy không thoải mái với cuộc hẹn gặp mặt bạn cấp 3 vào đầu năm sau. Trong nhóm, Kim là người duy nhất quyết định sẽ không kết hôn, những người còn lại đều đã lập gia đình hoặc có ý định làm đám cưới, theo Hankook Ilbo.

Khi một người bạn trong nhóm mang thai, một người khác đề xuất cả nhóm tổ chức một bữa tiệc tiết lộ giới tính cho người bạn này, chi phí khoảng 300.000 won (250 USD). Tiệc này thường do công ty tổ chức sự kiện chuẩn bị, có bánh kem, bóng bay và nhiều đồ trang trí khác để công bố giới tính thai nhi.

Tháng 12/2020, Kim cũng đã tổ chức bữa tiệc chia tay thời độc thân cho cô bạn đó, chi khoảng 200.000 won cho trang phục và đồ ăn, 100.000 won làm quà mừng. Dù trong lòng muốn từ chối, cô không dám nói ra vì sợ sẽ gây ảnh hưởng đến mối quan hệ với bạn bè.

Ngoài ra, có vô số sự kiện mà Kim phải tham gia chúc mừng những người bạn của mình như tiệc tân gia, sinh con hay tiệc đầy tuổi của đứa bé.

"Là người lựa chọn sống độc thân suốt đời, tôi không có sự kiện nào để được nhận lại những điều tương tự", Kim nói.

nguoi Han Quoc doc than anh 1

Xác định không kết hôn, nhiều người trẻ Hàn Quốc cảm thấy bất mãn khi xã hội vẫn lấy hôn nhân làm trung tâm. Ảnh: Quartz.

Những trường hợp như Kim cho thấy sự bất mãn của nhóm người sống độc thân ở Hàn Quốc. Dù thường xuyên phải tặng quà cho những người bạn đã kết hôn của mình trong nhiều sự kiện, họ chẳng có cơ hội nào để nhận lại những điều tương tự.

Park Mo (29 tuổi), độc thân, đã quyết định ngừng tham dự các đám cưới được mời. Anh đặt câu hỏi tại sao bản thân phải bỏ ra khoản tiền và thời gian đó trong khi sẽ không bao giờ được nhận lại.

Trong khi đó, Jeong Mo (33 tuổi) làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận được 4 năm, cho biết: "Là người sống một mình, tôi không thể nhận tiền trợ cấp gia đình 30.000 won/tháng cũng như không được nhận 50.000-300.000 won tiền mừng hay chia buồn liên quan đến hôn nhân. Một số phúc lợi của công ty cũng chỉ dành cho người đã có gia đình".

Tại xứ củ sâm, ngày càng nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân suốt đời. Sự bức xúc trong nhóm này cũng ngày càng tăng khi nhiều chuẩn mực xã hội trong nước vẫn coi hôn nhân là cần thiết trong khi các số liệu cho thấy điều ngược lại.

nguoi Han Quoc doc than anh 2

Số người lựa chọn sống độc thân suốt đời hoặc cảm thấy hôn nhân không cần thiết ngày càng tăng. Ảnh: Maika Elan.

Theo một cuộc khảo sát năm 2020 của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, chỉ 16,8% người được hỏi cho rằng hôn nhân là "bắt buộc", trong khi 41,4% xem đó chỉ là một sự lựa chọn.

Một cuộc khảo sát khác của cổng thông tin việc làm Job Korea và Albamon cho thấy cứ 4 người ở độ tuổi 20 và 30 thì một người vẫn chưa có kế hoạch lập gia đình.

Trong khi nam giới cho rằng giá nhà đắt đỏ và chi phí nuôi dạy con cái là rào cản đối với hôn nhân, nữ giới lại chỉ ra lý do là sự căng thẳng khi đối diện các mối quan hệ với gia đình mới và phải tham gia các sự kiện gia đình sau khi kết hôn.

Các chuyên gia cho rằng khi nhu cầu chưa kết hôn tăng lên, quan điểm về vấn đề này sẽ dần thay đổi.

"Sống chung không hôn thú đã trở thành một lối sống mới nhưng xã hội chúng ta vẫn mắc kẹt trong khái niệm 'quan hệ huyết thống' và 'hôn nhân hợp pháp'", Song Hyo-jin, nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc, cho biết.

Kim Yun-tae, giáo sư xã hội học tại Đại học Hàn Quốc, có chung nhân định.

“Không kết hôn là một lựa chọn cá nhân. Vì vậy sẽ không công bằng nếu bị phân biệt đối xử hoặc bị thiệt thòi”, ông nhấn mạnh.

Bỏ phố về quê vì đại dịch ở Hàn Quốc

Gặp khó khăn do dịch bệnh cộng thêm giá nhà đắt đỏ, nhiều người dân xứ củ sâm quyết định về vùng quê canh tác hoặc đơn giản là tận hưởng cảm giác thoát khỏi thành phố.

Mai An

Bạn có thể quan tâm