Tháng 6 năm ngoái, một nữ sinh 16 tuổi ở Nhật Bản phải nghỉ học, ở nhà 2 tuần. Trước đó, người giáo viên đã giật tóc cô vì phát hiện tóc của cô gái không phải màu đen theo quy định của trường ở thành phố Kobe.
Cú sốc khiến thiếu nữ mắc chứng rối loạn lo âu. Nữ sinh này chia sẻ với tờ Mainichi Shimbun rằng mái tóc hơi ngả sang nâu sẫm do hóa chất tại hồ bơi nơi cô thường xuyên đến. Song, lý do vẫn không được nhà trường chấp nhận.
Quy định học sinh không nhuộm tóc, xăm mình vốn phổ biến ở trường học tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo các nhà quản lý giáo dục, màu tóc nổi bật dễ làm phân tán chuyện học hành. |
Dù nội quy thường được giải thích là thể hiện sự tôn trọng vẻ ngoài tự nhiên lẫn đảm bảo tính bình đẳng ở trường học, nhiều quy định có phần cứng nhắc vẫn gây bất bình, còn người ngoài cuộc đặt câu hỏi về việc liệu quyền tự do cá nhân có bị xâm phạm.
Nguyên nhân đằng sau
Lý do chủ yếu mà các nhà giáo dục đưa ra khi cấm học sinh nhuộm tóc, trang điểm hay xỏ khuyên là nhằm tránh các em mất tập trung học hành.
Lập luận phổ biến là mái tóc sáng màu hoặc có màu khác lạ so với thông thường sẽ gây phân tâm trong môi trường học tập, cho cả người sở hữu nó lẫn những học sinh xung quanh. Từ đó, điểm số và kết quả học tập sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực theo.
Dù tranh cãi về chuyện màu tóc có liên quan hay không đến khả năng học, thành tích của cá nhân vẫn dai dẳng, đây còn được coi là một cách để học sinh hoặc sinh viên chuẩn bị tinh thần cho môi trường làm việc trong tương lai, nơi các quy tắc về trang phục, tác phong công sở có nhiều sự tương đồng.
Brian Christian Villaluz, giảng viên tại Đại học La Selle (Philippines), cho rằng việc đặt giới hạn cho ngoại hình của thanh, thiếu niên khi đến lớp là cần thiết để rèn tính chuyên nghiệp, "cả về tư duy và vẻ ngoài".
Ngoài ra, nó tạo sự đồng nhất cho hình ảnh của các em học sinh và cả ngôi trường.
Quy định bất thành văn cho học sinh Nhật Bản là không được phép nhuộm tóc đến trường. Ảnh: Soranews 24. |
Hầu hết trường học tại Mỹ không cho phép học sinh nhuộm tóc, trừ khi đó là màu tóc tự nhiên. Ngoài lý do người lớn cho rằng mái tóc có màu khác biệt dễ làm xao nhãng chuyện học, màu tóc còn thường bị gắn với định kiến cá nhân.
Theo đó, người ngoài có xu hướng đánh giá tính cách, con người của người xung quanh dựa trên màu tóc và gu ăn mặc, trang điểm của họ. Ví dụ, những cô gái tóc vàng hoe thường bị coi là đầu óc kém thông minh, ngây ngô hay ai make up theo phong cách tối màu, đánh son trầm bị cho là khó gần, khó nói chuyện.
Quy định hà khắc
Với quan niệm "ăn sâu bám rễ" suốt nhiều năm đó, không khó hiểu khi nhiều trường học áp dụng các quy định một cách triệt để và nghiêm khắc, xuyên suốt nhiều cấp.
Trong nhiều trường hợp, các quy tắc bị cho là quá cứng nhắc hoặc vô lý.
Tháng 8/2022, một trường trung học Văn Xương ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc gây tranh cãi vì cấm học sinh để "các kiểu tóc kỳ quặc" vì chúng "gây phiền phức" và "ảnh hưởng đến kết quả học tập", theo SCMP.
Những kiểu tóc được liệt kê bao gồm: tóc dài ở cả nam và nữ, tóc mai dài, tóc mullets và tóc tỉa. Các học sinh nam đặc biệt bị cấm để tóc mai dài, tóc búi cao hoặc lọn tóc dài ở phía sau gáy. Nữ sinh phải cắt tóc ngắn ngang vai và không được tỉa layer. Học sinh cũng bị cấm uốn tóc hay đeo bất kỳ phụ kiện tóc nào.
"Các học sinh nữ thường thích ăn diện và có xu hướng để tóc dài. Nhưng thật phiền phức khi phải tốn nhiều thời gian gội đầu. Hơn nữa, kiểu tóc tỉa để dài còn che mắt và làm xáo trộn việc học của các em", một giáo viên nói với The Paper.
Ngôi trường ở Trung Quốc đưa ra kiểu tóc tiêu chuẩn để học sinh nam cắt theo. |
Tại Nhật Bản, các trường học từ lâu đã nổi tiếng với những quy định nghiêm ngặt liên quan đến vẻ ngoài khi đến trường.
Nhiều nhà giáo dục thậm chí còn cho rằng cột tóc đuôi ngựa khiến nữ sinh để lộ phần cổ, có thể gây kích thích các nam sinh. Cấm buộc tóc đuôi ngựa chỉ là một trong nhiều quy định được gọi là "buraku kousoku" (hắc nội quy). "Buraku kousoku" bao gồm các quy định màu sắc nội y, tất, chiều dài váy, và cả hình dáng lông mày của nữ sinh.
Quy định màu tóc cũng gây tranh cãi khi một số trường học yêu cầu học sinh phải có ảnh bằng chứng về màu tóc tự nhiên của mình nếu để tóc không "đen và thẳng" đến trường. Các nữ sinh trung học cũng không được trang điểm, sơn móng tay và đeo đồ trang sức.
Hệ quả xấu
Theo Makoto Watanabe, giáo sư truyền thông và báo chí tại Đại học Hokkaido Bunkyo ở Sapporo (Nhật Bản), các trường học ở xứ hoa anh đào vẫn còn quá bảo thủ và đang bám vào những giá trị cũ trong một xã hội đã hoàn toàn thay đổi.
"Việc ép học sinh tuân theo các quy tắc gò bó trong suốt quá trình học tập sẽ hạn chế người trẻ dám thể hiện bản thân. Xa hơn, nhiều quy định vẫn phản ánh rõ việc phân biệt giới tính trong đó", ông Watanabe nhận định. Chung suy nghĩ, bà Tamaki Terazawa, phát ngôn viên của Liên đoàn Giáo viên quốc gia, cho rằng đã đến lúc trẻ em, thiếu niên ở nước này "nên được là chính mình".
Isabelle Warby khẳng định mình bị từ chối học hành vì màu tóc. |
Trong trường hợp thầy cô, ban lãnh đạo nhà trường xử lý một cách độc đoán, thiếu khéo léo, học sinh khó tránh khỏi cảm giác thiếu tôn trọng, tổn thương tâm lý.
Một cựu nữ sinh của trường trung học Kaifukan Prefectural ở thị trấn Habikino, tỉnh Osaka (Nhật Bản) từng dành 4 năm để kiện trường cũ. Trái với màu tóc đen thông thường của đa số người Nhật, cô gái có màu tóc ngả nâu sẫm.
Từ khi nhập học vào năm 2015, cô nhiều lần được nhà trường yêu cầu nhuộm lại tóc thành đen, đi kèm tuyên bố "không cần đến trường nữa nếu không làm theo".
Cảm thấy áp lực và đau khổ, cô gái bỏ học. Nhà trường sau đó xóa tên cô khỏi sơ đồ lớp học và danh sách học sinh. Năm 2017, cô gái đệ đơn kiện trường cũ về vụ việc và yêu cầu khoản bồi thường 2,2 triệu yên (21.250 USD) và được tòa xử thẳng vào năm 2021.
Tuy nhiên, phán quyết của thẩm quán dựa trên hành động nhà trường xóa tên cô khỏi danh sách học sinh. Luật sư của nguyên đơn bày tỏ sự thất vọng trước việc tòa án không có bất kỳ sự lên án pháp lý nào đối với việc nhà trường khăng khăng khẳng định tóc của cô gái có màu nâu tự nhiên.
Năm 2015, Isabelle Warby, khi đó là học sinh lớp 12 tại bang Texas (Mỹ), đã nhuộm tóc màu tím trong suốt mùa hè. Khi quay trở lại trường, ban giám hiệu thông báo rằng chừng nào tóc cô còn màu tím, cô sẽ bị đình chỉ học vì "làm phân tán các học sinh khác".
Không chấp nhận, Warby chia sẻ câu chuyện lên mạng, nói rằng mình bị từ chối học hành chỉ vì màu tóc. Ý kiến của cô được nhiều người tán thành, song cuối cùng, để theo kịp chương trình học ở trường, Warby vẫn phải nhuộm đen trở lại mới được đến lớp.
"Dù đã nói rõ với hội đồng nhà trường rằng việc nhuộm tóc hai lần trong một khoảng thời gian ngắn như vậy sẽ khiến tóc bị tổn thương nghiêm trọng, ban giám hiệu vẫn không thay đổi quyết định".
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.