Tại các quán bar, cửa hàng, ngân hàng và đường phố ở Thái Lan, không khó để thấy cảnh những người chuyển giới làm nhiều công việc khác nhau.
Nhưng nhóm người này vẫn chịu nhiều phân biệt đối xử về mặt pháp lý ở một nước được coi là thân thiện, cởi mở nhất đối với sự đa dạng giới tính, theo La Prensa Latina.
"Hình ảnh thân thiện với LGBT được tô hồng"
"Người đồng tính và chuyển giới ở Thái Lan vẫn chưa được nhà nước bảo vệ một cách hợp pháp, không được hưởng quyền lợi bình đẳng như mọi công dân khác", Koko Kavindhra Tiamsai, một người chuyển giới nữ làm việc cho một nền tảng giao đồ ăn ở Bangkok, nói.
Người tham gia giơ cao biểu ngữ yêu cầu hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới tại Thái Lan trong một cuộc biểu tình vào tháng 2 vừa qua. Ảnh: AFP |
Lớn lên trong một gia đình theo tư tưởng truyền thống ở tỉnh Surin, Koko từ nhỏ đã được người lớn uốn nắn theo các quan điểm có phần định kiến, gia trưởng.
Ở trường học, nơi làm việc, cô phải học cách đối phó với việc bị bắt nạt từ những người cho rằng cô "khác người".
"Sinh sống trong một môi trường gia trưởng rất khó khăn. Bố tôi làm cảnh sát, ông ấy kỳ vọng rất cao về việc tôi nối nghiệp, hoặc ít nhất phải ra dáng một người đàn ông. Tôi trải qua một tuổi thơ không mấy dễ chịu và đáng quên", Koko kể lại.
Từ góc nhìn của Koko, quê hương của cô gắn liền với hình ảnh "thiên đường du lịch cho giới LGBT", là điểm đến thu hút những người thuộc cộng đồng này từ nhiều quốc gia khác. Nhưng những người đồng giới, chuyển giới ở nước này không nghĩ tương tự.
Đến giờ, như các quốc gia châu Á khác, những cặp đồng giới ở Thái Lan không được kết hôn hợp pháp. Ảnh: Reuters. |
"Hình ảnh đó được tô hồng quá mức. Chỉ vì họ không đánh đập, bạo lực với người LGBT trên phố như các nước khác không đồng nghĩa với họ chấp nhận hoàn toàn những người như chúng tôi", Koko nói.
“Đó là suy nghĩ rằng: 'Được rồi, bạn có thể sống với chúng tôi nhưng bạn không thể ở cùng cấp độ với chúng tôi'. Đa số người dân vẫn mang quan điểm này và cho rằng cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng của giới LGBT không quan trọng", Siratan Sittitanyawat, một trong những phụ nữ chuyển giới tiên phong đảm nhiệm vị trí nhà ngoại giao tại Bộ Ngoại giao Thái Lan, nói.
Dự luật hôn nhân đồng giới gây chia rẽ
Theo Kath Khangpiboon, nhà hoạt động về bình đẳng giới kiêm giáo sư tại Đại học Thammasat ở Bangkok, cơ sở để đánh giá một đất nước có ủng hộ và đứng về phía giới LGBT không nằm ở chỗ hệ thống luật pháp có hỗ trợ, bảo vệ họ hay không.
"Vì vậy, coi Thái Lan là quốc gia thân thiện với người chuyển giới là thiếu chính xác", cô nói.
Hiện, luật pháp Thái Lan chỉ công nhận bản dạng giới nam và nữ, trong khi người chuyển giới không được thay đổi tên hay giới tính của họ trên hộ chiếu và giấy tờ tùy thân. Người cùng giới không được kết hôn hay nhận con nuôi.
Nghị sĩ Thanyawat Kamolwongwat (bên trái) ăn mừng cùng cộng đồng LGBT khi dự luật bình đẳng hôn nhân của Đảng Tiến lên được thông qua hôm 15/6. Ảnh: AFP. |
Hơn nữa, các cặp đồng giới không được thừa nhận quyền và lợi ích hợp pháp như cặp hôn nhân truyền thống. Điều này có nghĩa họ không thể thực hiện các hoạt động pháp lý hoặc có tài chính chung như một cặp vợ chồng, chẳng hạn như việc vay tiền từ ngân hàng để mua nhà.
"Không được phép kết hôn, chúng tôi chỉ là 2 người dưng trong mắt pháp luật. Chúng tôi thậm chí còn không thể đóng vai trò là người thân để cam kết hoạt động y tế thay cho vợ/chồng của mình trong trường hợp khẩn cấp", Permsap Dao Sae-Ung, một người đồng tính nam, cho biết.
Theo Kath, nguồn gốc tôn giáo ở Thái Lan, cộng với các yếu tố như bất ổn chính trị, thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 để lại có nghĩa là các chương trình nghị sự trước quốc hội về cộng đồng LGBT sẽ còn mất nhiều thời gian thảo luận, trước khi đi đến một kết quả nào đó.
Ngày 15/6, Quốc hội Thái Lan đã thông qua 4 dự luật khác nhau, được hợp nhất thành hai đề xuất đối lập - ủng hộ hôn nhân đồng giới hoặc quan hệ đối tác dân sự đồng tính - để các nghị sĩ bỏ phiếu.
Trong đó, chính phủ nước này ủng hộ quan hệ đối tác dân sự giữa những người đồng giới hơn. Phó thủ tướng Wissanu Krea-ngam trước đó cho biết quan hệ này cũng dễ được các nhà lãnh đạo tôn giáo chấp nhận hơn.
Tuy nhiên, một số người lo rằng tạo ra một phạm trù riêng biệt cho các cuộc hôn nhân đồng giới đồng nghĩa với coi những người LGBT là "công dân hạng hai".
"Kết hôn là quyền cơ bản của con người. Chúng tôi không yêu cầu quyền đó, chúng tôi muốn quyền đó được trả lại cho mình. Quyền đó liên quan đến mọi người, không chỉ riêng cộng đồng LGBT", nghị sĩ Thanyawat Kamolwongwat của Đảng Tiến lên bày tỏ quan điểm.