Theo TS Nguyễn Thị Lâm (Viện Dinh dưỡng quốc gia), mỗi gia đình nên có sẵn 2 loại dầu ăn. Một loại dùng để xào, trộn dầu dấm, salat, nấu canh, ướp thịt cá...; loại còn lại dùng cho các món chiên, rán.
Các loại dầu như hướng dương, đậu nành, hạt cải, ô liu… nên dùng để xào, ăn sống, ướp, giúp người sử dụng hấp thu tốt các vitamin A, D, E, K có sẵn trong thực phẩm, bổ sung các axit béo thiết yếu và tăng vị ngon cho thức ăn.
Các loại dầu hỗn hợp sẽ thích hợp cho việc chiên rán vì có khả năng chịu được nhiệt độ cao trong quá trình nấu nướng.
Khi chiên rán, bạn nên chỉnh nhiệt độ vừa phải để thực phẩm chín sâu hơn và không bị cháy. Nếu để nhiệt độ quá cao, dầu ăn dễ bị cháy và bốc khói, phá huỷ thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm, sản sinh peroxide và các chất gây hại cho sức khỏe.
Dầu ăn sau khi dùng để chiên, rán nên bỏ đi, không sử dụng lại. Bởi sau khi nấu ở nhiệt độ cao trong thời gian dài, trong dầu ăn rất dễ sản sinh ra trans fat, một axit béo có hại cho sức khỏe.
Ngoài ra, các vitamin có trong dầu sẽ bị phá huỷ, làm giảm giá trị dinh dưỡng của dầu. Không những thế, những cặn thực phẩm bị cháy trong quá trình chiên rán còn đọng lại trong dầu đã qua sử dụng mà mắt thường không nhìn thấy cũng là một tác nhân gây hại cho sức khỏe người sử dụng.
Người cao tuổi nên dùng các loại dầu ăn chứa omega 3, 6, 9 như dầu đậu nành, ô liu… để bảo vệ sức khỏe, giúp chuyển hóa cholesterol xấu trong máu, phòng ngừa được các bệnh tim mạch và cao huyết áp
Trẻ nhỏ nên dùng kết hợp, xen kẽ nhiều loại dầu bởi ở lứa tuổi này, các em cần được cung cấp đầy đủ và đa dạng chất béo từ cả hai nguồn động, thực vật, đặc biệt là DHA, omega 3 có nhiều trong dầu cá hồi và một số loại dầu thực vật.
Nên bảo quản dầu ăn ở nơi thoáng mát, cách xa nguồn nhiệt và ánh sáng. Ngoài ra, có thể trữ dầu ăn vào lọ sành, chai thủy tinh sạch, khô ráo, nắp kín, không dùng lọ kim loại.